Vụ xẻ thịt 1,63ha đất công viên: Vì sao nữ đại gia Phạm Thị Hường không bị khởi tố?

01/07/2020, 18:27

TCDN - Không lập dự án, không đầu tư cơ sở hạ tầng, hơn 10ha đất nông nghiệp và công viên cây xanh được chính quyền địa phương giúp cho nữ đại gia Phạm Thị Hường tách thành hàng trăm thửa đất “miễn phí”, phân lô, xây nhà ở…

Xẻ thịt đất công viên

Theo Kết luận kiểm tra số 250/KL-UBND do UBND Bình Dương ban hành ngày 13/11/2014, từ giữa tháng 6/2013, tỉnh lập Đoàn kiểm tra tình hình phân lô bán nền tại thị xã Thuận An (nay là TP thuộc tỉnh).

Tại 9 khu đất nông nghiệp, đất quy hoạch công viên cây xanh có tổng diện tích 101.353m2, phát hiện bà Phạm Thị Hường (ngụ Thuận An) cùng chồng Phạm Hữu Đức và hai con Phạm Trọng Khiêm, Phạm Đức Huy đã chia tách trái phép thành 1059 lô đất ở, sang nhượng cho nhiều người.

Trong số 9 khu đất trên, tại phường Bình Chuẩn có 2 khu, tổng diện tích 2,5ha; 6 khu ở phường An Phú, tổng diện tích 7,1ha; 1 khu ở phường Lái Thiêu, diện tích 4.240m2.

Bộ Công an điều tra 17 dự án phân lô bán nền ở Bình Dương

Bộ Công an điều tra 17 dự án phân lô bán nền ở Bình Dương

Ở thời điểm năm 2013, theo quy định, với đất đã được quy hoạch là công viên cây xanh, không được phép tách thửa, phân lô bán nền. Với các khu đất nông nghiệp, muốn tách thửa, theo Quyết định 49/2009/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương “quy định diện tích tối thiểu các loại đất được phép tách thửa”, thì có hai trường hợp xảy ra.

Thứ nhất, nếu khu đất có diện tích lớn hơn 2.000m2, phải lập dự án nhà ở. Thứ hai, nếu khu đất diện tích từ 2.000m2 trở xuống thì lập thủ tục tách thửa, chuyển mục đích sang đất ở; muốn phân lô làm nhà ở phải có phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo kết nối hạ tầng kỹ thuật trong khu vực; khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư xong và được UBND cấp huyện phê duyệt thì mới được phép tách thửa.

Thời điểm xảy ra vụ phân lô bán nền nghiêm trọng trên, ông Trần Thanh Liêm là Bí thư thị xã Thuận An. Ngày 28/12/2015, Thủ tướng ký Quyết định 2409/QĐ-TTg phê chuẩn ông Liêm làm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Chỉ 3 ngày sau, buổi sáng Giám đốc Sở TN&MT có Tờ trình 1025/TTr-STNMT đề nghị cho bà Hường chuyển mục đích sử dụng hơn 8.000m2 đất tại phường An Phú làm dự án Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh II; thì buổi chiều, ông Liêm đã ký Quyết định số 3610/QĐ-UBND, chấp nhận những đề nghị nêu trên.

Thế nhưng không lập dự án, không đầu tư cơ sở hạ tầng, không cần UBND thị xã Thuận An phê duyệt, hơn 10ha đất nông nghiệp và công viên cây xanh vẫn được tách thửa “miễn phí” cho vợ chồng bà Hường.

Chiêu thức gia đình này thực hiện là sau khi nhận chuyển nhượng những khu đất trên, họ làm thủ tục phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thành nhiều khu có diện tích dưới 2.000m2. Sau khi tách thành nhiều khu như vậy, vợ chồng bà Hường tiếp tục tặng cho các con và phân chia tài sản, để tách thành nhiều thửa nhỏ diện tích 42,3m2 – 136,2m2.

Chỉ từ ngày 29/4/2010 – 20/5/2011, bằng phương thức này lặp đi lặp lại, vợ chồng bà Hường ông Đức và hai con Phạm Trọng Khiêm, Phạm Đức Huy đã được cấp 1.059 sổ đỏ. Số sổ đỏ này được tập trung ký trong khoảng hơn 30 ngày. Có ngày 17/1/2011, ông Đặng Văn Ba (Phó Chủ tịch thị xã Thuận An thời điểm đó) ký đến 107 sổ đỏ cấp cho gia đình bà Hường.

Theo kết luận kiểm tra, những hành vi sai phạm này đã giúp bà Hường hưởng lợi số tiền hơn 41 tỷ đồng chuyển mục đích sử dụng đất. Vì không lập dự án nhà ở, bà Hường còn được hưởng một khoản lợi không nhỏ nữa là không phải bỏ tiền ra để xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu dân cư có tổng cộng 1059 căn nhà.

Thứ hai, với vợ chồng bà Hường là đối tượng trực tiếp vi phạm, nếu sự việc này được xử lý, thì chưa bàn đến việc có hay không trách nhiệm hình sự, nỗi lo lớn nhất là sẽ có thể chấm dứt sự nghiệp kinh doanh bất động sản. Luật Đất đai quy định với những DN vi phạm quy định pháp luật về đất đai, sẽ bị đưa vào “sổ đen”, không được giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.

Kết luận kiểm tra nêu rõ tên các tổ chức, cán bộ sai phạm trong vụ việc. Chính quyền Thuận An được xác định nhìn thấy rõ sự việc bất thường nhưng bỏ qua những cảnh báo kiến nghị của cấp dưới; dẫn đến tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp với quy mô lớn, ảnh hưởng cảnh quan đô thị và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đại gia Phạm Thị Hường thoát nạn?

Theo kết luận kiểm tra, “UBND tỉnh thống nhất chuyển Cơ quan điều tra Công an tỉnh làm rõ”. Ngày 12/12/2014, Thanh tra tỉnh Bình Dương ra Công văn số 293/TTr-NV2 chuyển hồ sơ sự việc đến Công an và Viện KSND tỉnh Bình Dương. Ngày 31/12/2014, Công an tỉnh Bình Dương tiếp nhận hồ sơ.

Về phía Viện KSND Bình Dương, quá trình kiểm sát đã ban hành các yêu cầu xác minh số 320 ngày 13/1/2015, kiểm sát hồ sơ 2 lần vào ngày 20/3/2015 và 18/6/2015, nhưng sau đó gặp khó do hết thời hạn giải quyết theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC “về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”.

Về phía cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương, từng có ý kiến cho rằng vụ việc này “do liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai nên việc thu thập chứng cứ còn gặp khó khăn, cần có thêm thời gian để xác minh, làm rõ hành vi, hậu quả thiệt hại”.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương từng nhận được kiến nghị “chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp Viện KSND tỉnh khẩn trương xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý theo đúng quy định pháp luật, nếu đủ căn cứ thì khởi tố hình sự, không để kéo dài việc giải quyết. Báo cáo kết quả giải quyết về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (qua Ban Nội chính Trung ương)”.

“Bà Đầm thép” Phạm Thị Hường – bà chủ Phú Hồng Thịnh và vụ xẻ thịt 1,63ha đất công viên

“Bà Đầm thép” Phạm Thị Hường – bà chủ Phú Hồng Thịnh và vụ xẻ thịt 1,63ha đất công viên

Theo Quyết định 1910/QĐ-UBND ngày1/7/2010, ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, Trưởng ban, Chủ tịch Hội đồng của Hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất, Ban chỉ đạo cấp “sổ đỏ” tỉnh, Ban chỉ đạo di dời các cơ sở sản xuất, tổ giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai…

Theo Quyết định phân công công việc của UBND tỉnh Bình Dương số 1322/QĐ-UBND ngày 9/6/2014, ông Nam làm nhiệm vụ Phó Chủ tịch Thường trực, theo dõi chỉ đạo các lĩnh vực TN&MT; xây dựng, quy hoạch, quản lý đô thị; quản lý công tác khối thu ngân sách…

Theo Quyết định phân công công việc của UBND Bình Dương số 95/TB-UBND ngày 8/6/2015, ông Nam khi này đã được bầu làm Chủ tịch tỉnh, vẫn chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, tài nguyên môi trường, công tác đấu giá đất, giá đất… theo dõi và chỉ đạo các đơn vị Sở TN&MT, Tài chính… Và hiện giờ, ông Nam là đương kiêm Bí thư tỉnh Bình Dương.

Thế nhưng, trong gần 6 năm qua vụ việc này vẫn chưa đưa ra ánh sáng, bà Phạm Thị Hường đã “thoát nạn” tài tình. Thậm chí, hàng trăm căn nhà hình thành từ việc “xẻ thịt” đất công viên, sau này cũng được “đàng hoàng” hợp thức hóa (Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh V, diện tích 1,33ha; Bình Dương giao đất cho Phú Hồng Thịnh và cho chuyển mục đích thành đất ở đô thị ngày 6/7/2017 theo Quyết định số 1784/QĐ-UBND).

Sau này, cả trong những đợt HĐND Bình Dương giám sát công tác quản lý đất đai, vụ việc điển hình sai phạm đất đai trên cũng không được nhắc đến. Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện tại các khu đất trên đều đã trở thành những khu nhà ở thương mại, xây các khu phố san sát nhà liền kề, nhà phân lô…

Bà Hường cùng chồng con tiếp tục điều hành, thành lập những công ty mới (Cty TNHH TMDV BĐS Phú Phong, Cty TNHH BĐS Phú Hồng Thịnh, Cty TNHH Quản lý Đầu tư & Phát triển Đô thị Việt Nam, Cty CP Phú Gia Khiêm Land… đăng ký trụ sở lần lượt tại số nhà 18A, 18B, 18C đường Nguyễn Văn Tiết, Khu phố Bình Hòa, phường Lái Thiêu, Tp.Thuận An), được tỉnh Bình Dương “ưu ái” giao hàng chục dự án nhà ở thương mại với tổng số đất trên nửa triệu mét vuông.

Một số cán bộ vi phạm sau này vẫn thăng tiến (như Trưởng phòng TN&MT Trần Đình Minh Phước được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch HĐND Thuận An); hoặc “hạ cánh an toàn” (như Phó Chủ tịch UBND thị xã Thuận An Đặng Văn Ba nghỉ hưu…)

Nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cần làm rõ sự việc có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng, có hệ thống này; làm rõ việc ai bao che, cản trở điều tra vụ xẻ 1,63ha công viên thành 310 căn nhà để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; tránh việc dư luận nghi ngờ có sự dung túng, lợi ích nhóm.

Ngày 26/6, nguồn tin từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu- Bộ Công an (C03) cho hay đang xác minh vụ việc có dấu hiệu sai phạm liên quan đến việc phân lô bán nền và việc thực hiện các dự án của các công ty tại tỉnh Bình Dương.

Theo đó, 4 công ty nằm trong danh sách điều tra của Bộ Công an bao gồm: Công ty TNHH bất động sản Phú Hồng Thịnh; Công ty TNHH Quản lý đầu tư phát triển đô thị Việt Nam; Công ty cổ phần Phú Gia Khiêm Land; Công ty TNHH thương mại dịch vụ Bất động sản Phú Phong.

Để phục vụ công tác xác minh điều tra, C03 Bộ Công an đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến kết luận kiểm tra số 250/KL-UBND ngày 13/11/2014 của UBND tỉnh về việc phân lô bán nền trên địa bàn thành phố Thuận An.

Công Linh (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Vụ xẻ thịt 1,63ha đất công viên: Vì sao nữ đại gia Phạm Thị Hường không bị khởi tố? tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Doanh nhân Phạm Thị Hường được giao 16 lô 'đất vàng' thần tốc trong 5 năm
Mỗi mét đất ở tại Bình Dương trở nên đắt đỏ, không ít doanh nghiệp tư nhân đã thu gom quỹ đất rẻ, tìm mọi cách được giao đất và chuyển đổi thành đất ở đô thị để phân lô bán nền. Nguy cơ Nhà nước thất thu hàng nghìn tỉ đồng từ những phi vụ “đi đêm” giao đất không qua đấu giá…