TS. Vũ Đình Ánh: “Mua lại cổ phần ACV đi ngược tất cả các chủ trương lớn từ trước đến nay”
TCDN - TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, đề xuất mua lại cổ phần của ACV với lý do về an ninh quốc phòng chưa thuyết mục và không có cơ sở vững chắc.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đưa ra đề xuất mua lại cổ phần Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để biến doanh nghiệp này trở lại thành công ty nhà nước. BizLIVE đã có cuộc trao đổi cùng chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh xoay quanh vấn đề này.
Thưa ông, việc mua lại cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hoá có tiền lệ hay chưa?
Việc mua lại cổ phần của một doanh nghiệp Nhà nước sau khi tiến hành cổ phần hoá điển hình mới đây là nhất là việc mua lại 95% cổ phần Cảng Quy Nhơn hay vụ việc Cảng Quảng Ninh. Những trường hợp này việc mua lại cổ phần liên quan đến các sai phạm trong quá trình cổ phần hoá chứ không phải từ lý do khách quan khác.
Trong trường hợp của ACV, hiện nay vốn nhà nước vẫn chiếm đại đa số và đúng ra ACV nằm trong lộ trình phải thực hiện cổ phần hoá. Đáng ra là phải thực hiện rồi và hiện nay họ đang chậm tiến trình này. Như vậy, ACV không có lý do mua lại cổ phần liên quan đến sai phạm trong quá trình cổ phần hoá vì hai đối tác sở hữu cổ phần của ACV hiện nay là hai quỹ đầu tư.
Lý do mà Bộ GTVT đưa ra để mua lại cổ phần ACV là “nếu doanh nghiệp này có 100% vốn nhà nước sẽ tạo sự thuận lợi và đảm bảo điều kiện cao nhất về an ninh quốc phòng” có thực sự phù hợp?
Nếu chỉ viện dẫn lý do an ninh quốc phòng hay việc dễ điều hành để mua lại cổ phần của ACV là chưa thực sự thuyết phục.
Bởi thứ nhất, khi đặt ra chủ trương cổ phần hoá và kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy rằng quản lý các cảng hàng không không nhất thiết phải là cơ quan Nhà nước. Về vấn đề an ninh quốc phòng cũng có nhiều biện pháp khác để bảo vệ chứ không cứ phải là doanh nghiệp có chủ sở hữu 100% vốn Nhà nước.
Thứ hai, rõ ràng trong tiến trình cổ phần hoá ACV hiện nay đang chậm, đúng ra phải quy trách nhiệm cho Bộ GTVT là cơ quan chủ quản của ACV thực hiện cổ phần hoá không thành công. Do vậy, đề xuất mua lại cổ phần của ACV hoàn toàn đi ngược chủ trương chung về thực hiện cổ phần hoá của Chính phủ.
Thứ ba, nhà đầu tư nắm giữ cổ phần của ACV hiện nay chỉ là nhà đầu tư tài chính chứ chưa có nhà đầu tư chiến lược. Trong vấn đề an ninh quốc phòng, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 50 về an ninh quốc phòng khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, việc mua lại cổ phần của ACV cũng không đúng theo chủ trương của Nghị quyết 50.
Thứ tư, hoạt động của ACV nếu quay trở lại thành một Tổng công ty thuộc Bộ GTVT thì thậm chí, nó còn đi ngược lại chủ trương chung của Chính phủ là giảm đến mức thấp nhất việc Bộ chủ quản doanh nghiệp.
Do đó, đề xuất mua lại cổ phần của ACV gần như đi ngược lại tất cả chủ trương lớn từ trước đến nay liên quan đến khu vực doanh nghiệp Nhà nước, cũng như việc quản lý các cảng hàng không. Và thậm chí, nó còn không đúng theo Nghị quyết mới nhất về an ninh quốc phòng khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà Bộ Chính trị mới ban hành.
Việc kêu gọi cổ phần hoá rồi lại đề xuất mua lại cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện cổ phần hoá ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý của các nhà đầu tư?
Việc mua lại cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện cổ phần hoá vì lý do an ninh quốc phòng cũng có thể xảy ra. Vì trong giai đoạn trước khi cổ phần hoá, họ chưa nhận thức được yếu tố nguy cơ về an ninh quốc phòng.
Không phải vô cớ mà Bộ Chính trị phải ra Nghị quyết 50. Đúng là có một số trường hợp cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước hay một số hoạt động bán tài sản Nhà nước nếu lơ là vấn đề về an ninh quốc phòng thì cũng có thể xảy ra.
Nếu như trong trường hợp cổ phần hoá một doanh nghiệp nào đó mà phát sinh vấn đề an ninh quốc phòng thì cần phải đặt lại vấn đề cổ phần hoá và thậm chí nếu thực hiện rồi thì cũng có thể thu hồi để đảm bảo. Tuy nhiên, trong trường hợp ACV, lý do về an ninh quốc phòng chưa thuyết mục và không có cơ sở vững chắc.
Nhân vụ việc ACV, sắp tới cũng phải rà soát các dự án đã cổ phần hoá để đảm bảo vấn đề về an ninh quốc phòng, đặc biệt là đặt vấn đề này trong các chủ trương cổ phần hoá sắp tới một cách tương xứng.
Đối với trường hợp ACV, các nhà đầu tư sở hữu cổ phần của doanh nghiệp này dưới dạng đầu tư tài chính. Tuy nhiên, chỉ hơn 4% cổ phần này cũng có giá trị rất lớn đến hơn 8.000 tỷ đồng thì rõ ràng họ cũng có lãi rất nhiều rồi.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay với việc mua lại cổ phần ACV là lý do không thuyết phục và khi dựa trên nền tảng không thuyết phục đó thì lại đi ngược lại tất cả các chủ trương, tiến trình đổi mới đối với khu vực doanh nghiệp Nhà nước và cả cơ chế quản lý các doanh nghiệp Nhà nước.
Hiện tại nhà nước vẫn chiếm hơn 95% vốn của ACV, phần vốn bán ngoài chỉ chiếm trên 4%, như vậy, Nhà nước vẫn hoàn toàn chi phối được doanh nghiệp. Vậy theo quy định hiện hành, việc chiếm hơn 95% và 100% sở hữu Nhà nước sẽ có khác biệt gì?
Vấn đề là do đặc điểm sở hữu Nhà nước và sở hữu tư nhân. Do đó, nếu đã xác định là không cho các thành phần kinh tế khác tham gia hoặc tham gia hạn chế vì lý do chính trị an ninh quốc phòng thì tốt nhất là 100% vốn Nhà nước.
Còn việc cổ phần hoá xong giữ lại một tỷ lệ vốn Nhà nước nhất định, có thể là chi phối hay không chi phối hoặc thậm chí chi phối tuyệt đối như trường hợp của ACV hay một số ngân hàng thương mại gần đây thì cũng rất khó để quản lý hay xử lý lợi ích của các bên liên quan.
Đối với vụ việc ACV cần phải mạnh dạn cổ phần hoá hơn nữa và tiến tới mô hình không có phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đó.
Quy định hiện hành về việc mua lại cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hoá cho phép như thế nào và rủi ro nếu cổ đông không chịu bán lại thì sao?
Việc mua lại cổ phần đầu tiên phải liên quan đến cơ chế về thị trường. Đó là “thuận mua vừa bán” còn nếu trường hợp nhà đầu tư cương quyết không bán thì nếu vì lý do an ninh quốc phòng cần có cơ chế để giải quyết việc mua lại cổ phần này.
Vấn đề chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng quan trọng hơn nhiều vấn đề về lợi ích của một cá nhân, tổ chức nào đó đã được xử lý lợi ích về kinh tế rồi nhưng vẫn không thoả mãn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Bizlive
email: [email protected], hotline: 086 508 6899