Việt Nam trao công hàm phản đối tàu Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế

25/07/2019, 21:00

TCDN - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam sẽ kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền và lợi ích ở biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng:

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: "Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên vì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam sẽ kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền và lợi ích ở biển Đông.

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 25/7, phóng viên đề nghị cho biết vị trí hiện tại nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đang ở đâu? Các bước Việt Nam đã làm để giải quyết xung đột là gì?

Trong trường hợp những nỗ lực ngoại giao, những biện pháp Việt Nam đã làm trong thời gian qua chưa đem lại hiệu quả thì bước tiếp theo Việt Nam sẽ làm để giải quyết bất đồng?

Trả lời câu hỏi của phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Về vụ việc nghiêm trọng này, chúng tôi đã đề cập trong các phát biểu trước đây. Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như đã được xác lập tại công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế".

Đáng chú ý, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối phía Trung Quốc, yêu cầu các tàu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Các lực lượng chức năng Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp đúng pháp luật, duy trì hòa bình ổn định, đảm bảo tự do hàng không, hàng hải, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng  chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại công ước của Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế.

"Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên vì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới", người phát ngôn nói.

Cũng trong cuộc họp báo, trả lời câu hỏi đề nghị xác nhận về vị trí của lô 06-1 bể Nam Côn Sơn mà tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Rosneft đang phối hợp khai thác có nằm trong Bãi Tư Chính, gần vị trí tàu Hải Dương 8 đang hoạt động không, bà Hằng cho biết, bản thân câu hỏi đã nêu lên vị trí của lô 06-1.

“Vị trí của lô 06-1 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”, bà khẳng định.

Như vậy, đây là lần thứ ba trong vòng 10 ngày qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối hành động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc. Trong họp báo hôm 19/7, bà Hằng kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Trước đó, hôm 16/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với UNCLOS.

Hải Tiến
Bạn đang đọc bài viết Việt Nam trao công hàm phản đối tàu Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận