Giá dầu và đồng còn tăng khi kinh tế thế giới phục hồi mạnh hơn
TCDN - Trong bối cảnh lạm phát sắp tăng, đồng và dầu mỏ sẽ là những loại hàng hóa chống lạm phát hiệu quả, và giá của chúng sẽ tăng khi kinh tế thế giới phục hồi
Hơn một năm đã trôi qua từ khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch, và hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trên đà phục hồi.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được dự báo sẽ công bố mức tăng trưởng GDP 8,4% trong năm 2021, theo tính toán của FactSet, bật mạnh trở lại từ mức tăng 2,3% trong năm 2020. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất hành tinh, có thể tăng trưởng 4,8% năm nay sau khi giảm trong năm ngoái. Cả hai quốc gia đều sử dụng chính sách tiền tệ và kích thích tài khóa để ứng phó hoạt động kinh tế chững lại.
Danielle Shay, một giám đốc của Simpler Trading, đang kỳ vọng thị trường hàng hóa sẽ là “tấm khiên” chống lạm phát khi kinh tế thế giới phục hồi.
“Bạn thấy các chính phủ khắp thế giới đang in thêm tiền, chứ không chỉ riêng nước Mỹ. Trong bối cảnh lạm phát sắp tăng, đồng và dầu mỏ sẽ là những loại hàng hóa chống lạm phát hiệu quả, và giá của chúng sẽ tăng khi kinh tế thế giới phục hồi”, Shay nói với CNBC hôm 19/3.
Giá đồng đã tăng 68% trong 12 tháng qua, đạt mức tăng cao nhất trong gần 10 năm hồi cuối tháng 2. Giá dầu cũng tăng tới 110% sau một năm.
“Đà phát triển của các ngành công nghiệp thúc đẩy giá đồng, và khi người dân bắt đầu di chuyển nhiều hơn, chúng ta sẽ thấy giá dầu tăng”, Shay phân tích.
Steve Chiavarone, giám đốc danh mục đầu tư của quỹ Federated Hermes, nhận định sự kết hợp giữa làn sóng tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và sự phục hồi của hoạt động nhập cảnh trên phạm vi toàn cầu sẽ khiến giá cổ phiếu khắp hành tinh tăng.
“Châu Á đã thoát khỏi đại dịch sớm hơn và họ đang phục hồi. Mỹ đang theo sau và nền kinh tế của họ đã tăng nhanh hơn. Châu Âu hơi chậm hơn một chút nhưng rồi họ sẽ nhập cuộc”, Steve phát biểu với CNBC.
Mọi thị trường chứng khoán ở châu Á, Mỹ và châu Âu đều bật mạnh trở lại sau khi giảm rất sâu vì đại dịch.
“Tóm lại, đó là sự phục hồi đồng bộ trên toàn cầu, dù không nhịp nhàng nhưng các thành phần trong nền kinh tế thế giới đang vận động cùng một hướng”, ông nhận xét.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899