[Trực tiếp] Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
TCDN - Theo Chương trình ngày 31/5, Quốc hội dành trọn ngày để thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại phiên khai mạc Quốc hội, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Trong điều kiện rất khó khăn, GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng không cao, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm, bình quân 4 tháng tăng 3,84%.
Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, trong đó lãi suất cho vay bình quân giảm 0,7% so với cuối năm 2022; thanh khoản của hệ thống ngân hàng được bảo đảm; thanh toán không dùng tiền mặt đạt kết quả tích cực. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 632,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39% dự toán năm. Xuất siêu 7,56 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 2,25 tỷ USD). Giải ngân vốn đầu tư công tăng 15 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ.
Đã công bố Quy hoạch tổng thể quốc gia và phê duyệt nhiều quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh, thành phố. Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, khẳng định vai trò trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế trong khó khăn; sản lượng lúa 4 tháng đạt 12,6 triệu tấn; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) phục hồi trong tháng 4, tăng 3,6% so với tháng 3 và tăng 0,5% so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 12,8%; thu hút 3,7 triệu lượt khách quốc tế. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tập trung triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia (khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài 723,7 km; tháng 6/2023 sẽ phấn đấu khởi công đường vành đai 3 Tp.HCM, vành đai 4 Hà Nội; thúc đẩy tiến độ Cảng hàng không quốc tế Long Thành...); hoàn thành, đưa vào sử dụng 310 km đường bộ cao tốc (các tuyến: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm, Phan Thiết - Vĩnh Hảo) và một số tuyến đường bộ ven biển (Quảng Ninh, Phú Yên, Bình Thuận, Bình Định).
Nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu; khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2 sau nhiều năm bị gián đoạn; đang tích cực triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị về cơ cấu lại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại yếu kém; 03 nhà máy đạm đang cơ cấu lại nợ vay, bước đầu đã có lãi (Hà Bắc, Ninh Bình và DAP số 2 Lào Cai)...
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận, tăng trưởng GDP quý 1 năm 2023 (đạt 3,32%) thấp hơn cùng kỳ (5,03%); trong đó nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp; nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng.
Thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm; mặc dù số tuyệt đối tăng nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ (18,48%). Vốn FDI đăng ký mới giảm 17,9%, vốn thực hiện giảm 1,2%. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng.
Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Do tích tụ bất cập nhiều năm, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Việc triển khai một số chính sách của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội còn chậm....
email: [email protected], hotline: 086 508 6899