Vận mệnh kinh tế thế giới phụ thuộc một nhà sản xuất chip ở Đài Loan

22/05/2021, 07:37

TCDN - Khủng hoảng thiếu chip toàn cầu khiến nhà sản xuất chip lớn nhất hành tinh, trở nên quan trọng đối với nỗ lực phục hồi kinh tế thế giới.

Vài thập kỷ qua, đảo Đài Loan là một trong những điểm nóng địa chính trị và trung tâm kinh tế thế giới. Trong khu công nghiệp cách Đài Bắc khoảng một giờ lái xe, hai đặc tính đó hợp nhất hoàn hảo dưới hình thức nhà máy của TSMC, nhà sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới. Nhà máy ấy quan trọng đến mức một số người Đài Loan nghĩ rằng đây là chỗ trú an toàn nhất nếu quân đội Trung Quốc đại lục tấn công.

Khó có thể nói hết tầm quan trọng của nhà sản xuất chip Đài Loan tới nền kinh tế toàn cầu. TSMC thống trị hoạt động sản xuất các linh kiện bán dẫn phức tạp nhất thế giới, cung cấp sản phẩm cho những khách hàng lớn như Apple và Qualcomm. Có thể ví TSMC như bá chủ toàn cầu trong ngành bán dẫn.

TSMC

Khủng hoảng thiếu chip toàn cầu khiến vai trò của TSMC càng trở nên quan trọng. Các thị trường tài chính đang ngày càng lo ngại về việc tình trạng thiếu hụt chip thúc đẩy lạm phát ở phương Tây. Một số giám đốc còn dự kiến sự khan hiếm sẽ kéo dài hàng năm chứ không phải hàng tháng. Thực tế ấy khiến nhiều người muốn biết lý do một doanh nghiệp ít người biết lại có ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới đến vậy.

Thiếu hụt chip khiến giá ô tô, xe tải cũ và mới tăng vọt, dẫn đến giá tiêu dùng của Mỹ nhảy vọt 4,2% trong tháng 4. Thị trường chứng khoán ngay lập tức xảy ra điều chỉnh do nhà đầu tư lo ngại rằng lạm phát sẽ buộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến.

Sau khi thoát khỏi cú sốc suy thoái do đại dịch năm ngoái, các nhà sản xuất xe lại gặp khó khăn trong việc mua đủ chip để chế tạo xe. Chip không chỉ được dùng trong máy tính – chúng là bộ não của hàng loạt thiết bị thông thường và được tích hợp vào xe cộ.

Hồi tháng 4, Ford thông báo tập đoàn sẽ chỉ sản xuất một nửa lượng xe so với mức thông thường cho đến tháng 6 vì không đủ chip. Các nhà sản xuất khác như GM, Volkswagen và Jaguar Land Rover cũng chịu tác động lớn, tờ The Guardian cảnh báo.

Kết cục là xe hơi Mỹ trong tháng 4 đắt hơn 10% so với tháng 3, mức tăng giá lớn nhất từ khi có số liệu thống kê. Giá xe cũ tăng 21% so với tháng 4 năm ngoái trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt xảy ra đồng thời với nhu cầu gia tăng. Nhiều người tiêu dùng Mỹ đang rủng rỉnh sau khi hạn chế du lịch và ăn uống nhà hàng trong đại dịch, và giờ họ muốn tiêu tiền.  

Tình cảnh tương tự cũng xảy ra ở nhiều nước. Doanh số bán xe và giá cả đang tăng nhanh ở Anh và Australia.

Giải pháp đơn giản là sản xuất thêm chip, nhưng việc mở rộng năng lượng sản xuất lại cực kỳ phức tạp, đắt đỏ và tốn nhiều thời gian. Thêm nữa thị trường dành cho chip cũng ảnh hưởng lẫn nhau.

Khi các hãng xe đóng cửa nhà máy trong đại dịch COVID-19 đầu tiên năm 2020, những nhà sản xuất như TSMC và Samsung chuyển sang chế tạo chip cho thiết bị điện tử tiêu dùng, mặt hàng có nhu cầu lớn khi người dân phải ở nhà do lệnh phong tỏa.

Các hãng xe làm vấn đề trầm trọng thêm vì không đặt trước đủ hàng, tin rằng nền kinh tế sẽ đóng băng lâu dài. Nhưng kinh tế thế giới, nhờ chính sách kích thích khổng lồ của chính phủ, đã phục hồi nhanh hơn nhiều người nghĩ, gây ra thình trạng thiếu linh kiện bán dẫn.

Các nhà phân tích tính toán rằng ngành ô tô sẽ tổn thất doanh thu 110 tỷ USD trong năm nay vì thiếu hụt chip.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Vận mệnh kinh tế thế giới phụ thuộc một nhà sản xuất chip ở Đài Loan tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan