TS.Võ Trí Thành: Nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm 2026 để hỗ trợ doanh nghiệp
TCDN - TS.Võ Trí Thành kiến nghị, giữ nguyên phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối và chưa điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia rượu, nhất là bia, cho đến năm 2025 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối có thể tăng vào năm 2026, khoảng 5-10%.
Sáng 4/7, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo "Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi". Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), nhấn mạnh, ngành bia đóng vai trò quan trọng với đời sống xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước. Ngành đồ uống Việt Nam phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, và gắn liền với những văn hóa; phát triển cùng hội nhập kinh tế, mức sống nâng cao, và du lịch, thương mại.
Đáng chú ý, với các nhà máy phân bổ hầu khắp các tỉnh, ngành đồ uống Việt Nam có vai trò kinh tế lớn khi luôn đứng ở vị trí những doanh nghiệp đóng góp hàng đầu cho ngân sách.
Theo ông Việt, thống kê cho thấy năm 2016 khi bắt đầu tăng thuế thì phần thu tăng khá cao, nhưng năm 2017 hầu như không tăng, năm 2018 thì không đáng kể, tương tự năm 2019 ghi nhận tăng trưởng nhẹ, nhưng ngân sách nhà nước nộp tăng cho thấy doanh nghiệp vẫn phát triển. Năm 2020 do tác động Covid-19 nên giảm xuống 14,05%, và năm 2021 vẫn ảnh hưởng giảm 7%.
Chủ tịch VBA cho rằng, việc cải cách chính sách thuế theo Quyết định 508/QĐ-TTg cần có nghiên cứu, tính toán khoa học, thực tiễn ở Việt Nam đảm bảo phù hợp với thực trạng điều kiện sản xuất, kinh doanh ngành hàng ở Việt Nam, minh bạch, có lộ trình rõ ràng, đơn giản, có tính khả thi.
Đặc biệt, cần hài hòa các lợi ích của nhà nước là điều tiết tiêu dùng, tăng thu ngân sách và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững; cùng với đó không gây ảnh hướng lớn, tạo tính ổn định cho doanh nghiệp, và bảo vệ vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Do đó, ông Việt kiến nghị chưa nên sửa đổi Luật Thuế TTĐB, ít nhất trong thời gian từ năm 2023-2025 và ổn định chính sách thuế như hiện nay để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi.
Bên cạnh đó, Chủ tịch VBA đề xuất bổ sung nước giải khát có đường theo TCVN có hàm lượng đường trên 5g/100ml; mặt hàng thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn, có các thành phần gồm mạch nha (malt), đại mạch, nấm men bia, hoa bia (hoa houblon), nước vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; dự kiến áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 10%.
Trong khi đó, theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, nhu cầu sử dụng bia, rượu là rất thật trong đời sống trên rất nhiều chiểu cạnh đời sống của mọi tầng lớp dân cư; có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm.
Tuy nhiên, do Covid-19 cùng tác động bất lợi từ xung đột, cạnh tranh địa - chính trị, và cả khung khổ pháp lý cùng một số chính sách, ngành bia rượu phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành bia.
TS. Võ Trí Thành nêu rõ, chính sách của Chính phủ là tìm giải pháp cân bằng đối với cung - cầu rượu bia nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế; hiệu quả xã hội (đáp ứng nhu cầu cần thiết, lành mạnh nhưng giảm thiểu tác động tiêu cực); nguồn thu ngân sách. Song đây là nhiệm vụ phức tạp, không đơn giản, với đa góc nhìn cùng hàm ý chính sách đáng lưu ý.
Về vấn đề đánh thuế, ông Võ Trí Thành cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp hay tuyệt đối về nguyên tắc sẽ làm tăng giá tương đối của các dòng sản phẩm phân khúc phổ thông so với dòng sản phẩm phân khúc cao cấp.
“Do đó, nếu thu thuế theo phương pháp tuyệt đối hoặc hỗn hợp sẽ tạo áp lực lớn đối với sản phẩm phổ thông giá thấp, ảnh hưởng đến sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất rượu bia thương hiệu Việt trong nước”, ông Thành nói.
Đồng thời kiến nghị, giữ nguyên phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối và chưa điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia rượu, nhất là bia, cho đến năm 2025. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối có thể tăng vào năm 2026, khoảng 5-10%.
Bên cạnh đó cần nghiên cứu kỹ và sâu cung - cầu, thị trường bia rượu cùng điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là quá trình thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045, và các kịch bản khác nhau áp dụng phương pháp đánh thuế tương đối, hỗn hợp, tuyệt đối.
Trên cơ sở đó và tính đến kinh nghiệm quốc tế, theo ông Võ Trí Thành, cân nhắc khoảng năm 2030, có thể áp dụng phương pháp đánh thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp với bia rượu. Bước đầu ở đây có thể áp dụng thuế suất thuế tuyệt đối nhiều bậc tùy sản phẩm phổ thông hay cao cấp cùng điều chỉnh thuế suất thuế tương đối.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899