Tp.HCM: Chỉ 2 dự án bất động sản được cấp phép trong quý 3/2022

08/11/2022, 20:52
báo nói -

TCDN - Tp.HCM chỉ có 2 dự án bất động sản được cấp phép mới, 5 dự án nhà ở thu nhập thấp được triển khai và tồn đọng hơn 100 dự án đang “vướng” pháp lý chờ được tháo gỡ.

Thông tin đến báo chí, UBND Tp.HCM cho biết trong quý 3/2022, trên địa bàn chỉ có 2 dự án được cấp phép mới với quy mô 2.057 căn; Sở Xây dựng thành phố cũng xác nhận chỉ 4 dự án có sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, với tổng cộng 2.144 căn (giảm 200% số dự án so với quý 2) và 5 dự án nhà ở thu nhập thấp trong khu đô thị đang triển khai với quy mô 3.367 căn. 

Trong một diễn biến khác, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cũng thông tin về 100 dự án đang “vướng” pháp lý cần các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ.

Điển hình, dự án Sao Mai (quận 7) được UBND quận 7 chấp thuận đầu tư với công năng là nhà chung cư cao 17 tầng. Dự án đã xây dựng xong móng và hầm.

Năm 2017, dự án được chuyển nhượng cho Công ty CP Hưng Thịnh Incons và đã được UBND Tp.HCM chấp thuận cho nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án và sổ đỏ đất ở sang cho Hưng Thịnh Incons. Nhưng sau đó, dự án vẫn không thể triển khai được do vướng mắc quy hoạch phân khu 1/2.000 đang là thấp tầng, xây dựng móng hầm khi chưa có giấy phép xây dựng và không phù hợp quy hoạch.

Công ty Hưng Thịnh Incons đã tự tháo dỡ phần móng hầm, nhiều lần kiến nghị cho chấm dứt dự án để chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở nhằm thu hồi vốn nhưng chưa có cơ chế giải quyết.

Tương tự, dự án Dragon City (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) của Công ty CP địa ốc Phú Long vẫn còn tồn tại 1 căn nhà trên khu đất và một số hộ dân không chịu di dời dẫn đến hơn 16 năm nay Công ty Phú Long không thể triển khai dự án. Dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Lý tại số 91A Đỗ Xuân Hợp (Tp.Thủ Đức) của Công ty CP địa ốc Thảo Điền đến nay đã hơn 10 năm nhưng chưa triển khai vì thiếu thủ tục giao đất. 

Công ty Lê Thành với dự án nhà ở xã hội cũng đang gặp những vướng mắc tương tự

Công ty Lê Thành với dự án nhà ở xã hội cũng đang gặp những "vướng mắc" tương tự

Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (giai đoạn 2) của Công ty Lê Thành cũng tồn tại những vướng mắc tương tự. Theo đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu trung tâm và dân cư khu vực phía Tây thành phố, vị trí khu đất giai đoạn 2 thuộc quy hoạch đất thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được điều chỉnh quy hoạch cục bộ vì Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, theo Luật Đầu tư mới thì chỉ khi dự án phù hợp quy hoạch mới trình UBND thành phố chấp thuận đầu tư.  

Theo Chủ tịch HoREA, hiện các dự án BĐS bị vướng mắc do nhiều nguyên nhân khách quan và cả chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là những “bất cập” trong một số quy định của các văn bản luật, văn bản dưới luật liên quan đến BĐS.

Cụ thể, một số văn bản luật và văn bản dưới luật chưa thống nhất đồng bộ, chưa liên thông, chưa sát thực tiễn đã và đang làm hạn chế sự phát triển bình thường của thị trường BĐS.

Ngoài ra, thống kê của HoREA cũng cho thấy, nguồn cung nhà ở giảm liên tục từ năm 2018 đến nay. Nếu so sánh với năm 2017 là năm thị trường BĐS Tp.HCM có nguồn cung cao nhất với 42.991 căn nhà thì nguồn cung năm 2018 chỉ bằng 65,8%; năm 2019 chỉ bằng 53,6%; năm 2020 chỉ bằng 39,2%; năm 2021 chỉ bằng 33,6% so với năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2022 nguồn cung chỉ có 9.456 căn nhà, bằng 44 % so với cùng kỳ năm 2017.

Điều này cho thấy, thị trường BĐS đang có dấu hiệu “giảm tốc”, trầm lắng; doanh nghiệp bất động sản có dấu hiệu “hụt hơi”, giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu; nhà đầu tư thứ cấp đang khó khăn.

Quý 3/2022 mới chỉ 2.851 căn hộ được mở bán ra thị trường, giảm 80% so với quý trước.

Quý 3/2022 mới chỉ 2.851 căn hộ được mở bán ra thị trường, giảm 80% so với quý trước.

Tất cả vướng mắc trên là nguyên nhân khiến cho thị trường BĐS ách tắc, dự án nằm im, doanh nghiệp lâm vào khó khăn, giá nhà ngày càng tăng khiến người có nhu cầu nhà ở ngày càng khó với tới.

Trước đó, HoREA cũng đã đề xuất Chính Phủ và các cơ quan chức năng có thẩm quyền về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, “cứu” doanh nghiệp BĐS cả nước nói chung và Tp.HCM nói riêng.

Trong đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể nới trần (room) tín dụng thêm khoảng 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 - 200.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Theo tìm hiểu của PV Tài chính Doanh nghiệp, số căn hộ thương mại được bán ra cũng ghi nhận mức giảm sâu. Cụ thể, trong quý 2/2022, thị trường căn hộ tại Tp.HCM đã có hơn 15.000 căn được chào bán. Thế nhưng, trong quý 3, hầu hết các dự án mới hoặc giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu đều chỉ cung cấp ra thị trường lượng sản phẩm khá hạn chế. Trong đó, nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở phía Đông và Nam Tp.HCM.

Theo CBRE Việt Nam, quý 3/2022 mới chỉ 2.851 căn hộ được mở bán ra thị trường, giảm 80% so với quý trước.

Quang Linh
Bạn đang đọc bài viết Tp.HCM: Chỉ 2 dự án bất động sản được cấp phép trong quý 3/2022 tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

'Thị trường bất động sản ổn định hay không phụ thuộc vào bảng giá đất'
Dự báo về thị trường bất động sản sau khi sửa Luật Đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, thị trường ổn định hay không phụ thuộc vào việc giá đất, bảng giá đất tới đây sẽ thế nào. Đây là vấn đề phức tạp. Nhưng mục đích của chúng ta là phải ổn định được thị trường.