Phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam:

Vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa quản lý chặt chẽ yếu tố đầu vào

12/12/2023, 08:57

TCDN - Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, để phát triển ngành tôm hiệu quả, bền vững, cần có giải pháp căn cơ về đảm bảo an toàn thực phẩm, quản lý chặt chẽ yếu tố đầu vào, có phương án giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thăm mô hình nuôi tôm tại tỉnh Cà Mau.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thăm mô hình nuôi tôm tại tỉnh Cà Mau.

Đối mặt nhiều khó khăn

Theo Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến hết tháng 11 năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt 3,38 tỷ USD, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2022. Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành tôm Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn khiến kim ngạch xuất khẩu suy giảm ở nhiều thị trường. Ngoài thách thức nội tại khiến giá thành cao, giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế, thì yếu tố khách quan là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm năm 2023. Bên cạnh đó, giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới đã giảm dần từ đầu năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi nguồn cung toàn cầu ngày càng tăng; trong khi đó giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng dẫn đến sức ép cạnh tranh về giá cho tôm Việt Nam so với các đối thủ như: Ecuador, Ấn Độ, Indonesia.

Cà Mau là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm. Diện tích nuôi tôm của Cà Mau chiếm khoảng 45% diện tích nuôi tôm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước. Sản lượng tôm nuôi chiếm 29% sản lượng tôm ĐBSCL và chiếm 22% sản lượng tôm của cả nước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 1,07 triệu USD/năm, chiếm khoảng 30% giá kim ngạch xuất khẩu (ĐBSCL) tôm cả nước.

Ngành tôm được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm 89% trong tổng giá trị sản xuất, chiếm khoảng 49% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Cùng đó, ngành tôm chi phối đến đời sống của khoảng 600 nghìn người, trên 50% dân số của tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của hơn 350 nghìn lao động, trong đó tham gia trực tiếp hoạt động nuôi tôm khoảng 300 nghìn lao động.

Tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích nuôi tôm khoảng 278.363 ha; sản lượng tôm nuôi ước đạt 233 nghìn tấn. Trong đó, nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh là 6.610 ha (siêu thâm canh là 4.776 ha); nuôi tôm quảng canh cải tiến là 181.540 ha; nuôi tôm quảng canh kết hợp (gồm cả tôm - rừng và tôm - lúa) là  90.213 ha.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình sản xuất nuôi trồng thủy sản vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức, như quy hoạch phát triển ngành tôm còn nhiều bất cập; hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu; dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, chất lượng, giá cả giống, thức ăn, thuốc, các chế phẩm phục vụ cho nuôi trồng thủy sản không ổn định, cạnh tranh không lành mạnh, khó kiểm soát. Thêm vào đó, môi trường ngày càng suy thoái, ô nhiễm, dịch bệnh khó xử lý; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư còn nhiều bất cập; người dân, doanh nghiệp thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng; tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi chậm phát triển, thiếu bền vững; các dịch vụ logistics còn hạn chế, chi phí cao… Do đó sản phẩm khả năng cạnh tranh thấp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, thiếu bền vững.

Đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường

Từ những khó khăn trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đưa ra một số giải pháp trọng tâm như: “Áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trên thế giới vào chế biến, bảo quản sản phẩm để nâng cao giá trị, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu; tận dụng hiệu quả các phế phụ phẩm trong chế biến tôm để sản xuất các mặt hàng gia tăng, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết để tạo vùng nguyên liệu lớn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm tôm”.

 Ngoài ra, tỉnh Cà Mau đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và theo thứ tự ưu tiên để đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn; đa dạng hoá hình thức đầu tư và thu hút nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp vào phát triển ngành tôm của tỉnh. Đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao (tôm sinh thái, hữu cơ, có chứng nhận...); giảm giá thành sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm, hướng tới không sử dụng hóa chất, kháng sinh ở tất cả các phương thức nuôi và các khâu trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lê Văn Quang, “vua tôm” của Tập đoàn Minh Phú đề xuất, vấn đề đầu tiên là phải khơi thông nguồn vốn của ngân hàng, của tổ chức tài chính và của xã hội đầu tư cho nuôi tôm. Theo cách này, con đường tốt nhất là phải làm sao các công ty bảo hiểm và các công ty tái bảo hiểm chịu bán bảo hiểm nuôi tôm cho người nuôi tôm. Bởi khi có bảo hiểm nuôi tôm thì ngân hàng sẽ cho vay hoặc bảo lãnh thanh toán cho người nuôi. Tiếp đến, để công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm bán bảo hiểm nuôi tôm cho nông dân cần phải có quy trình nuôi/công nghệ nuôi tôm thành công với giá thành thấp nhất, giúp đạt lợi nhuận cao và bền vững,..

 Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, để phát triển ngành tôm hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng phó trước biến động của thị trường trong bối cảnh chính trị phức tạp, cần có các giải pháp căn cơ về đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường để nắm bắt cơ hội mới cho xuất khẩu tôm Việt Nam. Đặc biệt, trong khâu tổ chức sản xuất, cần quản lý chặt chẽ yếu tố đầu vào, có phương án giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh về giá.

Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Căn cứ Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 và Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030, đề nghị 8 tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (trong đó có Cà Mau) cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường; tăng cường tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo chuỗi liên kết, tổ chức hiệu quả sản xuất theo quy mô lớn tập trung gắn sản xuất với những tín hiệu của thị trường, liên kết tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi bằng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một chuỗi giá trị với doanh nghiệp…

Cục Thủy sản cần tổng hợp lại những ý kiến đóng góp, từ đó cùng người nuôi, nhà khoa học, các địa phương trong nước tìm giải pháp ứng dụng vào thực tế sản xuất. Thực tế đã chỉ ra, công tác phối hợp vẫn là khâu rất yếu, do đó thời gian tới, trong toàn ngành tôm cần phải đồng bộ khắc phục vấn đề này, vì mục tiêu chung đưa ngành tôm Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.

Mai Hà
Bạn đang đọc bài viết Vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa quản lý chặt chẽ yếu tố đầu vào tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Sản xuất kinh doanh thủy sản: Ưu tiên nguồn lực cải thiện hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm
Rà soát, sửa đổi chương trình quản lý chất lượng theo HACCP; thiết lập có hệ thống các biện pháp kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu sản xuất; Ưu tiên nguồn lực cải thiện hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm… là những yêu cầu đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.
Giữ vững chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm thuỷ sản sống xuất khẩu của Việt Nam
Sau khi có thông tin phản ánh về hoạt động bao gói, xuất khẩu cua sống sang Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu rà soát hoạt động thẩm định, chứng nhận và giám sát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở bao gói nhằm tiếp tục giữ vững uy tín của Việt Nam.
Gỡ vướng xuất khẩu tôm hùm bông: Yêu cầu an toàn thực phẩm không đổi, chứng minh quá trình nuôi trồng
Dù các yêu cầu về an toàn thực phẩm, thủ tục hải quan không thay đổi, tuy nhiên, việc xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc đang bị ách tắc. Để xác định nguyên nhân, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 10/11.
Nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, việc thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững phải gắn liền với phát triển nông nghiệp sinh thái; nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.