Vai trò khác nhau của Bitcoin và Ethereum trong thế giới tiền ảo

15/05/2021, 08:37

TCDN - Trong thế giới tiền ảo, Bitcoin chủ yếu tồn tại như một tài sản đầu tư, còn Ethereum góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng ảo hoàn toàn độc lập.

Ether (ETH), loại tiền lớn thứ hai trong thế giới tiền ảo, đang thu hút sự chú ý của người chơi muốn rời khỏi Bitcoin. Nó vừa lập kỷ lục khi vượt mức 4.000 USD hôm 10/5, tương đương mức tăng giá trị hơn 450% từ đầu năm 2021. Tỷ lệ ấy không gây sốc như mức tăng 11.000% của Dogecoin, nhưng giới phân tích cho rằng ETH có thể trở thành nền tảng quan trọng với nhiều lĩnh vực trong tương lai, thay vì chỉ là một trò đùa như đồng tiền ảo lấy biểu tượng chó shiba.

Ether là đồng tiền xây dựng trên Ethereum, nền tảng blockchain mã nguồn mở mà lập trình viên Vitalik Buterin và nhiều doanh nhân trong lĩnh vực tiền ảo tạo ra trong năm 2013. Nhiều người trong số này từng tham gia nền tảng Bitcoin trước đó.

Buterin nhận định Bitcoin chịu giới hạn quá nhiều về tính năng. Anh so sánh nó với máy tính số bỏ túi có khả năng "làm tốt một nhiệm vụ duy nhất", trong khi Ethereum giống smartphone với hàng loạt ứng dụng khác biệt cho người dùng. Đây là lợi thế chính của Ethereum. Nó ra đời nhờ công nghệ blockchain, về cơ bản là mạng lưới máy tính chuyên ghi lại các giao dịch tiền ảo. Tuy nhiên, khác với Bitcoin, các nhà phát triển có thể xây dựng ứng dụng trên nền tảng Ethereum.

"Ethereum là blockchain tích hợp ngôn ngữ lập trình, cũng là cách hợp lý nhất để xây dựng một nền tảng có thể dùng trong nhiều ứng dụng khác nhau", Buterin giải thích.

ethereum

Mạng lưới Ethereum sử dụng hợp đồng thông minh (SC), chương trình máy tính dựa trên một ngôn ngữ lập trình để thực hiện những chỉ lệnh có sẵn và vận hành trên blockchain. Chúng dẫn đến sự ra đời của những ứng dụng phân tán (dapps), tương tự ứng dụng chạy trên Android hoặc iOS, điểm khác biệt là chúng không thuộc quyền quản lý của công ty hay chính quyền đơn lẻ.

Hoạt động trên mạng lưới Ethereum gần đây tăng mạnh nhờ sự phổ biển của NFT(Non-fungible token), chuỗi mã đại diện cho các vật phẩm và sử dụng công nghệ blockchain. Nhiều loại NFT hiện nay chạy trên Ethereum.

Để so sánh, Bitcoin là mạng lưới thanh toán dùng để giao dịch giữa hai người ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Hiện nay Bitcoin chủ yếu tồn tại như một tài sản đầu tư trong thế giới tiền ảo. Ngược lại, Ethereum đặt mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng ảo hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc vào bất kỳ chính quyền nào.

Một trong những xu thế lớn trong Ethereum hiện nay là tài chính phi tập trung, mô tả những sản phẩm tài chính truyền thống như vay nợ và thế chấp dùng công nghệ blockchain. Trong trường hợp này, blockchain thay thế trung gian như ngân hàng và lưu lại mọi diễn biến trong mạng lưới.

Sở hữu nhiều ưu điểm, nhưng Ethereum cũng không hoàn hảo. Hồi năm 2017, sự phổ biến của trò chơi CrytoKitties khiến mạng lướ Ethereum bị nghẽn nặng, làm chậm quá trình giao dịch và khiến nhà phát triển game tăng phí dịch vụ.

Khả năng mở rộng là một trong những vấn đề lớn nhất với Ethereum hiện nay. Nó đang vận hành theo phương thức bằng chứng công việc (PoW), tương đồng với Bitcoin. PoW cho phép các thợ đào tiền ảo sử dụng máy tính để giải những bài toán phức tạp nhằm xác thực giao dịch, đồng thời gây ra hàng loạt chỉ trích khi nhiều người cho rằng mạng lưới tiền ảo dùng PoW đang tiêu thụ quá nhiều năng lượng.

Ethereum đang chuẩn bị cho đợt nâng cấp đầy tham vọng mang tên Ethereum 2.0, trong đó, mạng lưới sẽ chuyển sang phương thức bằng chứng cổ phần (PoS) - dựa vào những người đã nắm giữ tiền ảo để xử lý những giao dịch mới.

Các nhà đầu tư tiền ảo cho rằng đợt nâng cấp này sẽ giúp mạng lưới Ethereum mở rộng quy mô, xử lý được nhiều giao dịch trong thời gian ngắn hơn, cũng như hỗ trợ các ứng dụng với hàng triệu người dùng. Dù vậy, nó cũng có thể dẫn tới giá trị quy đổi leo thang chóng mặt trong thời gian ngắn, khi ngày càng nhiều đồng ETH được tích trữ để chuẩn bị cho Ethereum 2.0. Về lý thuyết, điều này sẽ giới hạn nguồn cung ETH.

Một số chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về tiền ảo như Bitcoin và Ether, đề cập tới bong bóng tiền ảo được thổi phồng năm 2017 khi mỗi đồng Bitcoin chạm ngưỡng 20.000 USD, trước khi lao dốc xuống còn hơn 3.000 USD sau đó một năm. Vấn đề này có thể thay đổi khi những nhà đầu tư chuyên nghiệp chú ý nhiều hơn đến tiền ảo.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Vai trò khác nhau của Bitcoin và Ethereum trong thế giới tiền ảo tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Giá Bitcoin tuần này: 3 kịch bản có thể xảy ra
Bitcoin tụt 10% giá trị hôm 23/4 đã gây sốc cho toàn bộ thị trường. Tính từ thời điểm lập đỉnh, đồng tiền ảo này đã giảm 21% xuống ngưỡng 48.000 USD và đang kháng cự ở vùng 50.000 USD trong hai ngày liên tiếp.