Vụ mua máy xét nghiệm giá khủng: Nhiều tỉnh "hốt hoảng" đàm phán giảm giá
TCDN - Vài ngày sau khi một số cán bộ của CDC Hà Nội bị bắt vì có hành vi "tham nhũng" trong việc mua sắm thiết bị xét nghiệm Covid-19, các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, Quảng Nam đã vội vã đàm phán giảm giá vì "lỡ" chọn mua giá khủng. Bộ Y tế vừa yêu cầu các địa phương báo cáo về vấn đề này.
Nghi vấn CDC Quảng Nam mua máy xét nghiệm COVID-19 giá 'trên trời'
Theo thông tin có được, từ ngày 1/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) đưa vào vận hành hệ thống máy xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2. Đây là loại máy tương tự CDC Hà Nội đã mua.
Thậm chí, khi so sánh với con số 7 tỷ đồng mà CDC Hà Nội bỏ ra thì cái giá Quảng Nam trả cho thiết bị này lên tới 7,2 tỷ đồng. Điều này đang đặt ra nghi vấn liệu CDC Quảng Nam có mua máy xét nghiệm với giá “trên trời”?
Được biết, việc mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động theo hình thức chỉ định thầu và do UBND tỉnh Quảng Nam quyết định.
Điều đáng nói, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam chỉ có giá khoảng 2,3 tỷ đồng.
Thái Bình mua xong mới đàm phán giảm giá?
Lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cho biết, Sở này đã đàm phán thành công với nhà thầu giảm giá hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR hoàn chỉnh từ hơn 6 tỷ đồng còn 5,2 tỷ đồng, cộng với 1.300 bộ xét nghiệm trị giá 600 triệu đồng.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình còn đàm phán thành công quyền lợi bảo hành.
“Thông thường, thời gian bảo hành máy là 1 năm nhưng chúng tôi đàm phán được thêm 4 năm, nâng tổng thời gian bảo hành lên 5 năm. Trong khi, chi phí bảo hành mỗi năm là 5% giá trị của máy.
Khi mua thiết bị, chúng tôi có 2 hội đồng thẩm định giá, trong đó có hội đồng thẩm định giá của tỉnh Thái Bình”, vị lãnh đạo này cho biết.
Lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cho biết tỉnh đã mua hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR hoàn chỉnh, lắp đặt hôm 31/3 và đưa vào sử dụng chính thức từ 1/4, mua qua hình thức chỉ định thầu.
Tuy nhiên, sau khi lắp đặt thiết bị, đến ngày 15/4 Sở Y tế Thái Bình lại có văn bản đề nghị nhà thầu giảm giá thiết bị. Sau khi đàm phán, giá được giảm còn 5,8 tỉ đồng.
Người đứng đầu Sở Y tế Thái Bình thông tin thêm, trên thực tế từ 1/4 Sở Y tế Thái Bình chỉ chạy thử máy và sau khi đàm phán xong mới chính thức nhận máy. Hệ thống thiết bị xét nghiệm mà Thái Bình mua là hệ thống Cobas 4800, có cả 2 hệ thống đóng và hệ thống mở, dùng cho tất cả các loại vắc xin sinh phẩm cả nội và ngoại, xét nghiệm được tất cả cả loại virus chứ không chỉ riêng SARS-CoV-2.
Quảng Ninh "cũng" vài lần được giảm giá mua máy xét nghiệm
Quảng Ninh là một trong những địa phương đã đầu tư nhiều thiết bị y tế để chống dịch, trong đó có một hệ thống xét nghiệm Realtime PCR được dư luận quan tâm về mức giá và hình thức mua sắm chỉ định thầu.
Theo thông tin ban đầu, hợp đồng ban đầu được ký ngày 1/3 giữa Sở Y tế Quảng Ninh và liên danh nhà thầu (Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu y tế Việt và Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao) là 8,4 tỉ đồng.
Mức giá này dựa trên kết quả thẩm định của Công ty CP Thẩm định giá Quảng Ninh và Sở Tài chính Quảng Ninh thẩm định mức 8,4 tỉ để mua hệ thống xét nghiệm Qiagen.
Đến ngày 15/3, C03 Bộ Công an đã làm việc với Quảng Ninh về việc mua hệ thống xét nghiệm. Ngày 23/3, Sở Y tế đã ký phụ lục hợp đồng với nhà thầu, giá giảm còn 7 tỉ (giảm 1,4 tỉ). Ngày 19/3, Sở Y tế đã chuyển tạm ứng 4,2 tỉ đồng, nhưng ngày 21/4 nhà thầu đã hoàn trả số tạm ứng này cho Sở Y tế.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh cho biết giá hệ thống này hiện chỉ còn 5,2 tỉ, tức đã được giảm tiếp thêm 1,8 tỉ so với phụ lục ngày 23-3, giá ban đầu (mua theo hình thức chỉ đinh thầu) ở mức xung quanh 6-8 tỉ đồng.
Hải Phòng là "mượn" máy giá gần 10 tỷ
Thông tin từ Sở Y tế Hải Phòng ngày 25/4 cho biết, Sở này vừa có văn bản gửi Bộ Y tế khẳng định chưa thực hiện mua sắm thiết bị hệ thống thiết bị Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 trị giá gần 10 tỉ đồng.
Trước đó vào đầu tháng 3/2020, UBND thành phố Hải Phòng có chủ trương trang bị máy xét nghiệm Covid-19, tuy nhiên việc thẩm định dự toán gói thầu vẫn chưa có kết quả nên UBND thành phố chưa phê duyệt dự toán cho gói thầu này.
Theo đó, hệ thống thiết bị Real-time PCR tự động mà Trung tâm Y tế dự phòng thành phố vận hành xét nghiệm những mẫu bệnh phẩm đầu tiên vào ngày 22/3 được mượn từ một đơn vị cung cấp thiết bị y tế.
Được biết, máy sinh học phân tử Realtime PCR tự động mà Hải Phòng mượn, là thiết bị chẩn đoán hiện đại và chuyên sâu của hãng Qiagen (thương hiệu của Đức). Mỗi ngày, máy xét nghiệm chạy tối đa được 3 ca (mỗi ca từ 4 đến 6 giờ) tương đương với 270 mẫu xét nghiệm.
Bộ Y tế yêu cầu báo cáo
Bộ Y tế đã có liên tiếp 2 công văn gửi các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các Bộ, Ngành và một số Bệnh viện tư nhân đề nghị báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm.
Theo đó, tại công văn số 2288/BYT-KH-TC do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký ngày 24/4 gửi các đơn vị trực thuộc Bộ (các Viện, Bệnh viện, Trường đại học và các Bệnh viện thuộc trường) và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các Bộ, Ngành và một số Bệnh viện tư nhân đề nghị báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm.
Công văn nêu rõ, trước đó, ngày 17/4, Bộ Y tế có công văn số 2151/BYT-KH-TC về việc báo cáo mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm. Đến nay, một số địa phương đã gửi báo cáo về Bộ Y tế, tuy nhiên còn nhiều địa phương chưa gửi báo cáo.
Tiếp theo công văn này, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục thu thập bổ sung số liệu và tổng hợp báo cáo về kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động của hãng Quiagen (Đức) và toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống trên địa bàn về Bộ Y tế. Thời gian báo cáo bổ sung thêm gồm tất cả các hợp đồng đã được ký kết từ ngày 1-3-2018 đến 29-2-2020 (2 năm).
Bộ Y tế yêu cầu các tài liệu đề nghị photocopy, đóng dấu sao y bản chính và gủi kèm báo cáo về Bộ Y tế gồm: Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt; quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu; hợp đồng mua bán giữa các bên, tài liệu về thông số, tính năng kỹ thuật của hệ thống; catologue của thiết bị chính và các thiết bị thành phần của hệ thống, chụp ảnh của các thiết bị nêu trên.
Báo cáo của các đơn vị đề nghị gửi khẩn về Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế trước ngày 28/4/2020, đồng thời gửi file mềm qua mail theo địa chỉ [email protected] để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899