Triển khai mô hình "Hộ chiếu vườn Quốc gia" trong phát triển du lịch sinh thái tại khu vực Nam Bộ
TCDN - Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia và sự phát triển mạnh mẽ của nền tảng công nghệ số, Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình thí điểm nhằm thúc đẩy du lịch xanh, trong đó có mô hình “Hộ chiếu Vườn Quốc gia” (HCVQG).
Tóm tắt:
Mô hình này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học. Nghiên cứu đánh giá bước đầu thực hiện HCVQG, xem xét những thách thức trong quá trình triển khai và cách tích hợp công nghệ xanh vào mô hình. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp ưu tiên thực hiện ngay để nâng cao trải nghiệm du lịch sinh thái, tối ưu hóa việc quản lý và phát triển bền vững tại các vườn quốc gia khu vực Nam Bộ.

1. Đặt vấn đề
Những năm gần đây, phát triển du lịch xanh đã trở thành một mục tiêu chiến lược trong các chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Từ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị đã xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhấn mạnh yếu tố phát triển bền vững. Trong đó, việc bảo tồn sinh thái, di sản văn hóa, giữ gìn giá trị truyền thống, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội được xem là những yếu tố quan trọng, là xu thế tất yếu trong phát triển.
Nhấn mạnh tầm quan trọng trên, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020, tiếp tục định hướng phát triển bền vững, gắn kết với mô hình tăng trưởng xanh với các giải pháp đề xuất ứng dụng công nghệ xanh trong kinh doanh du lịch, kiểm soát ô nhiễm, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, và giảm phát thải khí nhà kính. Điều này phản ánh quyết tâm đưa du lịch Việt Nam phát triển trên cơ sở bảo vệ môi trường và đóng góp tích cực vào các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Tiếp theo định hướng đó, Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ phát triển du lịch theo hướng bền vững. Nhiệm vụ bao gồm việc hoàn thiện thể chế, chính sách về du lịch tăng trưởng xanh, và thúc đẩy các loại hình du lịch thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch biển đảo, và du lịch thể thao mạo hiểm. Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để tăng tốc phục hồi và phát triển du lịch theo hướng bền vững. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ xây dựng và triển khai chương trình Du lịch Xanh giai đoạn 2023-2025, nhằm bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch trọng điểm, tạo ra các “điểm đến xanh, sạch, đẹp, văn minh và thân thiện.”
Gần đây nhất, Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/02/2024 đã phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng chỉ rõ kế hoạch hành động là phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững. Phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hóa, tri thức bản địa; mở rộng các loại hình du lịch. Nhìn chung, các quyết sách của Việt Nam đang đi đúng định hướng là đẩy mạnh việc phát triển du lịch xanh, bền vững, không chỉ tập trung vào việc bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên mà còn hướng tới giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường.
Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia và sự bùng nổ mạnh mẽ của nền tảng số, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình thí điểm nhằm thúc đẩy du lịch xanh. Trong số đó, mô hình HCVQG được xem là một sáng kiến đáng chú ý nhằm thúc đẩy du lịch sinh thái, đồng thời bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Để đánh giá tiến độ thực hiện và kết quả đạt được của mô hình này, tác giả tiến hành nghiên cứu về thực trạng triển khai mô hình HCVQG trong phát triển du lịch sinh thái tại khu vực Nam Bộ. Nghiên cứu không chỉ xem xét những thách thức trong việc vận hành và triển khai mô hình mà còn tập trung phân tích cách thức công nghệ xanh có thể được tích hợp một cách hiệu quả hơn. Từ đó, các giải pháp được đề xuất nhằm tối ưu hóa trải nghiệm du lịch sinh thái cho du khách, đồng thời bảo đảm sự bảo tồn và phát triển bền vững tại các vườn quốc gia.
2. Thực trạng ứng dụng công nghệ xanh phát triển du lịch sinh thái trong rừng
Một trong những đột phá trong việc ứng dụng công nghệ xanh phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam là thí điểm “Hộ chiếu Vườn quốc gia” được khởi động từ ngày 11/7/2024. Được triển khai bởi Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm thúc đẩy du lịch sinh thái tại 34 vườn quốc gia trên cả. Theo đó, du khách trong nước và quốc tế có thể sở hữu “hộ chiếu” này, dưới dạng bản giấy hoặc hộ chiếu điện tử. Sở hữu HCVQG sẽ mang lại cho du khách nhiều ưu đãi và giải thưởng khi đến thăm quan các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, với điều kiện họ đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và tham gia các hoạt động trải nghiệm sinh thái. Với HCVQG, hoạt động du lịch sinh thái tại vườn quốc gia được quảng bá rộng rãi thông qua app, cuốn hộ chiếu và chia sẻ trên các kênh truyền thông của chương trình; tăng số lượng khách đến tham quan, trải nghiệm; tăng các địa điểm và loại hình trải nghiệm để khuyến khích du khách tích điểm; thúc đẩy việc hoàn thiện và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
Trong 34 vườn quốc gia đưa vào thí điểm áp dụng mô hình Hộ chiếu thì khu vực Nam Bộ có 8 vườn quốc gia nằm trong thí điểm bao gồm Cát Tiên (Đồng Nai), Lò Gò-Sa Mát (Tây Ninh), Tràm Chim (Đồng Tháp), Phú Quốc (Kiên Giang), U Minh Thượng (Kiên Giang), U Minh Hạ (Cà Mau), Mũi Cà Mau (Cà Mau) và Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Sau giai đoạn đầu triển khai thí điểm HCVQG, 8 VQG tại khu vực Nam Bộ gặp nhiều khó khăn trong việc vận hành:
App ứng dụng chưa hoàn thiện chức năng
Một trong những thách thức đầu tiên mà các VQG ở Nam Bộ phải đối mặt là ứng dụng (app HCVQG) chưa được hoàn thiện. Hiện tại, ứng dụng này còn khá đơn giản và thiếu nhiều tính năng quan trọng, như đặt tour, thanh toán trực tuyến, chia sẻ trải nghiệm, và phản hồi từ khách du lịch… Những tính năng này đóng vai trò thiết yếu trong việc nâng cao trải nghiệm người dùng và thu hút khách du lịch sinh thái, đặc biệt là đối với các du khách trẻ, quen thuộc với công nghệ số. Thực tế, thiếu các tính năng nâng cao không chỉ ảnh hưởng đến sự tiện lợi mà còn làm giảm cơ hội quảng bá cho các VQG. Trong kỷ nguyên số hóa hiện nay, một ứng dụng đầy đủ tính năng có thể là chìa khóa giúp du khách dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn các điểm đến. Nếu không có những chức năng này, trải nghiệm du lịch sinh thái trở nên rời rạc và không trọn vẹn, khiến khách du lịch khó khăn hơn trong việc lên kế hoạch và tương tác với điểm đến.
Nội dung website chưa được phát triển đầy đủ
Mặc dù có tiêu đề “Du lịch sinh thái” trên các trang web của nhiều VQG, thực tế là phần lớn các website tại khu vực Nam Bộ, như U Minh Thượng và U Minh Hạ, vẫn thiếu nội dung chi tiết. Điều này làm giảm cơ hội tiếp cận của du khách với các thông tin cần thiết về du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia này. Một số VQG thậm chí còn không có website riêng, ví dụ như Lò Gò-Sa Mát, mà chỉ được tích hợp trong cổng thông tin điện tử của tỉnh. Điều này gây ra rào cản lớn trong việc quảng bá hình ảnh và thông tin cho khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, những người phụ thuộc nhiều vào các nền tảng số để tìm kiếm và lập kế hoạch du lịch. Việc thiếu một website chính thức và chuyên biệt cho từng VQG là một hạn chế đáng kể trong bối cảnh cạnh tranh du lịch hiện nay. Các điểm đến du lịch sinh thái cần có một chiến lược marketing số rõ ràng và hiệu quả, bao gồm các website chuyên nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin về điểm đến, dịch vụ, hoạt động du lịch, và các sự kiện nổi bật. Việc không có trang web riêng khiến các VQG mất đi cơ hội tương tác trực tiếp với khách du lịch.
Thiếu sự liên kết giữa App HCVQG và website của từng VQG
Sự thiếu liên kết giữa ứng dụng HCVQG và các website của từng VQG cụ thể là một trở ngại lớn trong việc xây dựng một hệ sinh thái du lịch số toàn diện. Khi App và website không đồng bộ, du khách khó có thể tìm thấy thông tin chính xác và kịp thời về các hoạt động, dịch vụ, và sự kiện tại từng VQG. Điều này làm giảm hiệu quả của cả hai nền tảng và gây ra sự không nhất quán trong thông tin cung cấp, từ đó làm giảm chất lượng trải nghiệm của du khách. Một hệ thống liên kết chặt chẽ giữa app và website sẽ giúp cung cấp thông tin cập nhật và đồng bộ về các điểm du lịch sinh thái, không chỉ giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin mà còn tạo ra cơ hội để VQG thu thập dữ liệu về hành vi du lịch của khách hàng, từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ và phát triển các chương trình quảng bá du lịch sinh thái hiệu quả hơn.
Thiếu cập nhật về các sự kiện đặc trưng
Các sự kiện đặc trưng và nổi bật tại các VQG cũng chưa được cập nhật thường xuyên. Việc không có những thông tin này trên các nền tảng số làm giảm cơ hội thu hút khách du lịch tham gia vào các hoạt động trải nghiệm độc đáo. Đối với các VQG, các sự kiện có thể là một công cụ quan trọng để tăng cường sự tương tác và trải nghiệm của du khách, đồng thời cũng là cách để quảng bá du lịch sinh thái và thu hút thêm lượng khách. Cập nhật thường xuyên về các sự kiện đặc trưng không chỉ giúp du khách dễ dàng lên kế hoạch tham quan mà còn tạo ra sự hào hứng và mong chờ cho những trải nghiệm mới mẻ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với du lịch sinh thái, nơi mà các hoạt động thiên nhiên, môi trường và văn hóa bản địa có thể là điểm nhấn quan trọng thu hút du khách.
VQG hoạt động độc lập và thiếu chú trọng phát triển du lịch sinh thái
Một điểm yếu nữa là các VQG tại Nam Bộ hoạt động độc lập và chưa có sự liên kết trong phát triển du lịch sinh thái. Mỗi VQG hiện nay đều vận hành như một đơn vị riêng lẻ, thiếu sự hợp tác và chia sẻ thông tin với các VQG khác trong khu vực, cũng như với các cơ quan quản lý du lịch. Điều này không chỉ làm giảm sức mạnh tổng thể của hệ thống VQG trong việc phát triển du lịch sinh thái mà còn khiến các VQG này thiếu sự đa dạng hóa sản phẩm du lịch và khó khăn trong việc thu hút lượng khách lớn.
3. Giải Pháp
Nhóm giải pháp về hoàn thiện App Hộ chiếu Vườn Quốc gia
App HCVQG cần được nâng cấp và phát triển các tính năng nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch bối cảnh chuyển đổi số. Để thực hiện được công việc này, Cơ quan chủ quản Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nên đầu tư thêm nguồn lực vào việc phát triển các tính năng tiên tiến cho ứng dụng HCVQG và cả đội ngũ phát triển và quản lý ứng dụng về các công nghệ mới, đảm bảo ứng dụng được cập nhật liên tục và vận hành ổn định.
Các tính năng cần được bổ sung bao gồm: Cung cấp thông tin chi tiết về các điểm tham quan, lịch sử, sinh thái, và các hoạt động du lịch tại từng VQG; Tích hợp hệ thống đặt tour và thanh toán trực tuyến để tạo sự thuận tiện cho du khách trong việc lên kế hoạch và thanh toán các dịch vụ du lịch; Tạo không gian cho du khách chia sẻ hình ảnh, video và nhận xét về trải nghiệm của họ, từ đó tăng tính tương tác và thu hút thêm du khách mới; Cung cấp chức năng cho phép du khách gửi phản hồi và đánh giá về dịch vụ, giúp các VQG cải thiện chất lượng dịch vụ dựa trên ý kiến đóng góp thực tế; Tích hợp công nghệ mới bằng cách sử dụng công nghệ AI và machine learning để cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, đề xuất các hoạt động và điểm đến phù hợp với sở thích của từng du khách.
Nhóm giải pháp về phát triển nội dung cho website của các VQG
Một giải pháp cấp bách là các VQG cần xây dựng và phát triển nội dung phong phú cho website của mình. Mỗi VQG cần có một website riêng biệt, chuyên nghiệp, được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế về giao diện người dùng và trải nghiệm người dùng. Quy trình cụ thể có thể vận hành như sau:
Xây dựng cấu trúc website trong mục Du lịch sinh thái: Phân chia rõ ràng các đề mục như Giới thiệu, Địa điểm tham quan, Hoạt động du lịch, Sự kiện, Dịch vụ, Tin tức và Liên hệ…
Đăng tải thông tin chi tiết về các điểm tham quan, hệ sinh thái, các chương trình bảo tồn, hoạt động du lịch sinh thái, và các hướng dẫn cho du khách.
Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) để tăng khả năng xuất hiện trên các kết quả tìm kiếm, thu hút lượng truy cập tự nhiên từ du khách tiềm năng.
Đảm bảo rằng các website luôn được cập nhật với thông tin mới nhất về sự kiện, chương trình du lịch, và các hoạt động bảo tồn. Điều này giúp duy trì sự hứng thú và tin tưởng từ du khách.
Hợp tác với người có ảnh hưởng trên mạng xã hội hoặc các chuyên gia về du lịch, sinh thái và truyền thông hợp tác viết bài, tạo nội dung chất lượng cao, hấp dẫn cho website. Sử dụng hình ảnh, video, và bản đồ tương tác để làm phong phú thêm nội dung, giúp du khách dễ dàng hình dung và lên kế hoạch cho chuyến đi của mình.
Đảm bảo tính tương thích đa nền tảng: Website cần được tối ưu hóa để hiển thị tốt trên cả máy tính để bàn và thiết bị di động, đảm bảo trải nghiệm người dùng mượt mà trên mọi thiết bị.
Nhóm giải pháp về tính liên kết giữa App HCVQG và website của từng VQG
Sự thiếu liên kết giữa App HCVQG và website của từng VQG hiện đang là một hạn chế lớn. Để khắc phục, cần tích hợp giao diện lập trình ứng dụng- API (Application Programming Interface) để kết nối trực tiếp giữa ứng dụng HCVQG và các website của VQG. Điều này cho phép truyền tải dữ liệu tự động và đồng bộ hóa thông tin giữa hai nền tảng. Đảm bảo rằng mọi thay đổi trên website của VQG đều được cập nhật ngay lập tức trên ứng dụng HCVQG, và ngược lại. Tạo các liên kết trực tiếp từ ứng dụng đến các trang web cụ thể của từng VQG, giúp du khách dễ dàng truy cập thông tin chi tiết mà không cần phải rời khỏi ứng dụng.
Đồng bộ giao diện người dùng: Thiết kế giao diện người dùng (UI) của ứng dụng và website theo phong cách thống nhất, tạo sự nhất quán và dễ nhận diện cho du khách khi chuyển đổi giữa hai nền tảng.
Cập nhật các sự kiện đặc trưng và nổi bật
Các VQG cần phải chú trọng hơn vào việc cập nhật và quảng bá các sự kiện đặc trưng trên các nền tảng số của mình, bao gồm website, App HCVQG, và mạng xã hội.
Lập kế hoạch sự kiện định kỳ: Xây dựng một lịch trình sự kiện hàng năm cho mỗi VQG, bao gồm các hoạt động đặc trưng như lễ hội văn hóa, sự kiện bảo tồn, các buổi hội thảo về sinh thái, và các tour du lịch đặc biệt.
Phối hợp với địa phương và các tổ chức liên quan: Hợp tác với chính quyền địa phương, các tổ chức bảo tồn và các doanh nghiệp du lịch để tổ chức và quảng bá các sự kiện. Sự hợp tác này giúp tăng cường nguồn lực và khả năng tiếp cận đối tượng du khách rộng hơn.
Sử dụng nền tảng số để quảng bá sự kiện: Đăng tải thông tin về các sự kiện trên ứng dụng HCVQG, website của VQG, mạng xã hội và các kênh truyền thông khác. Sử dụng hình ảnh, video và các bài viết hấp dẫn để thu hút sự chú ý của du khách.
Tạo các chương trình ưu đãi và khuyến mãi: Cung cấp các ưu đãi đặc biệt cho du khách tham gia sự kiện, như giảm giá tour, quà tặng hoặc điểm thưởng trong HCVQG, để khuyến khích họ tham gia và trải nghiệm.
Đánh giá và cải tiến sau mỗi sự kiện: Thu thập phản hồi từ du khách sau mỗi sự kiện để đánh giá hiệu quả và cải tiến cho các sự kiện tiếp theo. Điều này giúp đảm bảo rằng các sự kiện luôn hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu của du khách.
Phát triển du lịch sinh thái một cách hợp tác và liên kết
Các VQG tại Nam Bộ cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc phát triển du lịch sinh thái. Một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng một mạng lưới hợp tác giữa các VQG trong khu vực, từ đó chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái đa dạng và hấp dẫn hơn. Việc hợp tác giữa các VQG sẽ giúp tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có, như nhân lực, trang thiết bị, và hạ tầng. Bên cạnh đó, các VQG có thể hợp tác trong việc quảng bá hình ảnh cụm du lịch sinh thái tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế, giúp tăng cường sự hiện diện của du lịch sinh thái Nam Bộ trên bản đồ du lịch thế giới.
Một hướng tiếp cận hiệu quả khác là phát triển các tour liên kết giữa các VQG, tạo ra các hành trình du lịch sinh thái liên tuyến. Điều này sẽ mang lại trải nghiệm phong phú cho du khách, đồng thời tạo ra nguồn doanh thu bổ sung cho các VQG thông qua việc chia sẻ lợi ích kinh tế từ du lịch.
Nguyễn Lâm Ngọc Vi
Trường Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh
Chuyên đề Thông tin khoa học số tháng 10/2024
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Bộ chính trị (2017). Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Chính phủ (2010). Nghị định số 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ: Về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.
Chính phủ (2023). Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ: Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Thủ tướng Chính phủ (2024). Quyết định số 208/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 882/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.
Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899