VCCI: Triển lãm nông nghiệp thực tế ảo đầu tiên tại Việt Nam thu hút doanh nghiệp nông nghiệp Việt

26/07/2021, 10:47

TCDN - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các đối tác tổ chức cho doanh nghiệp tre và nghêu tham gia triển lãm Nông nghiệp thực tế ảo.

Giao diện của gian hàng tiêu chuẩn với logo, video, hình ảnh giới thiệu công ty

Giao diện của gian hàng tiêu chuẩn với logo, video, hình ảnh giới thiệu công ty

Với sự tài trợ của Liên minh châu Âu, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam hợp tác với Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nuôi trồng Thủy sản (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (NTFPRC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang thực hiện dự án 4 năm “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu/Tre ở Việt Nam” (SCBV), giai đoạn 2018 - 2022.

Dự án tập trung ở 5 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh với chuỗi giá trị nghêu và Thanh Hóa, Nghệ An với chuỗi giá trị tre. Dự án góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến nghêu và tre nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và tài chính cũng như hiệu quả sản xuất, trao quyền cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ và làm việc với các liên minh công - tư để quản trị chuỗi giá trị tốt.

Trong khuôn khổ các hoạt động của hợp phần xúc tiến thị trường cho các sản phẩm tre và nghêu, VCCI phối hợp với các đối tác tổ chức cho các doanh nghiệp tre và nghêu tham gia “Triển lãm Nông nghiệp thực tế ảo” nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu, trưng bày và quảng bá sản phẩm tới đông đảo người dân mà không phải tiếp xúc trực tiếp, lại tiết kiệm chi phí trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Các doanh nghiệp tham gia triển lãm được trưng bày sản phẩm dưới hình thức mô phỏng gian hàng trên nền thực tế ảo sống động, cho phép người xem đến từ khắp nơi trên thế giới tham gia và thực hiện các sự kiện bình thường với đủ loại thiết bị thông minh như smartphone, PC, table, thiết bị VR... 

Ongtre

Sau một tháng mở cổng đăng ký, triển lãm thực tế ảo thu hút hơn 100 doanh nghiệp đăng ký với đa dạng ngành hàng. Chuỗi tre với sự góp mặt của các công ty như: Công ty TNHH Đức Phong với sản phẩm đèn tre, Công ty Cổ phần BWG Mai Châu với sản phẩm tre công nghiệp (tre ép thanh..), Công ty TNHH Vibabo với sản phẩm ống hút tre, các sản phẩm thìa, dao, dĩa, đũa.. từ tre; Công ty TNHH Eco Bamboo Việt Nam là các sản phẩm thời trang từ tre, sản phẩm gia dụng; Công ty TNHH MTV tre Quang Minh với các mặt hàng quà tặng từ tre; Công ty TNHH Trà Lân Bamboo với các loại đèn trang trí, các sản phẩm tre thủ công...

Ngoài ra, cũng có rất nhiều các đơn vị, hợp tác xã như hợp tác xã Tiến Thành, Phương Đông, Thành Đạt, Thạnh Lợi, Tân Thủy... với các sản phẩm về nghêu; Công ty CP Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Deluxnuts chuyên về hạt sấy, trái cây sấy...

Với nền tảng trực tuyến, doanh nghiệp và khách hàng có thể tương tác trực tiếp bằng cách chat, email để thuận tiện trong việc kết nối đầu tư, thương mại hoá bởi các gian hàng được bày trí theo phong cách hiện đại với nhiều tiện ích như giới thiệu tổng quan về doanh nghiệp, gắn link website, link web VR, video/hình ảnh giới thiệu về công ty. 

Bên cạnh đó, triển lãm thực tế ảo dựa vào nền tảng trực tuyến, cho phép người xem đến từ khắp nơi trên thế giới tham gia và thực hiện các sự kiện bình thường với đủ loại thiết bị thông minh như smartphone, PC, table, thiết bị VR... giúp đông đảo khách hàng dễ dàng tiếp cận với các gian hàng và các sản phẩm một cách thuận tiện nhất. Đặc biệt, các doanh nghiệp được thoải mái về số lượng người tham dự, không giới hạn khoảng cách địa lý, thời gian của người tham dự, đem lại sự tiện lợi cho khách hàng thông qua việc tiếp cận logo; video giới thiệu sản phẩm; catalogue; thông tin doanh nghiệp bằng tiếng Việt và tiếng Anh, ảnh 3D sản phẩm, box tư vấn hoặc video chat trực tiếp với khách tham quan...

Với mỗi lần click, khách tham quan sẽ được điều hướng đến các gian hàng triển lãm. Đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, triển lãm ảo sẽ là một lựa chọn an toàn để người tham dự không cần di chuyển nhiều, không cần tập trung đông người tại các hội trường. Không chỉ vậy, triển lãm ảo còn giúp đơn vị tổ chức, doanh nghiệp thể hiện lợi thế nắm bắt công nghệ của mình, đồng thời tăng mức độ uy tín trong mắt khách hàng và đối tác.

Các doanh nghiệp tại triển lãm lựa chọn gian hàng phù hợp, có nhiều tính năng tương ứng như giới thiệu tổng quan và đăng tải các thông tin về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp thông qua các hình ảnh, video, tải tài liệu catalogue, hình ảnh 3D, xoay 360 độ...

Doanh nghiệp có thể liên kết trực tiếp với khách hàng thông qua hình thức nhắn tin, gửi email để thuận tiện trong việc kết nối đầu tư, thương mại hoá. Đặc biệt, hai bên có thể tương tác trực tiếp để mua sắm, đặt hàng online, tiến tới ký hợp đồng giao thương thông qua tiện ích "Kết nối giao thương" và "Livestream bán hàng".

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể đặt thử sản phẩm trong không gian thực, giúp khách hàng nhìn được nhiều góc khác nhau, phù hợp với các ngành như nội thất, bất động sản, ô tô, đồ gia dụng, nông nghiệp... Ngoài ra, doanh nghiệp có thể livestream bán hàng, đặt lịch hẹn với khách hàng.

Virtual Exhibition còn dễ dàng chia sẻ thông qua các mã QR hoặc đường dẫn liên kết thông qua các trang mạng xã hội, bởi vậy, độ viral (lan toả) của triển lãm cũng tăng lên đáng kể.

Không những thế, triển lãm thực tế ảo còn giúp doanh nghiệp xem xét thống kê chuyên sâu về khách hàng hiện hữu, khách hàng tiềm năng như thông tin nhân khẩu học cơ bản, sản phẩm được thị trường quan tâm nhất, các phản hồi của người dùng sau sự kiện thông qua các cuộc khảo sát.

Từ đó, doanh nghiệp có được những thông tin quan trọng để đánh giá tính hiệu quả, phục vụ cho hoạt động kinh doanh như: danh sách và hồ sơ khách tham quan, thông tin nhân khẩu học cơ bản, sản phẩm mà khách hàng yêu thích nhất...

Sự kiện dự kiến kéo dài hai tháng, từ 28/6 đến 28/8, dự kiến sẽ thu hút hàng trăm nghìn khách tham quan và tương tác, mua sắm trực tiếp, giúp doanh nghiệp phần nào tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt, kết thúc sự kiện, triển lãm thực tế ảo sẽ giúp doanh nghiệp xem xét thống kê chuyên sâu về khách hàng hiện hữu, khách hàng tiềm năng, sản phẩm được thị trường quan tâm nhất.

Các đơn vị đăng ký gian hàng thực tế ảo, sau 7-10 ngày kể từ khi ban tổ chức nhận đăng ký và đầy đủ thông tin về sản phẩm, gian hàng sẽ chính thức lên kệ.

Chia sẻ về triển lãm, đại diện ban tổ chức cho biết, triển lãm thực tế ảo khá phổ biến ở thị trường quốc tế tuy nhiên đây lại là một hình thức mới mẻ tại Việt Nam, là cuộc chơi lớn và dành cho những doanh nghiệp có tư duy đổi mới và ý chí tiên phong. Với tham vọng đưa ra một cuộc cách mạng về triển lãm số tại Việt Nam, ban tổ chức hy vọng doanh nghiệp nước nhà sẽ ủng hộ và cùng đồng hành để hướng tới một tương lai mới cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Thanh Tân

Tạp chí in số tháng 7/2021
Bạn đang đọc bài viết VCCI: Triển lãm nông nghiệp thực tế ảo đầu tiên tại Việt Nam thu hút doanh nghiệp nông nghiệp Việt tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan