Trao giải cuộc thi “Đi tìm vị Sài Thành”
TCDN - Chiều 29/1, Tạp chí Du lịch Tp.HCM đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Sài Thành – Vị giao hòa thương nhớ” và Trao giải cuộc thi “Đi tìm vị Sài Thành”.
Tọa đàm "Sài Thành - Vị giao hoà thương nhớ" đã gói ghém lại một đoạn ngắn trong hành trình đi tìm vị của những độc giả yêu Sài Gòn, với sự tham gia của các chuyên gia về lịch sử, văn hóa và ẩm thực: Ông Chiêm Thành Long - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam; TS Nguyễn Thị Hậu - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Tp.HCM; TS Lê Văn Tiếp - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển và Bảo tồn VHNT Đông Nam Á; Ông Phù Minh Khánh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa Ẩm thực Đông Nam Á.
Phát biểu tại sự kiện này, Nhà báo Nguyễn Thị Thu Hà - Tổng biên tâp Tạp chí Du lịch Tp.HCM cho biết: “Cuộc thi đã mang đến cho chúng tôi một bức tranh về Vị Sài Thành thông qua từng góc nhìn từng quan điểm khác biệt. Khi hỏi về vị Hà Nội, người ta có thể dễ dàng chọn 1 món là Phở để phản ánh tính đặc trưng, nhưng ẩm thực Sài Gòn lại hoàn toàn khác, 1 món ăn là không đủ vẽ lên phong vị của thành phố này. Điều này thực sự rất thú vị. Và chúng tôi đã tìm thấy bên cạnh sự phong phú, tính chất ẩm thực của Sài Gòn đã vẽ ra một bức tranh rộng lớn hơn về văn hóa, lịch sử. Ở đó, tình thương và lòng nhớ có vẻ trở thành đặc trưng tiêu biểu trong cách người Sài Gòn chọn ẩm thực như một hình thức giao tiếp văn hóa của mình. Ở đó, nếu tình thương là một đặc tính của những người miền Nam hào sảng nghĩa tình; Lòng nhớ được gói ghém bởi những dòng lưu dân ở các miền hội tụ về Sài Gòn lập phố, có trong mỗi món ăn họ mang đến từ khắp các làng quê”.
Cuộc thi “Đi tìm vị Sài thành” được phát động ngày 12/12/2023, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 200 tác phẩm dự thi từ bạn đọc khắp mọi miền Tổ quốc ở nhiều thể loại như: bài viết, bài ảnh và clip.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức thì các tác phẩm của độc giả gửi tới phác thảo một bức tranh ẩm thực Sài Gòn đa dạng và đậm dấu ấn phong vị. Đáng giá hơn, nhiều bài dự thi có góc nhìn riêng với những kiến giải đầy cá tính và sự dày công nghiên cứu từ góc độ lịch sử, thổ nhưỡng, khí hậu. Đây là món quà chung cho ẩm thực Sài Gòn, đồng thời giúp du khách hình dung được đặc tính văn hóa, đời sống rõ nét hơn khi tìm hiểu về ẩm thực thành phố. Một số bài viết còn mang tới dấu ấn Sài Gòn qua các thời kỳ lịch sử, dù chỉ thông qua một vài món ăn dân dã như bánh bao, chè hay cà phê....
Theo đó, tổng kết từ hơn 200 bài dự thi “Đi tìm vị Sài thành” thì hủ tiếu/ cà phê/ bánh mì và sau đó là các loại chè lần lượt được nhắc tới nhiều nhất trong danh mục hàng trăm món ăn đang được giới thiệu mỗi ngày trong khắp thành phố.
Qua đó, Ban Tổ chức đã trao Giải Nhất cho tác giả Huỳnh Thịnh với tác phẩm "Phở Sài Gòn, vị ‘nostalgi"; Giải Nhì thuộc tác giả Ân Điền với tác phẩm "Vị nhớ Sài thành"; Giải ba thuộc về tác giả Ngô Tú Ngân với tác phẩm "Tứ phương tròn một vị".
Ngoài ra, Ban Tổ chức đã trao Giải Clip truyền cảm hứng với tác phẩm “Chè bưởi Mẹ Siêu Nhân: Từ vỏ bưởi đắng chát đến vị ngọt của tình người” cho tác giả Tấn Đạt. Và Giải Clip ấn tượng nhất đã thuộc về tác giả Lê Bá Vũ với tác phẩm "Bánh mì Sài Gòn - trải nghiệm ẩm thực được yêu thích ở Radisson Blu Resort Cam Ranh". Và Giải bài viết được yêu thích nhất đã thuộc về tác giả Cao Thuận với tác phẩm "Bạc xỉu - Vì ngon ngọt, vị ký ức".
Hơn 300 năm hình thành và phát triển, Sài Gòn – Tp.HCM được biết đến như vùng đất hội tụ tinh hoa của ba miền đất nước, ở đó, sự phong phú về ẩm thực vùng miền là nét nổi bật. Trong từng mùi vị của mỗi món ngon được bày bán trên khắp nẻo đường Sài Gòn không chỉ chứa đựng tinh tuý ẩm thực vùng miền mà còn gói ghém bao nỗi nhớ, niềm thương quê nhà của những người con xa quê. Chính phong vị riêng có ấy tạo nên một kho tàng đặc sản bất tận cho thành phố, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị, giúp Sài Gòn trở thành điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á.
Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tính đến hết năm 2022, Việt Nam có gần 338,600 nhà hàng/café. Tp.HCM là tỉnh thành sở hữu nhiều hàng quán nhất, chiếm 39.78% số lượng trên toàn quốc, gấp gần 3 lần so với Hà Nội. Quy mô doanh thu ngành F&B 2022 ước tính đạt gần 610 nghìn tỷ, trong đó, 333.69 nghìn tỷ đồng đến từ thị trường ăn ngoài.
Tại Tp.HCM, thống kê của Sở Công Thương Tp.HCM (2021), thành phố có khoảng 7.500 doanh nghiệp, hàng chục ngàn hộ kinh doanh cá thể kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Trong số 70 nhà hàng được Michelin Selected vinh danh có 38 cơ sở thuộc Tp.HCM.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899