Đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý các nguồn thu từ đất đai, cổ phần hóa
TCDN - Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý các nguồn thu từ đất đai, nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, các khoản thu từ thuế, phí, chống thất thu, ẩn, lậu, trốn thuế để bảo đảm cân đối ngân sách.
Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn tăng trưởng GDP Quý 1/2023 rất thấp (tăng 3,32% so với cùng kỳ), đặc biệt tăng trưởng ở một số địa phương âm so với cùng kỳ, các động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là sản xuất công nghiệp đều giảm và đang trên đà suy yếu. Chậm giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn FDI 4 tháng giảm gần 18% so với cùng kỳ, lãi suất cho vay cao.
Giải ngân đầu tư công tuy cải thiện về số tuyệt đối (tăng gần 15 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ), song vẫn chậm. Tỷ lệ ước giải ngân 4 tháng đạt 14,66% kế hoạch, nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 15,65%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%). Vì vậy, áp lực giải ngân, khả năng hoàn thành mục tiêu trong những quý còn lại của năm 2023 là rất lớn. Chính phủ cũng chưa trình UBTVQH, Quốc hội về việc phân bổ số kinh phí chưa phân bổ của ngân sách trung ương theo Nghị quyết số 70/2022/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.
Dòng vốn từ thị trường tài chính suy giảm, phần nào làm giảm hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân khi vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước Quý I/2023 chỉ tăng 1,8% so cùng kỳ. Vốn đầu tư khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 101,5 nghìn tỷ đồng, giảm 1,1%. Vốn FDI đăng ký và vốn FDI giải ngân trong 4 tháng đầu năm giảm lần lượt là 17,9% và 1,2% so với cùng kỳ cũng là chỉ báo cho những khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao và xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI.
Thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước giảm so với cùng kỳ năm trước. Tín dụng tăng trưởng thấp, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao; thị trường tài chính, tiền tệ vẫn tiềm ẩn rủi ro; thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn; lạm phát cơ bản cao hơn chỉ số giá tiêu dùng bình quân biểu hiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, tác động của chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa giảm đáng kể hiệu lực.
Theo Ủy ban Kinh tế, thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 39% dự toán, bằng 93,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa bằng 39,5% dự toán, bằng 95,8% so với cùng kỳ năm 2022 . Đặc biệt thu từ 03 khu vực kinh tế ước đạt 41,3% dự toán, tăng 0,8% so với cùng kỳ song nếu loại trừ thuế thu nhập doanh nghiệp thì số thu 03 khu vực này giảm 10% so với cùng kỳ cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh trong 4 tháng vẫn còn tăng trưởng khá chậm so với cùng kỳ. Nhiều địa phương lập dự toán thấp, nhưng lại giao cao hơn so với dự toán trung ương giao, có 43/63 địa phương quyết định dự toán thu cao hơn dự toán trung ương giao. Việc xây dựng dự toán thu ngân sách địa phương chưa sát với khả năng thu của các địa phương vẫn xảy ra khá phổ biến. Việc địa phương giao thu cao hơn ngay sau khi trung ương quyết định cho thấy công tác lập dự toán còn chưa sát.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần có giải pháp khắc phục tình trạng này để bảo đảm việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước trong những năm tới đảm bảo sát với tình hình thực tế.
Trong thời gian tới, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời. Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hoá, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ.
Nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế giá trị gia tăng nhưng bảo đảm cân đối ngân sách và bội chi ngân sách năm 2023 không vượt mức Quốc hội cho phép và linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác với liều lượng hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng nhưng cần tính toán đến áp lực lạm phát đang gia tăng. Cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng thời tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh việc xây dựng tiêu chí và phương pháp xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng theo tinh thần Nghị quyết số 62/2022/QH15 của Quốc hội.
Có giải pháp khắc phục tình trạng việc xây dựng dự toán thu ngân sách địa phương trong những năm tới sát với tình hình thực tế. Tăng cường đôn đốc, kịp thời nộp các khoản thu vào ngân sách nhà nước mà cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kết luận, kiến nghị; tăng cường quản lý các nguồn thu từ đất đai, nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, các khoản thu từ thuế, phí, chống thất thu, ẩn, lậu, trốn thuế để bảo đảm cân đối ngân sách.
Khẩn trương đề xuất giải pháp chính sách phù hợp đối với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, thuế các-bon sẽ áp dụng. Tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy; tiếp tục giải quyết dứt điểm vấn đề kiểm định xe cơ giới; xử lý những bất cập trong việc tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, tư vấn phát hành, hỗ trợ, cam kết mua lại trái phiếu và định hướng người đến gửi tiền chuyển sang mua trái phiếu doanh nghiệp, bán chéo bảo hiểm khi xét duyệt hồ sơ vay vốn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp, người dân được thuận lợi, thông suốt.
Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về điện, than, xăng dầu. Khẩn trương rà soát, sửa đổi những bất cập trong quy định về kinh doanh xăng dầu. Rà soát, sửa đổi cơ chế giá điện cho phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899