Tin vui với kinh tế thế giới từ việc giá đồng lên đỉnh 9 năm
TCDN - Việc giá đồng tăng đến mức cao nhất trong vòng 9 năm qua cho thấy nhà đầu tư đang kỳ vọng lớn lao về triển vọng sáng sủa của nền kinh tế thế giới.
Đà phục hồi kinh tế vẫn là ẩn số khó lường bởi diễn biến của đại dịch COVID-19. Bloomberg chỉ ra rằng lần đầu tiên trong 9 năm qua, giá đồng trên thị trường tăng vượt mức 9.000 USD/tấn, tiến thêm một bước đến ngưỡng cao nhất mọi thời đại năm 2011. Các nhà đầu tư đang kỳ vọng nguồn cung đồng sẽ tiếp tục giảm trong lúc thế giới phục hồi sau đại dịch.
Phần lớn lĩnh vực của nền kinh tế thế giới, từ xây dựng đến sản xuất xe cộ và đồ gia dụng, đều cần đồng. Do đó, giá đồng giống như "phong vũ biểu" của nền kinh tế thế giới. Khi triển vọng kinh tế tích cực, nhà đầu tư thường mua đồng.
Đồng tăng giá trong bối cảnh một loạt hàng hóa từ quặng sắt đến kền đang phục hồi. Giá dầu đã tăng hơn 20% trong năm nay. Giá đồng tăng gấp đôi từ khi rơi xuống đáy hồi tháng 3/2020, do nguồn cung ngày càng hạn chế, triển vọng kinh tế thế giới phục hồi và kỳ vọng rằng kỷ nguyên lạm phát thấp kéo dài ở các nền kinh tế chủ chốt đang đi đến hồi kết.
Giới đầu tư cũng đổ xô vào đồng vì tin rằng nhu cầu dành cho kim loại này sẽ tăng cao trong vài năm tới khi chính phủ các nước tung ra chương trình kích thích nhắm vào năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng cho xe điện. Các chương trình như thế sẽ cần lượng kim loại thô khổng lồ.
Max Layton, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa EMEA tại Citigroup,nói rằng danh sách các yếu tố tích cực về giá đồng rất dài.
"Rất nhiều diễn biến tích cực nhất sẽ thực sự xuất hiện trong vài tháng tới. Do đó chúng tôi dự báo việc giá đồng sẽ đạt mức 10.000 USD/tấn chỉ còn là vấn đề thời gian", ông nói.
Ở một số khu vực của thị trường đồng, nguồn cung đang giảm mạnh nhất trong nhiều năm gần đây và thậm chí có thể sẽ phải chịu thêm áp lực. Các nhà luyện kim ở Trung Quốc, thị trường tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt với biên lợi nhuận ngày càng thu hẹp.
Phí xử lý đồng đang ở mức 45,5 USD/tấn, con số thấp nhất từ năm 2012. Việc một trong những nhà cung cấp hàng đầu là Tongling đang cân nhắc cắt giảm sản lượng có khả năng sẽ trở thành cú đánh mạnh với người mua.
Động lực từ nền kinh tế Mỹ
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ nhận định trong một báo cáo hồi tháng 2 rằng đến giữa năm 2021, kinh tế Mỹ sẽ quay trở về quy mô trước đại dịch ngay cả nếu Quốc hội không phê chuẩn thêm gói cứu trợ nào để hỗ trợ cuộc phục hồi kinh tế.
Báo cáo mới nhất từ văn phòng ngân sách mang đến bức tranh sáng hơn so với dự báo từ mùa hè năm trước. Các quan chức nói với phóng viên tờ New York Times rằng triển vọng tích cực tăng nhờ các khu vực lớn của nền kinh tế thích ứng với đại dịch tốt hơn và nhanh hơn dự kiến ban đầu. Nền kinh tế cũng được hỗ trợ đáng kể từ gói kích thích 900 tỷ USD Quốc hội Mỹ thông qua tháng 12 năm ngoái.
Hiện nay văn phòng ngân sách kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ đạt 3,7% trong năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 5,3% vào cuối năm.
Các quan chức ngân sách nhận định đà hồi phục tăng trưởng và việc làm có thể được tăng tốc đáng kể nếu giới chức y tế có thể tiêm phòng vắc xin COVID-19 nhanh chóng hơn.
Số liệu của Bloomberg cho thấy, tính tới nay Mỹ đã tiêm được 64,2 triệu liều vaccine. Trung bình trong tuần vừa rồi, mỗi ngày Mỹ phân bổ được 1,37 triệu liều vaccine.
Mỹ sắp đạt đột phá mới trong nguồn cung vaccine ngừa COVID-19. Sản xuất đang được đẩy mạnh và loại vắc xin thứ ba từ Johnson & Johnson được kỳ vọng là sẽ được sử dụng trong vài tuần tới.
Tốc độ phân phối vắc xin cũng sắp gia tăng đáng kể. AP cho biết khoảng 145 triệu liều vắc xin dự kiến sẽ được phân bổ trong 5,5 tuần tiếp theo. Thêm 400 triệu liều nữa sẽ được phân bổ trước đầu tháng 8.
Viện Brookings dự đoán một gói cứu trợ khác - như kế hoạch 1.900 tỷ USD mà ông Biden đề xuất - sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, vượt mức trước đại dịch vào cuối năm.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899