Vụ sụp đổ lớn nhất trong lĩnh vực bất động sản ở châu Âu
TCDN - Việc tập đoàn bán lẻ và bất động sản Signa tuyên bố phá sản đã tạo ra sự sụp đổ lớn nhất trong lĩnh vực bất động sản ở châu Âu, đặc biệt là nước Đức.
Hôm 29/11, tập đoàn bất động sản và bán lẻ khổng lồ Signa của Áo đã tuyên bố mất khả năng thanh toán sau khi những nỗ lực cuối cùng để đảm bảo nguồn vốn không thành công, khiến đây trở thành vụ sụp đổ lớn nhất cho đến nay trong lĩnh vực bất động sản ở châu Âu.
Chịu sự kiểm soát của tỷ phú Rene Benko (quốc tịch Áo), Tập đoàn Signa là chủ sở hữu của tòa nhà Chrysler ở New York cũng như một số dự án cao cấp và các cửa hàng bách hóa trên khắp nước Đức, Áo và Thụy Sĩ.
Hiệp hội Bảo vệ chủ nợ KSV1870 và Alpenländischer Kreditorenverband ước tính các khoản nợ vay của Tập đoàn Signa lên tới khoảng 5 tỷ euro, với 42 nhân viên và 273 chủ nợ chịu ảnh hưởng bởi thủ tục tố tụng.
Với trị giá hàng tỷ euro, Signa có phạm vi hoạt động trải dài khắp châu Âu và dự kiến sẽ tạo ra làn sóng ảnh hưởng tới lĩnh vực bất động sản đang lao đao của lục địa già.
Thủ tướng Karl Nehammer của Áo đã tìm cách hạ thấp tầm quan trọng của sự sụp đổ của tập đoàn. “Điều thực sự quan trọng là tất cả những người đầu tư vào đây, đặc biệt là các ngân hàng, phải ổn định. Điều đó rất quan trọng", ông phát biểu.
Báo cáo của các nhà phân tích tại Ngân hàng Raiffeisen Bank International của Áo - một trong những ngân hàng cho vay lớn nhất của Signa - đã cảnh báo vào rằng những khó khăn của ngân hàng có thể khiến giá bất động sản thương mại giảm mạnh hơn nếu họ bắt đầu bán bớt tài sản.
Ban lãnh đạo tập đoàn Signa thông báo họ sẽ nộp đơn lên tòa án Vienna để bắt đầu các thủ tục phá sản và bắt đầu cấu trúc lại tập đoàn.
"Mục đích là tiếp tục các hoạt động kinh doanh có trật tự và tái cơ cấu bền vững công ty”, thông báo của Signa cho biết.
Chi phí vay tăng mạnh nhất trong lịch sử 25 năm của khu vực đồng euro đã khiến giá bất động sản ở Đức giảm, cũng là nơi tập trung phần lớn hoạt động kinh doanh của Signa.
Aneeka Gupta, chiến lược gia cổ phiếu tại công ty quản lý đầu tư WisdomTree, nhận định: “Các nhà đầu tư sẽ thức tỉnh khi họ nhận thấy sự chậm trễ trong chính sách tiền tệ cuối cùng cũng bắt đầu xuất hiện”.
Tập đoàn Signa đã lý giải cho các vấn đề của họ là do các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bất động sản và áp lực đối với hoạt động mua sắm cao cấp trên đường phố.
Sven Carstensen, nhà phân tích của công ty tư vấn bất động sản Bulwiengesa cho biết, quy mô tài sản khổng lồ mà Signa nắm giữ ở Đức ở hầu hết các vị trí trung tâm nên tình trạng mất khả năng thanh toán của tập đoàn có thể để lại những vết sẹo sâu sắc ở các thành phố của Đức.
Tập đoàn Signa có giá trị tài sản ở mức 27 tỷ euro (29 tỷ USD), bao gồm nhiều công ty con. JP Morgan ước tính khoản nợ của tập đoàn là 13 tỷ euro.
Tình trạng mất khả năng thanh toán của Signa đã để lại dấu vết của các dự án xây dựng chưa hoàn thiện trên khắp nước Đức, bao gồm cả một trong những tòa nhà cao nhất nước này.
Tập đoàn Signa đã đạt được tiến độ ổn định trên tòa nhà chọc trời Elbtower 64 tầng theo kế hoạch ở Hamburg, cho đến khi họ ngừng trả tiền cho công ty xây dựng và đã tạm dừng công việc. Việc xây dựng cũng đã dừng lại ở 5 dự án khác của tập đoàn ở Đức.
Trong khi đó, hàng chục ngân hàng, công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí trong nhiều năm đã tài trợ và đầu tư vào các công ty con của Signa. Signa cũng đã vay rất nhiều từ các ngân hàng, bao gồm cả Julius Baer của Thụy Sĩ. Các liên kết tài chính cũng đặc biệt mạnh mẽ ở Áo, nơi Tập đoàn được thành lập và đặt trụ sở chính.
Lĩnh vực bất động sản là nền tảng của nền kinh tế Đức trong nhiều năm, chiếm khoảng 1/5 GDP và 1/10 việc làm. Nhờ sự hỗ trợ của lãi suất thấp, hàng tỷ đô la đã được đổ vào lĩnh vực bất động sản và chúng được xem là ổn định, an toàn cho đến khi chi phí vay tăng đột biến trong hơn một năm trở lại đây.
Sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản thương mại ở Mỹ, với các văn phòng vẫn trống sau đại dịch và những thách thức mà các nhà phát triển bất động sản lớn ở Trung Quốc phải đối mặt đã tập trung sự chú ý của toàn cầu vào lĩnh vực này.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899