Xoá bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026

06/05/2025, 08:08
báo nói -

TCDN - Tại Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân yêu cầu đẩy mạnh số hoá, dễ thực hiện đối với chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm... để khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp. Xoá bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026.

Nghị quyết 68 chỉ rõ, sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xoá đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội.

Vì vậy, Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ, giải pháp là hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Theo đó, rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh cá thể; thu hẹp tối đa sự chênh lệch, tạo mọi điều kiện thuận lợi về tổ chức quản trị và chế độ tài chính, kế toán để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Đẩy mạnh số hoá, minh bạch hoá, đơn giản hoá, dễ tuân thủ, dễ thực hiện đối với chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm... để khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Xoá bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung, dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, thúc đẩy khả năng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, ưu tiên chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh là thanh niên, phụ nữ, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và các mô hình kinh doanh bao trùm, tạo tác động xã hội.

Liên quan đến quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, Phó cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn cho hay, từ sau đổi mới năm 1986, các hình thức kinh doanh “hộ cá thể, hộ tiểu công nghiệp và xí nghiệp tư doanh” đã xuất hiện và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Đến năm 2006, chúng ta thống nhất gọi chung là “hộ kinh doanh” và là thành phần kinh tế không thể thiếu trong bức tranh phát triển của đất nước.

Theo số liệu từ Cục Thống kê, khu vực kinh tế hộ gia đình và cá nhân đóng góp gần 30% GDP hàng năm, tạo việc làm cho khoảng 10 triệu lao động, chiếm khoảng 20% lực lượng lao động cả nước. Tính đến cuối năm 2024, cả nước có 3,6 triệu hộ kinh doanh đang được quản lý thuế, đóng góp 25.953 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Giai đoạn 2010-2015, Luật Quản lý thuế năm 2006 (sửa đổi năm 2012) ban hành quy định áp dụng cơ chế khoán thuế đơn giản cho hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, Luật Thuế TNCN năm 2009 quy định hộ kinh doanh nộp thuế TNCN thay cho thuế TNDN và bắt đầu triển khai kê khai thuế điện tử tại các thành phố lớn. Giai đoạn 2016-2020, Luật Thuế GTGT, Thuế TNDN đã sửa đổi với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đó giảm đáng kể về lệ phí môn bài cho hộ kinh doanh (Nghị định 139/2016/NĐ-CP) đồng thời thí điểm triển khai HĐĐT (Nghị định 119/2018/NĐ-CP).

Hồi cuối tháng 3, Cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến cơ quan thuế toàn quốc về công tác quản lý thuế để tìm giải pháp quản lý hiệu quả đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, nhiều ý kiến cho rằng, việc trong một thời gian dài, chính sách thuế áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thường được áp dụng theo hình thức “thuế khoán” đã đạt được yêu cầu mục đích rất nhân văn của Nhà nước, đó là khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ phát triển để làm giàu cho chính mình và hỗ trợ một bộ phận lao động tự do có công ăn việc làm ổn định, hạn chế được vấn nạn thất nghiệp trong một bộ phận người dân.

Tuy nhiên hiện nay, trong bối cảnh kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhất là hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử đã và đang có những bước tiến và sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng chứng minh tầm ảnh hưởng và sức mạnh vượt trội hơn so với hoạt động sản xuất, kinh doanh truyền thống. Đặc biệt, sự phát triển “vũ bão” của các loại hình kinh doanh thương mại, dịch vụ và kinh doanh trên nền tảng số lại được thực hiện bởi những hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh - những đối tượng mà trước đây được coi là “đối tượng yếu thế” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Điều này đã đặt ra cho cơ quan quản lý, trong đó có cơ quan thuế những thách thức không hề nhỏ bởi sự đa dạng và số đông của đối tượng tham gia.

“Những khó khăn của thực tiễn quản lý nhưng cũng là cơ hội lớn để ngành Thuế tập trung nghiên cứu, đề ra những giải pháp quản lý thuế phù hợp với điều kiện phát triển chung của đất nước, nhất là những chính sách phải tạo ra được cơ chế giám sát và môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế, không để sự chênh lệch về chính sách thuế của một bộ phận người nộp thuế là hộ, cá nhân kinh doanh sẽ tạo ra sự không bình đẳng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp”, ông Mai Sơn nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành, hiện nay, Cục Thuế đã hoàn thành Đề án quản lý thuế đối với hộ kinh doanh và đang quyết liệt triển khai trong toàn Ngành, khuyến khích 60% hộ chuyển sang tự kê khai để chịu trách nhiệm “không để họ núp vào thuế khoán”. Ông Thành cũng cho rằng, trong quá trình sửa đổi Luật Quản lý thuế, sẽ nghiên cứu, đề xuất việc loại bỏ chế độ thuế khoán, tránh gặp khó khăn phát sinh trong thi hành pháp luật.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Xoá bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026 tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Không để hộ kinh doanh núp vào thuế khoán
Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, Cục Thuế đã hoàn thành Đề án quản lý thuế đối với hộ kinh doanh và đang quyết liệt triển khai trong toàn ngành, khuyến khích 60% hộ chuyển sang tự kê khai để chịu trách nhiệm “không để họ núp vào thuế khoán”.

x