Đại biểu Quốc hội: Phải coi người lao động là động lực tăng trưởng

08/11/2021, 12:05

TCDN - Một số bất cập trong công tác phòng, chống dịch; lo ngại GDP năm 2021 không đạt mức dự kiến; đề nghị coi người lao động là động lực tăng trưởng, hỗ trợ người lao động ... là những nội dung chính được các đại biểu đóng góp ý kiến trong phiên thảo luận sáng nay.

Sáng 8/11, Quốc hội bắt đầu đợt họp trực tiếp, thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022.

Nội dung thảo luận còn có báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

2-chot-2-16362927890631880921299

Một số bất cập trong công tác phòng, chống dịch

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) nêu ý kiến việc xã hội hóa trong phòng, chống dịch Covid-19 là biện pháp quan trọng để huy động sức mạnh toàn dân. Tuy nhiên, xã hội hóa cần được thực hiện có tổ chức, thống nhất, trong một hành lang pháp lý, cơ chế huy động, kiểm soát rõ ràng, minh bạch và được tôn vinh xứng đáng.

Ông cũng chỉ ra một số bất cập trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua như điều kiện thiếu thốn, khó khăn, quá tải ở nơi cách ly tập trung, thu dung, điều trị người mắc Covid-19; trong khi khách sạn, cơ sở lưu trú lại không được sử dụng. Hay như việc cơ sở y tế tư nhân gần như đứng ngoài cuộc, trong khi y tế công lập quá sức.

Ông đề nghị rà soát, xem xét lại cơ chế chính sách để tận dụng tốt hơn nguồn lực sẵn có, phát huy tốt vai trò chủ động, sức mạnh của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh. Chính phủ cần rà soát, ban hành quy định kịp thời thống nhất, luật hóa các hoạt động thiện nguyện, cứu trợ xã hội.

Ngoài ra, người dân cần được tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ các biện pháp cụ thể, có tính chuyên môn và ràng buộc trách nhiệm pháp lý khi tham gia phòng, chống dịch như điều trị, cách ly tại gia đình, khu tập trung.

Lo ngại GDP năm 2021 không đạt mức dự kiến 3 -3,5%

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH Cà Mau) cho rằng cần phải chia sẻ với Chính phủ khóa mới vì làn sóng đại dịch lần thứ 4. Đây là đợt dịch chưa từng có, cả nước phải tập trung rất nhiều nguồn lực, công sức để phòng chống… nên mục tiêu tăng trưởng GDP khó đạt mức dự kiến 3-3,5%. "Chính phủ cần phải đánh giá, thận trọng về mục tiêu này"- ông nói.

“Tôi e rằng chỉ tiêu này khó có thể đạt được vì năm ngoái, chúng ta cũng bị đại dịch tấn công với cường độ không mạnh như bây giờ, chúng ta chỉ đạt được 2,91%. Năm nay tôi e rằng rất khó”.

Về mục tiêu trong kế hoạch năm năm, theo Đại biểu Vân, đã bám sát tình hình thực tế nhưng riêng chỉ tiêu tăng trưởng GDP, kỳ vọng tăng bình quân 6,5% vẫn nên được đánh giá cẩn trọng. Nền kinh tế từ nay đến giữa năm sau ở giai đoạn phục hồi, sau đó mới tính tới câu chuyện tăng trưởng.

Ông cũng chỉ rõ qua việc phòng chống dịch COVID-19, đã bộc lộ ra các yếu kém trong thực thi công vụ của đội ngũ công chức, cán bộ.

“Một bộ phận cán bộ chủ chốt ở một số nơi, từ nhận thức đến hành vi không chuẩn về pháp luật dẫn đến ứng xử vừa không đúng về pháp luật, vừa không đúng về đạo lý với nhân dân. Đề nghị cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương có cán bộ sai phạm phải xử lý nghiêm cho dân biết chúng ta nghiêm” - ông đề nghị.

Phải coi người lao động là động lực tăng trưởng

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho biết, để phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo một số giải pháp đối với lực lượng công nhân lao động.

Giai đoạn giãn cách vừa qua, chúng ta quan tâm nhiều tác động về khía cạnh kinh tế, nhưng hậu quả về mặt tâm lý cũng là vấn đề nghiêm trọng. Lực lượng lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra và nó sẽ để lại di chứng lâu dài, cần nhiều thời gian để khắc phục, đại biểu Khải nhìn nhận.

Theo ông Trần Văn Khải, trước đây, việc kéo lao động ở nông thôn lên thành phố đã rất khó, giờ đây xuất hiện thêm tình trạng lực lượng lao động đang ở sẵn các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê, doanh nghiệp không giữ được lao động kể cả khi đã mở cửa

"Tôi cho rằng, đây là thời điểm người lao động là động lực tăng trưởng, hỗ trợ người lao động cũng chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước", ông Khải phát biểu.

Theo ông Khải, đối với những người lao động phải di chuyển để tìm việc, động lực lớn nhất để họ quay trở lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng/ hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường an toàn.

Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ là kết nối cung - cầu lao động, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.

Ông Khải cho rằng, bài học qua đại dịch Covid-19 cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội là bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động về kinh tế - xã hội. Do đó, cần có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, đô thị và người có thu nhập thấp.

Giải pháp tiếp theo đại biểu nêu là Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường.

"Chúng ta nên mạnh dạn nâng trần nợ công, sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động. Bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước", ông Khải nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề lao động, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nêu thực trạng hai năm qua số lượng lao động thiếu việc làm rất lớn, do vậy, Chính phủ cần đẩy nhanh tiêm chủng cho người dân, có gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa hình thức trợ cấp để ổn định an sinh xã hội.

"Cần giải quyết việc làm cho người lao động về quê trong đợt dịch muốn bám trụ tại quê nhà", bà Tâm nêu ý kiến. 

PV (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Đại biểu Quốc hội: Phải coi người lao động là động lực tăng trưởng tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Hôm nay, Quốc hội thảo luận ngân sách nhà nước
Ngày 21/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024…