"Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước" là một trong 5 mục tiêu chưa hoàn thành

29/10/2021, 15:56

TCDN - Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 có 5 mục tiêu không hoàn thành như nội dung thuộc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động.

5 mục tiêu chưa hoàn thành

Chiều 29/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã được thực hiện và mang lại nhiều kết quả quan trọng, có 17/22 mục tiêu của Kế hoạch đã được hoàn thành, 5 nhóm nhiệm vụ đã được tập trung triển khai. Kết quả thực hiện Kế hoạch đã góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình và cải thiện chất lượng tăng trưởng, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,79% cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011-2015; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt bình quân 45,42% cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 30-35%. Hiệu quả sử dụng nguồn lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện. Lạm phát được kiểm soát; tỷ lệ nợ công và áp lực trả nợ hàng năm giảm; nền tảng tài chính quốc gia được củng cố rõ rệt; hệ số tín nhiệm quốc gia tăng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

5 mục tiêu chưa hoàn thành là: Thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn; Thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư; Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 04 nước ASEAN phát triển nhất; Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (thực tế mới đạt khoảng 812 nghìn doanh nghiệp); Đến năm 2020, tỷ trọng lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt 25% (thực tế mới đạt 24,5%).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vẫn còn một số hạn chế cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm chưa hoàn thành theo mục tiêu đề ra. Ba trong số năm mục tiêu chưa hoàn thành là thuộc nội dung cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Nguyên nhân bao gồm cả khách quan và chủ quan trong đó có vướng mắc về thể chế và trách nhiệm người đứng đầu.

Hiệu quả đầu tư công chưa cao; giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn vướng mắc, nhất là vốn ODA. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm, chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đạt 30% theo kế hoạch; hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn hạn chế.

Thu ngân sách nhà nước chưa bền vững, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Việc quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công còn bất cập; tình trạng chuyển giá, trốn thuế còn diễn ra gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Nợ công còn tiềm ẩn rủi ro. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công vẫn còn tồn tại.

Khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp. Hiệu ứng lan tỏa, tính liên kết của khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực trong nước chưa cao.

Việc lập và phê duyệt các quy hoạch còn chậm; hiệu quả của liên kết vùng còn thấp; thế mạnh của các vùng kinh tế trọng điểm chưa được phát huy. Chuyển dịch cơ cấu các ngành diễn ra chậm. Tác động của dịch bệnh Covid-19 đã bộc lộ những hạn chế về tính tự chủ, khả năng chống chịu của nền kinh tế.

Một số thị trường còn chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc. Năng lực của thị trường vốn còn hạn chế, đặc biệt là khả năng huy động và hấp thụ vốn chưa cao. Việc kết nối cung- cầu trên thị trường lao động và chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Thị trường quyền sử dụng đất, đặc biệt đất nông nghiệp còn nhiều bất cập. Thị trường khoa học công nghệ phát triển còn chậm, chưa thực sự là động lực để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh.

Hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước chưa cao

Thẩm tra về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc không hoàn thành 5/22 mục tiêu, chiếm 22,7% tổng số mục tiêu đề ra cần phải được đánh giá làm rõ nguyên nhân, bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu đề ra.

Kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu đề ra.

Theo Uỷ ban Kinh tế, cơ cấu lại đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiệu quả đầu tư công chưa cao, chưa phát huy được vai trò dẫn dắt của đầu tư công. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm, chi phí vốn còn cao.

Việc sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước tiến độ còn chậm, đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch, chỉ mới tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được giao, một số dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm, yếu kém trong công tác định giá doanh nghiệp, triển khai phương án sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa gây thất thoát vốn, tài sản công.

Trong khi đó, kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Động lực của tăng trưởng là xuất khẩu nhưng còn phụ thuộc lớn vào khu vực doanh nghiệp FDI. Việc ban hành và triển khai các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định tại Luật Quy hoạch còn chậm; thể chế liên kết vùng chưa đầy đủ, triển khai không hiệu quả. Thiếu cân đối trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông; kết nối còn hạn chế là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng chi phí vận tải logistics.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, làm rõ tác động của dịch COVID-19 năm cuối nhiệm kỳ ảnh hưởng đến tiến độ, khả năng thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại các phương án, đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng được mua bắt buộc, được kiểm soát đặc biệt; việc kiểm soát, xử lý nợ xấu, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Kết quả khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; đầu tư dàn trải, manh mún, nợ đọng xây dựng cơ bản, tham nhũng, lãng phí. Cùng với đó nguyên nhân một số doanh nghiệp, dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước" là một trong 5 mục tiêu chưa hoàn thành tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

'Cổ phần hóa, thoái vốn không đạt kế hoạch đề ra'
Cục Tài chính doanh nghiệp đánh giá, việc triển khai công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp trong năm 2021 là không khả thi do nhiều đơn vị vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công...