Tiếp tục đẩy mạnh “chuyển đổi số” báo chí trong năm 2023
TCDN - Sáng 24/12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 tại Tp.HCM.
Hội nghị có sự tham dự của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ông Nguyễn Trọng Nghĩa; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cùng đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) và hơn 700 đại biểu là đại diện lãnh đạo Bộ, ban, ngành, lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, hội nhà báo, cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương nhận định năm qua là năm tình hình quốc tế, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, công tác báo chí đã thực hiện theo chỉ đạo chặt chẽ của Đảng, Nhà nước.
Từ đó, chủ động, tích cực, kịp thời, nhạy bén để ưu tiên dung lượng, thời lượng tuyên truyền, nghiên cứu các Nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống; góp phần rất quan trọng vào việc củng cố, tăng cường niềm tin đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Theo ông Trần Thanh Lâm, từ tháng 7/2022, Bộ TT-TT đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,8 tỉ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với 2 cơ quan báo chí, thu hồi thẻ nhà báo đối với 1 tổng biên tập báo.
Báo cáo tổng kết công tác báo chí năm 2022 của Bộ TT-TT, tính đến tháng 9/2022, doanh thu báo và tạp chí trên cả nước là 9.500 tỷ, trong đó ngân sách nhà nước cấp 4.800 tỷ, doanh thu từ quảng cáo, phát hành là 4.700 tỷ; chi (xuất bản, chi thường xuyên, chi đầu tư, mua bản quyền, trích lập quỹ) 6.600 tỷ, chiếm khoảng 70% tổng doanh thu.
Tính đến 1/12/2022, tổng kinh phí của các Đài PTTH đạt hơn 15 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 377 tỷ đồng (tăng 2,6%) so với năm 2021. Trong đó kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp: hơn 4.910 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ hơn 10.192 tỷ đồng (doanh thu dịch vụ, doanh thu quảng cáo đạt 7.565 tỷ đồng).
Trong năm 2022, các Đài PTTH chi hơn 13 nghìn tỷ đồng, tăng gần 458 tỷ đồng (tăng 3,6%) so với năm trước. Về chi phí, các Đài sử dụng nguồn kinh phí để chi các hoạt động: giải ngân dự án đầu tư công, mua sắm thiết bị, cơ sở vật chất, chi lương, nhuận bút, các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, công tác phí...
Đối với dịch vụ phát thanh, truyền hình, năm 2022 đánh dấu sự phát triển ổn định của thị trường truyền hình trả tiền, các doanh nghiệp nhìn chung tuân thủ pháp luật. 100% doanh nghiệp đều nộp phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2022 dự kiến doanh thu đạt 9.300 tỷ, tăng trưởng 1,1% so với năm 2021.
Đặc biệt, doanh thu dịch vụ OTT TV tăng trưởng mạnh, doanh thu dự kiến hơn 1.300 tỷ đồng, gấp đôi năm 2021. Bộ TT-TT thống kê, tính đến thời điểm hiện tại cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí và 72 cơ quan Đài PTTH.
Về mặt tài chính, cả nước có 39% cơ quan báo, tạp chí tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên; 36% cơ quan tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 25% ngân sách bảo đảm chi thường xuyên.
Hội nghị thống nhất nhận định, năm 2023 là năm bản lề trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo và các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong năm 2022; triệt để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” như tinh thần văn kiện Đại hội.
Trong năm 2023, Bộ TT- TT nhận định đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí là một trong những mục tiêu trọng điểm của báo chí Việt Nam. Áp dụng các công nghệ số để đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí; đổi mới, tăng cường các giải pháp đấu tranh, xử lý thông tin sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng xuyên biên giới. Thành lập và hoạt động hiệu quả Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí; quản lý tốt các nền tảng xuyên biên giới. Đặc biệt, tăng cường quản lí các nền tảng mạng xã hội, nền tảng quảng cáo số, bảo vệ quyền lợi của báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức Hội nghị đã lựa chọn 32 tập thể để tặng bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899