"Truy" trách nhiệm Bộ Công Thương về quản lý tạm nhập, tái xuất

30/09/2016, 10:56

TCDN - Thanh tra Chính phủ cho rằng, Bộ Công Thương còn thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát kết quả báo cáo quản lý tạm nhập, tái xuất theo quy định, chưa kiên quyết trong kiểm tra, xử lý việc địa phương ban hành văn bản không đúng với quy định tại thông tư do Bộ Công Thương ban hành, còn để vi phạm quy định của pháp luật.


Công chức Hải quan Hải Phòng kiểm tra hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất. Ảnh: T.Bình.

Kết luận này nêu rõ, việc ban hành Thông tư 05/2013/TT-BCT và Thông tư 05/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định công tác báo cáo còn chưa chặt chẽ, chưa phân định rõ vai trò, trách nhiệm đơn vị chủ trì quản lý, cơ chế phối hợp với đơn vị tham giaquản lý nhà nước về tạm nhập tái xuất…

Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu của Bộ Công Thương từ năm 2010 - 2013.

Kết luận này nêu rõ, việc ban hành Thông tư 05/2013/TT-BCT và Thông tư 05/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định công tác báo cáo còn chưa chặt chẽ, chưa phân định rõ vai trò, trách nhiệm đơn vị chủ trì quản lý, cơ chế phối hợp với đơn vị tham gia quản lý nhà nước về tạm nhập tái xuất…

Bộ Công Thương chưa thực hiện tốt việc “chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản thuộc chức năng của bộ” như việc thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát kết quả báo cáo quản lý tạm nhập, tái xuất theo quy định, chưa kiên quyết trong kiểm tra, xử lý việc địa phương ban hành văn bản không đúng với quy định tại thông tư do Bộ Công Thương ban hành, còn để vi phạm quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Công Thương còn chưa kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền tăng mạnh chế tài vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh tạm nhập tái xuất nói chung và việc thu hồi mã số kinh doanh nói riêng theo các mức độ, hình thức vi phạm nhằm phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước.

Để các tồn tại, bất cập trên là chưa thực hiện đầy đủ quy định tại khoản 4, khoản 18, Điều 2 Nghị định số 95/2012/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tố chức của Bộ Công Thương; làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến mục tiêu “khắc phục những hạn chế của hoạt động tạm nhập, tái xuất, đảm bảo yêu cầu quản lý, tránh sự lợi dụng chính sách để có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế và tránh những ách tắc tồn đọng có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến môi trường, xã hội”.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, trách nhiệm này thuộc về tập thể, cá nhân được giao xây dựng thông tư hướng dẫn, các cá nhân được giao nhiệm vụ có liên quan đã chưa thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ trưởng, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu trong “chỉ đạo những vấn đề về cơ chế, chính sách đối với các hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế”.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra UBND các tỉnh, thành phố có hoạt động tạm nhập tái xuất chưa chủ động thực hiện việc báo cáo kết quả quản lý nhà nước về tạm nhập tái xuất cho Bộ Công Thương.

Với những khuyết điểm này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công Thương cần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, vai trò chủ trì trong hoạt động tạm nhập, tái xuất và chuyển khẩu, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực tiễn nhằm đưa hoạt động tạm nhập tái xuất ngày càng ổn định và phát triển bền vững, đảm bảo theo thông lệ quốc tế.

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phối hợp tích cực hơn nữa trong xây dựng chính sách đảm bảo giám sát hàng hóa tạm nhập tái xuất chặt chẽ, nhằm chống gian lận thương mại, thẩm lậu hàng hóa, thất thu thuế trong hoạt động tạm nhập tái xuất đặc biệt về cơ chế kiểm soát chặt chẽ ngay tại hải quan nơi nhập (như áp dụng cơ chế quản lý rủi ro theo mức độ cao nhất đối với loại hàng hóa này).
Theo báo Hải Quan

Bạn đang đọc bài viết "Truy" trách nhiệm Bộ Công Thương về quản lý tạm nhập, tái xuất tại chuyên mục Bạn đọc của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận