Việt Nam cấp phép 2 loại vaccine có thể tiêm cho trẻ
TCDN - Hiện nay, Việt Nam có 2 loại vaccine đã cấp phép, có thể tiêm cho trẻ là Pfizer và Moderna. Bộ Y tế đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và danh sách trẻ trong đối tượng tiêm.
Tại hội thảo tuyên truyền Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, do Bộ TT&TT tổ chức ngày 29/10.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tình hình dịch tại các địa phương hiện nay cơ bản được kiểm soát. Tính đến hôm nay (29/10), Việt Nam đã tiếp cận được hơn 107 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đã tiêm được hơn 78 triệu liều. Gần 40% người dân trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 liều vaccine.
Việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 tại nước ta dựa trên cơ sở hướng dẫn chuyên môn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), của các đơn vị sản xuất vaccine đối với từng loại vaccine khác nhau. Giai đoạn đầu, chúng ta triển khai tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó ưu tiên đối tượng từ 50 tuổi trở lên vì đây là đối tượng có nhiều bệnh nền đi kèm, nếu mắc thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn các đối tượng khác.
Sau thời gian tổ chức tiêm, theo hướng dẫn của các nhà sản xuất vaccine khác nhau và Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, đến nay cần phải mở rộng đối tượng tiêm để bao phủ độ tuổi tiêm vaccine phòng bệnh trên cả nước.
Trước mắt, sẽ tiêm cho trẻ 16-17 tuổi và ưu tiên khu vực có nguy cơ cao. Hiện nay, Việt Nam có 2 loại vaccine đã cấp phép, có thể tiêm cho trẻ là Pfizer và Moderna. "Bộ Y tế đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và danh sách trẻ trong đối tượng tiêm.
Từ đó, Bộ có cơ sở tiếp cận số liệu và phân bổ vaccine một cách hợp lý cho địa phương, để tiêm cho trẻ em", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ.
Liên quan thông tin học sinh phải tiêm vaccine mới được đi học, đại diện Bộ Y tế cho biết các khu vực xanh, học sinh vẫn đi học bình thường, việc học trực tiếp hay trực tuyến sẽ do địa phương quyết định phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899