Xử lý 71.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, thuế và hàng giả
TCDN - Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm các lực lượng chức năng đã xử lý tổng số 71.210 vụ việc vi phạm, trong đó bao gồm 17.165 vụ buôn lậu, 52.561 vụ việc gian lận thương mại, thuế, 1.483 vụ việc Hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Báo cáo về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại 6 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, Bộ Tài chính cho hay, từ 16/12/2021-15/6/2022 lực lượng kiểm soát Hải quan toàn ngành đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 7.534 vụ việc vi phạm pháp luật; Trị giá hàng hóa ước tính 3.771 tỷ. Cơ quan Hải quan khởi tố 24 vụ án hình sự, chuyển Cơ quan khác kiến nghị khởi tố 55 vụ; Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 209 tỷ đồng.
Công tác phòng chống ma túy: 151 vụ/147 đối tượng. Tang vật thu được 100,84 kg Heroin; 72,83 kg cần sa; 41,618 kg thuốc phiện; 374 kg và 46.483 viên MTTH các loại; 280 viên chất hướng thần; gần 11 kg tiền chất; 500 tem giấy có tẩm LSD; 4,621 kg cỏ Mỹ.
Kết quả Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cả nước đã xử lý tổng số 71.210 vụ việc vi phạm, số đối tượng vi phạm 60.093 người, trong đó bao gồm 17.165 vụ buôn lậu, 52.561 vụ việc gian lận thương mại, thuế, 1.483 vụ việc hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan đã tiếp nhận 72 yêu cầu, trong số đó đã trả lời 57 yêu cầu hỗ trợ xác minh từ Hải quan các nước và một số tổ chức thực thi pháp luật quốc tế. Các yêu cầu xác minh chủ yếu liên quan đến các quốc gia Campuchia, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Lào, Nhật Bản, Mỹ,... Gửi 44 yêu cầu xác minh đến Hải quan các nước (đã nhận được 26 kết quả trả lời) theo yêu cầu của các đơn vị trong và ngoài ngành (từ các đơn vị thuộc Cục, Tổng cục và Hải quan địa phương, các cơ quan ngoài ngành khác như Thuế, Công an, Tổng cục chính trị - Bộ Quốc phòng...).
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính trong hoạt động tổ chức điều tra hình sự thì việc thu giữ, bảo quản, sử dụng vật chứng để phục vụ công tác điều tra là hết sức quan trọng, nhưng cơ quan Hải quan không được pháp luật cho phép xây dựng kho tạm giữ vật chứng (theo quy định tại Nghị định 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ ban hành quy chế quản lý kho vật chứng được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 2/7/2013, chỉ các cơ quan Công an, Quân đội và thi hành án được tổ chức kho vật chứng phục vụ công điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự).
Do vậy, khi thu giữ vật chứng, cơ quan Hải quan phải gửi ở cơ quan Công an nên ảnh hưởng nhất định đến tiến độ, hiệu quả điều tra vụ án.
Để tăng cường phát hiện, xử lý kịp thời các tội phạm xảy ra trong lĩnh vực hải quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời gian tới, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền cho cơ quan hải quan khởi tố, điều tra các tội phạm: Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Tội trốn thuế; Tội buôn bán hàng giả; Tội vận chuyển, buôn bán trái phép các chất ma túy qua biên giới, Tội đưa trái phép chất thải vào Việt Nam.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899