Tranh chấp tại Nam A Bank, cổ phiếu bị dịch chuyển gây khó trong điều tra
TCDN - Vụ tranh chấp cổ phiếu ở Ngân hàng TMCP Nam Á liên quan đến các cá nhân trong gia đình cố doanh nhân Trần Thị Hường (bà Tư Hường) một lần nữa dậy sóng khi toàn bộ cổ phiếu của ngân hàng này được niêm yết giao dịch trên sàn UPCoM thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Sự việc đáng lẽ là bình thường của một ngân hàng thương mại, nhưng phức tạp ở chỗ hàng chục triệu cổ phiếu của của Nam A Bank có giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng đang trong vòng xoáy tranh chấp và vụ việc đã được cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc, khởi tố vụ án hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, đồng thời yêu cầu dừng biến động của các tài sản bất động sản và tạm dừng giao dịch cổ phiếu của các cổ đông liên quan.
Hàng triệu cổ phiếu bị tạm ngưng giao dịch vẫn lên sàn
Nam A Bank thành lập năm 1992 và từng là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên được thành lập bởi cố doanh nhân Trần Thị Hường (Tư Hường). Quá trình gây dựng nên ngân hàng này có vai trò rất lớn của bà Tư Hường và chồng là ông Nguyễn Chấn và hai người này chiếm phần lớn giá trị cổ phiếu của ngân hàng Nam A Bank, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu và các khoản đầu tư cổ phiếu tại ngân hàng Eximbank.
Sau khi bà Tư Hường qua đời, ông Nguyễn Chấn đã tố cáo ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Nam A Bank và một số cá nhân ở Nam A Bank đã chiếm đoạt cổ phần của ông và vợ tại Nam A Bank và một số công ty thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu tổng giá trị bị chiếm đoạt 30.000 tỷ đồng.
Số tài sản này gồm cổ phiếu do Ngân hàng Nam Á phát hành, cổ phần tại các công ty trong hệ thống Tập đoàn Hoàn Cầu, các khoản đầu tư vào doanh nghiệp dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần. Theo ông Nguyễn Chấn, năm 2016, bà Tư Hường bị bệnh nên có giao cho con trai quản lý ngân hàng và Tập đoàn Hoàn Cầu, nhưng quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về vợ chồng ông. Tuy nhiên, người con trai thứ là ông Toàn và một số cá nhân đã chiếm đoạt số tài sản trên.
Căn cứ vào đơn tố cáo của ông Nguyễn Chấn và Cơ quan điều tra cũng đã điều tra thu thập được nhiều tài liệu xác định được dấu hiệu tội phạm “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đã khởi tố vụ án.
Hiện nay vụ án đang được Bộ Công an tích cực điều tra, làm rõ các dấu hiệu phạm tội. Điều này cho thấy khi đang trong quá trình điều tra thì tranh chấp căng thẳng liên quan đến cổ phần, cổ phiếu vẫn tiếp diễn, đòi hỏi phải tuân thủ theo những quy định pháp luật.
Thế nhưng, đến ngày 9-10-2020, Nam A Bank với mã chứng khoán NAB đã niêm yết toàn bộ 389 triệu cổ phiếu NAB để giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 13.500 đồng trong ngày giao dịch đầu tiên. Tổng giá trị chứng khoán đăng ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam tương đương 3.890 tỷ đồng.
Cùng với việc lên sàn UPCoM, ngày 1-9-2020, Nam A Bank thông báo thay đổi vốn điều lệ từ 3.890 tỷ đồng lên 4.564 tỷ đồng, tương ứng với tăng thêm 67,4 triệu cổ phiếu thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động và chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Ngoài ra, Nam A Bank còn có kế hoạch trong năm 2020 thực hiện phương án tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức và thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Các động thái lạ và hoạt động tăng vốn điều lệ qua phát hành thêm cổ phiếu và niêm yết lên sàn giao dịch toàn bộ số cổ phiếu hiện có bộc lộ những điều trái ngược với các quyết định khởi tố và phong tỏa tài sản và cổ phiếu của các cổ đông liên quan tại Nam A Bank.
Cụ thể, cùng với khởi tố vụ án hình sự số 36/QĐ-C01-P4 của Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Công an có công văn gửi Ngân hàng TMCP Nam Á ngày 20-6-2019 thể hiện Cơ quan điều tra Bộ Công an (C01) đang tiến hành điều tra vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” liên quan đến tài sản bị chiếm đoạt là cổ phần, cổ phiếu tại Nam A Bank và một số công ty thuộc nhóm Hoàn Cầu nên yêu cầu tạm dừng chuyển nhượng cổ phần của Nam A Bank đứng tên cá nhân, tổ chức mà cơ quan điều tra cung cấp.
Căn cứ vào công văn này, số tài sản giá trị cổ phần mà ông Nguyễn Chấn tố cáo là hàng chục nghìn tỷ đồng tại Nam A Bank bị chiếm giữ, chiếm đoạt và được Bộ Công an khởi tố và yêu cầu phong tỏa. Điều này cho thấy việc niêm yết toàn bộ 389 triệu cổ phiếu được Nam A Bank đưa lên sàn giao dịch đang là đi ngược lại quyết định của Cơ quan điều tra, trái quy định pháp luật.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong tổng số 389 triệu cổ phiếu NAB đăng ký giao dịch chỉ có hơn 49,3 triệu cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng. Trong đó đa phần là số cổ phần của các thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, tổng giám đốc của Nam A Bank. Không có cổ phiếu bị tạm dừng giao dịch theo yêu cầu của cơ quan điều tra Bộ Công an.
Gây khó cho hoạt động điều tra, xử lý tranh chấp
Các chuyên gia kinh tế khi phân tích về sự việc Nam A Bank niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán sẽ càng làm cho tài sản cổ phiếu bị chuyển dịch nghiêm trọng và hạ thấp giá trị sở hữu của các cổ đông liên quan đến vụ tranh chấp. Trong giai đoạn cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, phong tỏa cổ phiếu của các cổ đông liên quan, đang lẽ ra, Nam A Bank cần phân tách số cổ phiếu có giá trị bị phong tỏa, tạm dừng giao dịch để chờ xử lý theo pháp luật và đưa niêm yết phần còn lại.
Thế nhưng, Nam A Bank đã cho niêm yết toàn bộ 389 triệu cổ phiếu lên sàn giao dịch là một động thái mạo hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu và quyền lợi của các cổ đông khác của Nam A Bank. Điều này còn khiến cho việc xác định giá trị tranh chấp của cơ quan điều tra và các cơ quan liên quan trở nên khó khăn.
Trong đơn kêu cứu mới nhất gửi cơ quan chức năng vào đầu tháng 12-2020, đại diện của ông Nguyễn Chấn cho rằng, việc đưa toàn bộ cổ phiếu giao dịch trên sàn và phát hành cổ phiếu là thủ đoạn của một số cá nhân ở Nam A Bank nhằm xóa dấu vết thông tin chủ sở hữu ban đầu và hướng đến mục đích hợp pháp hóa việc chiếm đoạt tài sản.
Như thông tin chúng tôi đã đưa, luật sư Quốc Anh, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng việc đưa toàn bộ cổ phiếu lên sàn chứng khoán để giao dịch là hành vi trái quy định pháp luật, bất chấp văn bản ngăn chặn của cơ quan cảnh sát điều tra- Bộ Công an gây nên nhiều hệ lụy, khó khăn cho việc xử lý vụ án của cơ quan điều tra, xử lý tranh chấp sau này.
Một vấn đề phức tạp hơn là khi toàn bộ 389 triệu cổ phiếu của Nam A Bank được giao dịch sẽ xóa vết sở hữu cổ phần của các thành viên gia đình ông Nguyễn Chấn và người ủy quyền đứng tên. Để gỡ nút thắt cho việc tranh chấp này, là trong trường hợp các bên tranh chấp có đơn yêu cầu ngăn chặn giao dịch cổ phiếu, hủy niêm yết thì Sở GDCK Hà Nội phải xem xét.
Khi Sở GDCK Hà Nội cho phép giao dịch cổ phiếu Nam A Bank lên sàn giao dịch thì gây biến động nên trong trường hợp đã có văn bản của cơ quan điều tra và đơn yêu cầu của các bên tranh chấp thì cơ quan này phải hủy niêm yết cổ phiếu. Mặt khác, trong trường hợp sự việc tranh chấp được giải quyết thì Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên sở hữu số cổ phiếu được pháp luật công nhận.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899