“Nuôi dưỡng nguồn thu thông qua biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh”
TCDN - Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, thời điểm hiện nay nên theo đuổi một chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh sẽ là cần thiết và hợp lý hơn.
Phát biểu tại phiên thảo luận chiều 8/11, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề cập tới chính sách thu ngân sách. Theo đại biểu, trong Báo cáo số 38 của Chính phủ đề ra giải pháp hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong các chính sách thuế. Điều đó đồng nghĩa với việc trong 3 năm tới đây sẽ hạn chế tối đa việc miễn, giảm thuế.
Đại biểu nhấn mạnh, cần hết sức cân nhắc giải pháp trên bởi hai lý do. Một là, việc bảo đảm tính trung lập của thuế là cần thiết, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì điều đó là khó khả thi, kể cả khi chúng ta khống chế được dịch bệnh thì những hệ quả cũng còn kéo dài trong những năm tiếp theo.
Hai là, căn cứ vào tình hình thực tế 3 năm qua 2019, 2020, 2021 trong chính sách tài khóa, việc miễn, giảm thuế đã được áp dụng liên tục như một giải pháp hữu hiệu và trong năm 2022 rất nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục áp dụng.
“Nếu như tới đây Quốc hội ban hành gói kích thích phục hồi kinh tế thì dự kiến cũng có thể sẽ có những chính sách miễn, giảm thuế. Thời điểm hiện nay nên theo đuổi một chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh sẽ là cần thiết và hợp lý hơn”, đại biểu nói.
Đối với các gói an sinh xã hội, theo đại biểu với mức hỗ trợ từ 2 đến 3 triệu/ người/ lần mang ý nghĩa động viên rất lớn nhưng đó chỉ là những giải pháp mang tính chất tình thế, không phải là giải pháp căn cơ lâu dài. “Chỉ khi chúng ta có những giải pháp hữu hiệu để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động thì mới có thể thu hẹp khoảng cách giàu nghèo”, đại biểu chia sẻ.
Bàn về định hướng sắp tới, đại biểu đề xuất một số ý kiến như sau: Nếu như tới đây Quốc hội thông qua kế hoạch kích thích phát triển, phục hồi kinh tế với những biện pháp tiền tệ mạnh mẽ thì việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là cần thiết.
Thứ hai, sớm ban hành luật về xử lý nợ xấu. Hiện nay, tỉ lệ nợ xấu là khá cao, đến tháng 8 đã là 7,69 % và nếu như dịch bệnh kéo dài thì con số này còn cao hơn và chúng ta không thể lấy Nghị quyết 42 là Nghị quyết thí điểm để áp dụng ổn định lâu dài.
Thứ ba, cần rà soát, ban hành những quy định mang tính thống nhất về thẩm quyền ban hành các biện pháp chống dịch để kịp thời hạn chế tình trạng thiếu thống nhất trong xử lý giữa các địa phương như thời gian qua.
Thứ tư, tạo lập một khuôn khổ pháp lý ổn định, vững chắc để huy động sức mạnh mạnh của hệ thống y tế tư nhân vào công cuộc phòng, chống dịch, khắc phục những thiếu hụt, hạn chế của hệ thống y tế công lập.
“Cuối cùng, rất mong Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết điều chỉnh chế độ, chính sách cho những người đang ở tuyến đầu phòng, chống dịch”, đại biểu kiến nghị.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899