Tốc độ phục hồi thị trường hàng không nội địa Việt Nam "nhanh nhất thế giới"

16/06/2022, 14:52

TCDN - Theo công bố của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam bất ngờ đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. 6 tháng đầu năm, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam tăng gần 57% so với cùng kỳ 2021.

Thị trường hàng không nội địa Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới.

Thị trường hàng không nội địa Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, theo phân tích của Airbus phối hợp với Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dựa trên kết quả thống kê các số chuyến bay từ Flightradar24, thị trường hàng không nội địa Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới, với đà tăng trưởng 123% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong danh sách này, khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam đứng vị trí số 1 còn có Indonesia đứng thứ 8, Malaysia thứ 9, Philippines thứ 13 và Thái Lan đứng thứ 24.

Cục Hàng không Việt Nam cho hay, 6 tháng đầu năm, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam ước đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021. Trong số này chỉ có 1,8 triệu khách quốc tế và 38,9 triệu khách nội địa.

Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 20,1 triệu khách, tăng 56,1% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 667 nghìn khách, khách nội địa 19,5 triệu khách, tăng 51,8% so với cùng kỳ 2021.

Theo dự kiến trong năm 2022, các cảng hàng không trên cả nước sẽ đón khoảng 87,8 triệu khách, tăng 190% so với năm 2021.

Riêng khách quốc tế dự kiến đạt khoảng 5 triệu khách, tăng 844% và khách nội địa đạt khoảng 82,8 triệu khách, tăng 178,4%.

Đối với hàng hóa, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không trong 6 tháng đầu năm ước đạt 765.000 tấn, tăng 30,6% so với cùng kỳ 2021.

Dự kiến trong năm 2022, sản lượng sẽ đạt khoảng 1,5 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2021.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, triển vọng phát triển hàng không Việt Nam trong năm nay và thời gian tới khá rõ nét, nhiều khả năng sẽ là lĩnh vực dẫn đầu sóng phục hồi trở lại sau dịch với hàng loạt đường bay nội địa, quốc tế được khôi phục và mở rộng. Các chuyến bay khai thác nội địa đã có sự bứt phá, các chuyến bay quốc tế đưa khách nước ngoài cũng sôi động trở lại.

Hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam cũng như quốc tế đã khôi phục phần lớn các đường bay đến các thị trường truyền thống, tuy nhiên, lượng khách quốc tế chủ yếu vẫn là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh, mà lượng khách du lịch, nguồn khách chính của ngành hàng không vẫn còn rất hạn chế.

Các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn chưa được kích hoạch mạnh mẽ do các quốc gia này vẫn duy trì các biện pháp chống dịch ở những mức độ khác nhau, chưa tạo điều kiện cho du lịch quốc tế.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, sản lượng quốc nội cao điểm hè năm nay tăng "phá đỉnh" so với cao điểm hè 2019 khoảng 30-35%; tăng 30% so với ngày thường và tăng 15% so với cao điểm 30/4 vừa qua.

Theo thống kê, trung bình những ngày đầu tháng 6/2022, sản lượng qua cảng đạt hơn 89.000 lượt khách/ngày, trong đó, khách quốc nội đạt 80.000, khách quốc tế đạt 9.000 khách. Số chuyến bay đạt 565 lượt chuyến/ngày, trong đó, quốc nội đạt gần 450 lượt chuyến, quốc tế đạt khoảng 115 lượt chuyến.

Những ngày cuối tuần thậm chí còn ghi nhận lượng hành khách qua cảng  tấp nập hơn, đạt hơn 95.000 khách/ngày với hơn 600 lượt chuyến/ngày. 

Hoàng Tư
Bạn đang đọc bài viết Tốc độ phục hồi thị trường hàng không nội địa Việt Nam "nhanh nhất thế giới" tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Hàng không kiến nghị miễn thuế TNDN, giảm thuế GTGT, Bộ Tài chính nói gì?
Trước thông tin một số hãng hàng không kiến nghị miễn thuế TNDN cho năm 2022, giảm thuế GTGT xuống 5% và điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không, Bộ Tài chính cho rằng cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước.