Vinawaco "gặp khó" với khoản nợ tiền cổ phần hóa
TCDN - Tổng công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam (Vinawaco) hiện đang trong tình trạng rất khó khăn do xử lý các tồn tại tài chính nằm ngoài sổ sách khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa kéo dài quá lâu
Kỳ vọng về lối thoát cho khoản nợ 60 tỷ đồng của Vinawaco tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang tắt dần nếu chiểu theo Văn bản số 797/ĐTKDV-ĐT2 vừa được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).
Lãnh đạo SCIC cho rằng, khoản nợ phải trả của Vinawaco tồn đọng tại Vietcombank là tồn tại trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Vinawaco. Vì vậy, Bộ GTVT với tư cách là cơ quan chủ trì, quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp tiếp tục làm rõ, xử lý dứt điểm và xác định chính thức giá trị vốn nhà nước tại Vinawaco làm cơ sở chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp này sang SCIC.
Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý tồn tại tài chính và quyết toán vốn nhà nước tại Vinawaco, với điểm nhấn chính liên quan đến khoản vay từ Vietcombank.
Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng cho phép bộ này được phê duyệt quyết toán vốn nhà nước tại Vinawaco tại thời điểm bàn giao sang công ty cổ phần, trong đó không tính khoản nợ Vietcombank trong quyết toán bàn giao. Sau khi thực hiện quyết toán, Bộ GTVT sẽ phối hợp với SCIC bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Vinawaco về SCIC, đồng thời bàn giao khoản nợ Vietcombank của Vinawaco thời kỳ doanh nghiệp nhà nước về SCIC. Trên cơ sở đó, SCIC tổ chức thoái vốn tại Vinawaco và dùng tiền bán vốn để trả nợ Vietcombank để Vietcombank nộp ngân sách nhà nước.
Khoản công nợ này được phát lộ vào tháng 9/2016, khi Vinawaco nhận được thông báo của Vietcombank Chi nhánh TP.HCM yêu cầu phải trả 53,1 tỷ đồng tiền vay do nhận bàn giao 3 tàu vận tải từ năm 1995. Trong số này, Vietcombank cho biết, nợ gốc là 12,59 tỷ đồng, nợ lãi vay 27,2 tỷ đồng, nợ lãi phạt 27,2 tỷ đồng (tính đến ngày 15/2/2017).
Thay vì gia tăng tiềm lực, việc tiếp nhận 3 tàu vận tải lại khiến Vinawaco gặp nhiều khó khăn, gây thua lỗ, lâm vào tình trạng phá sản.
Trên thực tế, trong suốt 3 năm qua, Bộ GTVT đã nhiều lần làm việc với Vinawaco, yêu cầu Tổng công ty hạch toán kế thừa và ghi nhận khoản nợ của Vietcombank để hoàn thành việc quyết toán vốn nhà nước theo quy định. Tuy nhiên, HĐQT Vinawaco không nhận nợ đối với khoản nợ này, không xác nhận khoản nợ Vietcombank tại thời điểm chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần, nên Bộ GTVT không có cơ sở số liệu để thực hiện quyết toán vốn nhà nước.
Trong khi đó, việc chậm trễ trong quyết toán vốn lần 2 để thực hiện bàn giao khiến Vinawaco gặp khó khăn về tài chính khi nợ phải thu không thu được, nợ phải trả chưa đủ cơ sở để thanh quyết toán. Doanh nghiệp này luôn bị cưỡng chế thi hành án, các tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản.
Vinawaco cũng đề nghị Bộ GTVT, trong giai đoạn chưa quyết toán vốn lần 2, cho phép đơn vị được toàn quyền thoái vốn tại 7 công ty liên kết kinh doanh kém hiệu quả, thu hồi một phần vốn đầu tư tài chính dài hạn lên tới hơn 110 tỷ đồng, cũng như tổ chức thanh lý tài sản, phương tiện, thiết bị không khai thác được hoặc kém hiệu quả để giảm tổn thất.
“Những vướng mắc này đang khiến hoạt động của Vinawaco gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khoản đầu tư có nguy cơ mất trắng nếu không thoái kịp thời”, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Vinawaco cho biết.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899