Tri thức hóa nông dân: Sẵn sàng chuyên nghiệp hoá chính mình

12/09/2022, 18:11

TCDN - "Tri thức hóa nông dân" để nông nghiệp phát triển bền vững đang là vấn đề thực sự quan trọng, cấp bách trong bối cảnh cả số lượng và chất lượng lao động nông nghiệp ngày càng suy giảm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một khoảng trống lớn giữa nhà khoa học, chuyên gia, luật lệ thể chế với người nông dân.

12-09dien-dan-nong-dan-khoi-nghiep-quoc-gia-lan-thu-vii-16629625754021892315308

Tiếp cận số hoá từ những việc làm nhỏ

Hiện nay, lao động nông nghiệp còn 17,7 triệu người (chiếm khoảng 32,8% tổng lao động cả nước). Tỷ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn tới, nhưng quan trọng là cùng với sự “khan hiếm” lao động thì chất lượng lao động cũng suy giảm do hiện tượng già hóa dân số và tình trạng đô thị hóa đã “hút” nguồn nhân lực trẻ, khỏe từ nông thôn ra thành thị, dẫn đến tình trạng lao động ở lại nông thôn chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, tri thức hoá nông dân là sự hiểu biết, đơn giản vậy thôi. Nông dân có hiểu biết sâu hơn, rộng hơn, không gian lớn hơn không chỉ ngoài làng xã mà ra toàn cầu. Đó là điều mà hàng ngày chúng ta có thể làm được, chứ không phải là cái gì to tát. Như Bác Hồ đã nói, học tập là học mãi, học suốt đời.

“Chúng ta có trách nhiệm giúp người nông dân tri thức hoá, chuyên nghiệp lên. Chúng ta sinh ra từ bờ tre gốc rạ, sinh ra từ nông thôn nên phải hiểu rằng người nông dân còn rất nhiều việc phải làm hàng ngày. Từ những bước đi đầu tiên, việc làm nhỏ, sẽ giúp nông dân dần dần tiếp cận số hoá, công nghiệp 4.0” – Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, một trong những điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là đang bấp bênh, mà tôi nghĩ lí do quan trọng là thiếu tính chuyên nghiệp. Do đó, chuẩn hoá quy trình canh tác phải bắt đầu từ người nông dân.

Nghị quyết số 19-NQ/TW về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 có đề ra 9 giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên chính là Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.

“Tôi cho rằng, tiền trong túi là tiền hữu hạn, còn tiền trong đầu mới là vô hạn. Tri thức chính là tinh hoa, hấp thu hiểu biết để đề phòng rủi ro, và kết nối lẫn nhau. Nếu nông dân bán xoài ở Đồng Tháp mà chỉ biết bán xoài thì chưa giàu được, tương tự người trồng sầu riêng ở Tây Nguyên nếu không biết bán hình ảnh, bán chữ tín của mình thì cũng không giàu được. Người nông dân ngày nay không chỉ bán quả xoài mà là bán “chính mình” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.

Chia sẻ câu chuyện của một người nông dân trồng nhãn ở Hưng Yên, Bộ trưởng cho hay, khi được chứng nhận vườn nhãn đạt tiêu chuẩn hữu cơ, anh mừng rơi nước mắt. Trước đó anh trồng theo quy trình bình thường, nhưng mỗi lần bán nhãn, anh đều mất ngủ lo lắng vì không biết trái nhãn của mình bán ra khách hàng có bị ảnh hưởng gì không. Vì vậy, anh quyết tâm chăm sóc vườn nhãn theo quy trình hữu cơ để cái tâm của mình được "ngủ ngon". Và từ đó thương hiệu nhãn của anh cũng được nhiều người biết tới. Lúc này không chỉ là bán quả nhãn nữa, mà là bán trách nhiệm, uy tín của người trồng nhãn trong đó. Nếu như Hội Nông dân Việt Nam có thể giúp hội viên bán thương hiệu của mình, thì ai cũng sẽ giàu lên. Đó là những điều tôi nhìn thấy, rút ra sự khác biệt giữa trái sầu riêng Việt Nam và sầu riêng Thái Lan, hay quả cam của Nhật Bản khác với cam Việt Nam ra sao. Không bao giờ có chuyện cam nơi này được giá lại lấy cam nơi khác trà trộn hoà lẫn vào để lừa dối người tiêu dùng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, “còn một khoảng trống mênh mông giữa nhà khoa học, chuyên gia, luật lệ thể chế với người nông dân. Mỗi người chúng ta nên có một hành động, đôi khi chỉ là giới thiệu một mô hình hay nào đó cho người nông dân – đó là cách giúp đỡ người nông dân nâng dần lên. Tri thức hoá người nông dân chính là phải sẵn lòng chuyên nghiệp hoá chính mình. Bà con nông dân hãy thay đổi đi, rồi sẽ có chuyên gia, đoàn thể giúp đỡ, còn nếu cứ đóng cửa, cứ nghĩ mình giỏi rồi thì sẽ không cần nữa”.

Hỗ trợ nông dân tham gia tập huấn ứng dụng công nghệ cao

Nông dân Đặng Văn Bảy, ở xã Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre cho biết, với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, doanh thu 25 tỷ đồng/năm, tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu có 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao vào năm 2025 và xuất khẩu tôm đạt 1 tỷ USD vào năm 2025. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng coi xuất khẩu tôm là chủ lực. Để hoàn thành mục tiêu trên, chính quyền các cấp cần đầu tư hạ tầng đường, điện nuôi tôm công nghệ cao, bởi hiện đa số diện tích chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm chưa có đường và điện phục vụ việc nuôi tôm.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ nông dân tham gia các lớp tập huấn ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm, xúc tiến thương mại, có chính sách hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa quy trình sản xuất.

Screenshot (97)

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Đình Luân nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 79/2018/QĐ-TTg (kế hoạch 79) phê duyệt kế hoạch triển khai kế hoạch hành động của ngành tôm. Tại ĐBSCL trong bối cảnh hạn hán và xâm nhập mặn thì tôm là một trong những đối tượng thích ứng và giúp tạo điều kiện tối đa tiềm năng.

Song song với kế hoạch 79, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản đã triển khai nhiều nội dung từ tôm bố mẹ, quy trình sản xuất giống, quy trình nuôi, quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái khác nhau.

Sau Covid-19, thời điểm này năm 2021, tình trạng ở Bến Tre không có nhà máy chế biến tôm nên gặp khó khăn. Vừa qua, Bến Tre có 1 dự án hạ tầng Nhà nước đầu tư về vùng nuôi tôm thâm canh và hiện nay đang khởi công một dự án nữa ở Bình Đại (Bến Tre). Có thể thấy đầu tư của Nhà nước vào ngành nuôi tôm rất lớn. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước thì các dự án quốc tế hiện nay cũng đang có nhiều như: Dự án ADB, dự án vay của Ngân hàng Thế giới.

Chiến lược của ngành thủy sản là giảm sản lượng khai thác, cơ cấu lại nghề khai thác cho phù hợp, bền vững và phát huy lợi thế của phát triển nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm, cá và nuôi biển. Hiện nay, các hộ nông dân nuôi tôm vẫn nhỏ lẻ, manh mún, hạ tầng kém mà chúng ta không tổ chức liên kết được để giảm chi phí đầu vào và đây là khâu yếu nhất. Chi phí nuôi tôm cũng cao.

Ở Bến Tre có nhà máy thức ăn của CP, Việt Úc, trại giống có nhưng chúng ta vẫn được tổ chức liên kết chuỗi tôm chưa? Đây là một điểm rất yếu. Nông dân ở cơ sở cũng phải đặt vấn đề với chính quyền địa phương để liên kết thật tốt.

Đối với nuôi tôm muốn phát triển bền vững thì phải áp dụng khoa học công nghệ, phải đưa cán bộ về tận cơ sở để có kiến thức mới, giải thích, tuyên truyền cho bà con cho tốt. Bên cạnh đó, ứng dụng kênh, nhóm như Zalo, Viber để chia sẻ. Đề xuất nhà máy chế biến về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có những quy trình, Bộ cũng có văn phòng ở ĐBSCL, tổ công tác 970, vấn đề đặt ra là nông dân cần tổ chức lại làm sao tránh lúc thừa lúc thiếu.

Theo Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thaibinh Seed Trần Mạnh Báo, người nông dân chuyên nghiệp phải có tri thức, am hiểu pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật. Am hiểu quy luật kinh tế, thị trường, vốn, tài chính… Am hiểu chúng ta đang sống trong môi trường nào? Thời đại nào? Thể chế chính trị ra sao?

Thứ hai, phải am hiểu khoa học công nghệ. Những nông dân hiện đại không ai không có smartphone, phải biết thứ chúng ta đang sản xuất thuộc công nghệ nào, sở hữu trí tuệ ra sao, phù hợp với môi trường chúng ta đang sống hay không. Đồng nghĩa với việc phải am hiểu môi trường tự nhiên, am hiểu khí hậu, thời tiết vùng mình sinh sống để lựa chọn cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp.

Thứ ba, phải luôn luôn nghĩ đến quan hệ hợp tác, quan hệ với nhau, quan hệ với các cơ quan quản lý, với các doanh nghiệp. Phải chú trọng việc vào HTX và có trách nhiệm với chính bản thân mình và xã hội.

Cuối cùng, khi quan hệ quốc tế thì chúng ta phải có thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng chính là cách xây dựng thương hiệu cho cá nhân – những người sản xuất chuyên nghiệp.

Quan điểm của chúng tôi, xây dựng người nông dân mới chính là người nông dân chuyên nghiệp. Chúng ta cần “doanh nhân hóa nông dân Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã nói: không phải chúng ta làm nông nghiệp mà là phát triển kinh tế nông nghiệp, mà đã làm kinh tế phải là doanh nhân. Nông dân phải có khát khao, biết chấp nhận rủi ro, biết vượt qua khó khăn, phải luôn luôn xây dựng bản lĩnh của mình để vươn lên và thành công.

Nguyễn Diệp
Bạn đang đọc bài viết Tri thức hóa nông dân: Sẵn sàng chuyên nghiệp hoá chính mình tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Đổi mới tư duy, tiếp cận theo sự co giãn của thị trường
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được quán triệt từ trên xuống, nhưng thực hiện là từ nông dân đi lên. Do vậy, cần có sự đổi mới tư duy trong cách tiếp cận và có cách tiếp cận linh hoạt theo sự co giãn của thị trường.
Nông nghiệp Việt Nam xuất siêu 6,3 tỷ USD
Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản nước ta ước gần 32,3 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất siêu gần 6,3 tỷ USD - tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế
Trong 5 tháng đầu năm 2022, trong điều kiện còn nhiều khó khăn và thách thức, nhất là dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp tục khẳng định nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế.