Tạo thuận lợi để người tiêu dùng hưởng lợi ích từ giảm thuế GTGT

29/10/2021, 18:46

TCDN - Tổng cục Thuế yêu cầu Cục thuế các tỉnh, thành phố có trách nhiệm kiểm tra, giám sát về giá bán hàng hóa, dịch vụ (giá chưa có thuế GTGT) từ sau ngày 01/11/2021 của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn để đạt mục tiêu người tiêu dùng được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế GTGT theo quy định.

Ngày 29/10, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 4153/TCT-CS gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15.

Để kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, Nghị định cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, người dân, đồng thời có trách nhiệm kiểm tra, giám sát về giá bán hàng hóa, dịch vụ (giá chưa có thuế GTGT) từ sau ngày 01/11/2021 của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn để đạt mục tiêu người tiêu dùng được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế GTGT theo quy định tại khoản 3 Điều 1 và khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết.

Trường hợp phát hiện các hiện tượng lợi dụng chính sách của nhà nước để tăng giá bán của các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT, cần kịp thời tham mưu biện pháp xử lý với UBND tỉnh, thành phố.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Về việc lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, Tổng cục Thuế hướng dẫn ví dụ về lập hóa đơn như sau:

Ví dụ 1:

Công ty A, là doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, cung cấp dịch vụ vận tải cho Công ty B theo hợp đồng ký kết giữa hai bên, giá tính thuế là 20.000.000 đồng. Dịch vụ vận tải áp dụng thuế suất 10% và thuộc đối tượng được giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Ngày 15/11/2021, Công ty A cung cấp dịch vụ vận tải cho Công ty B thì khi lập hoá đơn GTGT giao cho Công ty B, Công ty A ghi như sau:

Tại cột “Hàng hóa, dịch vụ” ghi: “Dịch vụ vận tải”

Giá bán ghi: 20.000.000 đồng

Thuế suất thuế GTGT ghi: “10% x 70%”

Tiền thuế GTGT ghi: “1.400.000 đồng”

Tổng giá thanh toán: “21.400.000 đồng”.

Căn cứ hóa đơn GTGT, Công ty A kê khai thuế GTGT đầu ra, Công ty B kê khai khấu trừ thuế GTGT theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn là 1.400.000đ.    

Ví dụ 2:

Tổ chức X, là đơn vị tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu, cung cấp dịch vụ lưu trú cho khách hàng Y trong 02 ngày của tháng 11/2021 với giá phòng niêm yết là 1.500.000 đồng/ngày. Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2021 của Bộ Tài chính, dịch vụ lưu trú áp dụng mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu là 5%. Trong thời gian được giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức X tính số thuế GTGT được giảm và lập hoá đơn bán hàng giao cho khách hàng Y như sau:

Tại cột “Hàng hóa, dịch vụ” ghi: “Dịch vụ lưu trú”

Tại cột “Thành tiền” ghi: “3.000.000 đồng” (1.500.000 đồng x 2)

Tính số thuế GTGT được giảm: 3.000.000 x 5% x 30% = 45.000 đồng

Tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” (là số tiền người mua phải thanh toán cho người bán) ghi theo số đã giảm 30% mức tỷ lệ % trên doanh thu là “2.955.000 đồng”, đồng thời ghi chú: “đã giảm 45.000 đồng, tương ứng 30% mức tỷ lệ % trên doanh thu theo NQ số 406/NQ-UBTVQH15”.

Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung nêu trên. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị các Cục Thuế báo cáo về Tổng cục để xử lý kịp thời.

Trước đó, ngày 28/10/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Công văn số 12373/BTC-TCT gửi các Bộ: Giao thông vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông  tin Truyền thông; Kế hoạch và Đầu tư; Công Thương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đề nghị phối hợp triển khai triển khai Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15.

Bộ Tài chính đề nghị các Bộ chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chuyên môn triển khai các biện pháp để người tiêu dùng được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng quy định tại khoản 3 Điều 1 và khoản 1 Điều 2 Nghị quyết, trong đó tập trung các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT nhằm giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường (giá chưa có thuế GTGT) từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 cơ bản ổn định so với thời điểm trước ngày 01/11/2021.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, khẩn trương chủ động rà soát Thông báo trong năm 2021 của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương liên quan đến dịch Covid-19, trong đó có nội dung dừng hoặc ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh đối với một hoặc nhiều hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn (bao gồm cả việc phong tỏa, cách ly xã hội một hoặc nhiều khu vực trên địa bàn) để ban hành Danh sách các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021 làm căn cứ thực hiện miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp đối với hộ, cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết. Quyết định ban hành gửi về Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) trước ngày 05/11/2021.

Chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để người tiêu dùng hiểu và được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết, trong đó tập trung các biện pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT nhằm giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường (giá chưa có thuế GTGT) từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 cơ bản ổn định so với thời điểm trước ngày 01/11/2021.

T. Phương
Bạn đang đọc bài viết Tạo thuận lợi để người tiêu dùng hưởng lợi ích từ giảm thuế GTGT tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan