WB: Đánh thuế tài sản bất động sản, đất đai và môi trường để tăng thu ngân sách

18/05/2022, 15:16

TCDN - Ngân hàng Thế giới (WB) gợi ý Việt Nam có thể tăng thu ngân sách từ thuế bằng việc đánh thuế tài sản bất động sản và đất đai, cũng như các biện pháp khai thác giá trị đất đai khác, thuế carbon hoặc thuế môi trường thay vì tăng thuế TNCN.

Một trong sáu ưu tiên thúc đẩy Việt Nam phát triển theo khuyến cáo của WB trong Báo cáo là đẩy mạnh cơ sở hạ tầng bằng cách cải thiện chất lượng chi tiêu công và tăng cường các giải pháp của khu vực tư nhân.

Theo đó, tăng đầu tư công sẽ cần có thêm dư địa tài chính, và tăng cường huy động nguồn thu sẽ là trọng tâm như một giải pháp lâu dài cho những hạn chế về tài khóa. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có thể đạt được điều này mà không cần tăng thuế suất hoặc gánh nặng thuế đối với người nộp thuế cá nhân.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

WB nhấn mạnh, cần ưu tiên xem xét các biện pháp mở rộng cơ sở thuế, hợp lý hóa các ưu đãi và miễn thuế đối với thuế TNDN, hài hòa hóa thuế suất VAT, tái cân bằng thuế suất để có hiệu quả và công bằng, đồng thời mở rộng cơ sở thuế môi trường và áp dụng thuế carbon.

Báo cáo WB chỉ rõ, kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh rằng trọng tâm của chiến lược huy động nguồn thu trong tương lai nên là đánh thuế tài sản bất động sản và đất đai, cũng như các biện pháp khai thác giá trị đất đai khác (ví dụ từ nguồn gia tăng giá trị đất có được nhờ đầu tư của nhà nước vào hạ tầng cơ sở), vì chúng có thể trở thành nguồn tài chính quan trọng cho các dự án cơ sở hạ tầng ở cấp địa phương, đặc biệt là ở các khu vực thành thị.

Nhiều quốc gia đang sử dụng thuế carbon hoặc thuế môi trường để giải quyết các mục tiêu kép là vừa tăng nguồn thu ngân sách, vừa đạt được các mục tiêu về môi trường. Thuế carbon hoặc thuế môi trường có thể giúp đạt được các mục tiêu môi trường với chi phí tổng thể thấp nhất có thể cho xã hội bằng cách cung cấp các động lực giảm thiểu ô nhiễm nhiều nhất cho các doanh nghiệp có thể đạt được mức giảm thiểu đó với giá rẻ nhất.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ không chỉ cần chi tiêu nhiều hơn mà còn phải chi tiêu tốt hơn để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng của đất nước. Điều này đòi hỏi phải cải thiện hiệu quả chi tiêu công, bao gồm việc áp dụng rộng rãi hơn các phương pháp lập kế hoạch với chi phí thấp nhất, giảm sự phân tán trong phân bổ nguồn lực, và các thủ tục mua sắm công cạnh tranh/minh bạch. Cải thiện hiệu quả chi thường xuyên, bao gồm cả phân bổ cho vận hành và bảo trì, có thể giúp tăng dư địa cho chi đầu tư.

Quản lý đầu tư công đòi hỏi phải có những cải tiến ở cả cấp trung ương và địa phương, vì các chính quyền địa phương ngày nay chịu trách nhiệm thực hiện gần 70% chương trình đầu tư công.

Theo WB, nhiều tỉnh có năng lực kỹ thuật yếu kém, điều này càng trở nên trầm trọng hơn do những hạn chế của khuôn khổ phân cấp hiện tại không khuyến khích hợp tác vùng. Việc không có các cơ chế phối hợp hành động giữa các tỉnh ngăn cản sự xuất hiện của lợi thế quy mô trong thiết kế và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng và tạo ra sai lệch trong việc phân bổ nguồn lực. Sự phối hợp theo chiều ngang ở cả cấp Trung ương và địa phương để đảm bảo kế hoạch ngân sách hàng năm phù hợp với kế hoạch đầu tư trung hạn và chi thường xuyên (cho vận hành và bảo trì) với chi đầu tư, sẽ rất quan trọng để nâng cao hiệu quả tài chính.

WB cũng khuyến cáo nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Do những thách thức về hiệu quả hoạt động của các DNNN và tác động ngày càng tăng của chúng đối với chi phí tài khóa toàn cầu, và những rủi ro mà khu vực công phải đối mặt nói chung, WB cho rằng cần tăng cường khuôn khổ quản trị công ty cho các DNNN để đảm bảo chủ động hơn trong các chức năng sở hữu nhà nước và giám sát nhằm giảm thiểu những rủi ro này.

Hệ thống giám sát hiệu quả hoạt động của DNNN sẽ cần bao gồm cả thông tin phi tài chính và thông tin tài chính (bao gồm cả về các khoản nợ và rủi ro tài chính). Chất lượng và tần suất thông tin tài chính của tất cả các DNNN cần được cải thiện, bao gồm cả thông qua việc áp dụng các Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Chương trình tư nhân hóa/cổ phần hóa đòi hỏi phải nỗ lực hơn để thúc đẩy quy trình minh bạch hơn nữa như việc Chính phủ có thể niêm yết các DNNN mà nhà nước vẫn sở hữu một số cổ phần.

Ngoài ra, WB cho rằng, cần tăng cường sử dụng các giải pháp gắn với khu vực tư nhân và các công cụ thị trường. Với việc thông qua luật PPP gần đây, Chính phủ nên thể hiện quan hệ đối tác mới với khu vực tư nhân, không chỉ để lấp đầy khoảng cách tài chính dự kiến mà còn tạo ra một thị trường PPP lành mạnh và nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, theo WB điều này sẽ đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng các cơ hội hợp tác, vì vai trò của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực (hoặc dự án) có thể khác nhau đáng kể, tùy thuộc vào mức độ rủi ro và các điều kiện thị trường khác. Do đó, hỗ trợ của Chính phủ thông qua đóng góp bằng tiền mặt, chia sẻ rủi ro hoặc đất đai nên được điều chỉnh phù hợp với các điều kiện này, làm cho các dự án PPP cuối cùng có thể đứng vững được (về mặt tài chính và pháp lý)..

T. Phương
Bạn đang đọc bài viết WB: Đánh thuế tài sản bất động sản, đất đai và môi trường để tăng thu ngân sách tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Lấy ý kiến xây dựng luật thuế tài sản, đánh thuế nhà
Bộ Tài chính đề nghị bộ, ngành, địa phương cho ý kiến về các nội dung như có đề xuất có gộp Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hay không, bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản.