Việt Nam cần ổn định thị trường trái phiếu, bất động sản

25/11/2022, 19:51
báo nói -

TCDN - Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022, theo Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam và Lào Francois Painchaud, ổn định tài chính vẫn là mục tiêu phải ưu tiên trong thời gian tới, đặc biệt liên quan đến thị trường trái phiếu và bất động sản. Việt Nam cần có nỗ lực, quyết tâm trong hành động đảm bảo phát triển bền vững.

Tìm kiếm giải pháp triển khai định hướng tài chính ngân sách

Ngày 25/11/2022, tại Đà Nẵng, Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ - theo ủy quyền của Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022 với chủ đề “Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, mục tiêu tổng quát của Chiến lược Tài chính đến năm 2030 là: “Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.

Thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng.

Theo đó, Bộ Tài chính luôn quan tâm, chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) nhằm huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, góp phần củng cố các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong năm đầu thực hiện Chiến lược, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, gây sức ép lớn về y tế, kinh tế và trật tự xã hội làm nhu cầu chi NSNN nói chung, chi NSNN cho y tế, an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh tăng cao. Do đó, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội nhiều giải pháp chính sách về tài chính - NSNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, đã thực hiện miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản thu NSNN với tổng số tiền hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân khôi phục và phát triển sản xuất - kinh doanh khoảng 140 nghìn tỷ đồng (năm 2021) và 144,5 nghìn tỷ đồng (10 tháng đầu năm 2022.

Ngoài ra, ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân; tham mưu Chính phủ thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 nhằm huy động các nguồn lực tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước - Thứ trưởng Võ Thành Hưng chia sẻ.

Bộ Tài chính đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; đề xuất giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu trong bối cảnh giá xăng, dầu diễn biến phức tạp. Các giải pháp chính sách tài chính - NSNN được áp dụng trong năm 2021 và đặc biệt trong các năm 2022 - 2023 theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp được phục hồi tích cực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới hiện nay, tình hình thế giới và trong nước thay đổi nhanh và tiềm ẩn nhiều rủi ro khó dự báo. Kinh tế Việt Nam tuy đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng vẫn chịu áp lực lớn từ bên ngoài, có thể tác động xấu đến tăng trưởng, làm giảm nguồn thu và tăng chi NSNN.

Bên cạnh đó, xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững; kinh tế tuần hoàn; kinh tế số; ứng phó biến đổi khí hậu và việc triển khai các nhiệm vụ tại các nghị quyết trung ương, đặc biệt là Trung ương 5, 6 về đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, phát triển các vùng… đòi hỏi chính sách tài chính phải có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhằm phát huy các thế mạnh, huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng cho rằng Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022 với chủ đề “Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới” được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận với mục tiêu đề xuất các sáng kiến, giải pháp triển khai thực hiện những định hướng lớn về tài chính - NSNN trong Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và các giải pháp tài chính - NSNN cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Diễn đàn không chỉ là sự tiếp nối của các Diễn đàn Tài chính Việt Nam trước đây mà còn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Ổn định tài chính từ thị trường trái phiếu, bất động sản

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Werner Gruber- Trưởng Đại diện cơ quan hợp tác Thụy Sỹ tại Việt Nam cho rằng, phân cấp tài khóa là cần thiết để nâng cao hiệu suất hiệu quả và khả năng chống chịu của chính sách tài khóa; hiệu suất chi tiêu công, đầu tư công; huy động tốt hơn từ khu vực tư nhân.

Theo ông Werner Gruber, thời gian tới cần huy động các nguồn vốn tư nhân để đầu tư cho cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh hơn nữa việc công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình để phân bổ hiệu quả nguồn lực cho phát triển; đánh giá các rủi ro về chính sách tài khóa.

dien-dan-tai-chinh-2022-1

Tiến sỹ Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2030 cần phải tiếp tục tập trung triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như tăng cường sự bền vững nguồn lực cho NSNN cả về quy mô và cơ cấu thông qua việc tiếp tục thực hiện tổng thể việc cải cách hệ thống thuế, phí theo lộ trình đề ra; tăng cường công tác quản lý thu; chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ các khoản chi, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển và cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo hiểm và phát triển các dịch vụ tài chính. Hoàn thiện khung pháp lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để thị trường phát triển bền vững, minh bạch và hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; thúc đẩy việc xây dựng tài chính điện tử và hướng đến nền tài chính số...

Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam và Lào, ông Francois Painchaud nhận định, tình hình thế giới sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã phục hồi, kinh tế tăng trưởng mạnh sau đại dịch, thu NSNN tăng nhưng sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu đang chậm lại, các đơn đặt hàng cũng đang giảm.

Kiến nghị chính sách cho Việt Nam thời gian tới, ông Francois Painchaud cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần có những giải pháp thận trọng, phối hợp và truyền thông để quản lý rủi ro. Chính sách tiền tệ phải tập trung ổn định giá và giảm áp lực lạm phát.

“Ổn định tài chính vẫn là mục tiêu phải ưu tiên trong thời gian tới, đặc biệt liên quan đến thị trường trái phiếu và bất động sản. Để duy trì đà tăng trưởng trong trung hạn, Việt Nam cần có nỗ lực, quyết tâm trong hành động đảm bảo phát triển bền vững và bao trùm”, ông Francois Painchaud nói.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên gợi mở khi cho rằng, ở thời điểm này, chính là cơ hội lớn nhất cho nước ta, là lúc chúng ta xem lại để thay đổi, trong điều kiện bất thường thì dùng giải pháp khác thường trong hoạch định chính sách.

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính cho biết, dự báo, năm 2023 tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại, chi phí vốn, chi phí nguyên liệu đầu vào sẽ tăng lên; những tác động của biến đổi khí hậu… được nhận diện.

Đến nay chúng ta đã có những định hướng cụ thể cho 5 năm và 10 năm tới. Quốc hội đã thông qua dự toán NSNN năm 2023. Tuy nhiên, thời gian tới dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Thực hiện bội chi NSNN theo mục tiêu đề ra là áp lực lớn đối với Bộ Tài chính.

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục cơ cấu lại thu - chi NSNN. Về thu NSNN, rà soát lại các chính sách thuế đảm bảo công khai, minh bạch, giảm bớt ưu đãi, tránh lồng ghép các chính sách xã hội trong chính sách thuế. Về chi NSNN, tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN, tập trung chi cho an sinh xã hội và chi cho con người cũng như tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các chính sách về tài chính- NSNN, tập trung cho đầu tư công, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế- xã hội.

Linh Giang
Bạn đang đọc bài viết Việt Nam cần ổn định thị trường trái phiếu, bất động sản tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Ngày mai diễn ra Diễn đàn Tài chính Việt Nam
Ngày mai (25/11), Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022 có chủ đề “Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới” do Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.