Xử lý gần 11 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại tại miền Trung trong 6 tháng
TCDN - 6 tháng đầu năm 2023, các địa phương từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 10.850 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022.
Chiều 22/6, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389) đã tổ chức Hội nghị giao ban với một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2023 tại thành phố Huế.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các địa phương từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 10.850 vụ vi phạm, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022; xử lý vi phạm hành chính gần 10.000 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 362 tỷ đồng; Khởi tố vụ án hình sự 941 vụ với 1.139 đối tượng.
Theo báo cáo sơ bộ cho biết 6 tháng đầu năm nay, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn 9 tỉnh miền Trung không phát sinh điểm nóng, vụ việc phức tạp. Tuy nhiên, ở từng thời điểm, trên một số tuyến, địa bàn trọng điểm, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra phức tạp. Đáng lo ngại là các hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm heroin, ma túy tổng hợp, ma túy tổng hợp dạng đá, thuốc phiện, pháo nổ, vật liệu nổ, thuốc lá điếu ngoại, động vật hoang dã, buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa như khoáng sản, xăng dầu qua tuyến biên giới đất liền và tuyến biên giới biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có chiều hướng gia tăng.
Tại địa bàn nội địa, hoạt động kinh doanh, vận chuyển các loại hàng hóa nhập lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và vấn nạn lợi dụng môi trường thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng trực tuyến, các trang mạng xã hội để buôn bán hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ... tuy không phức tạp nhưng thường xuyên diễn ra và có xu hướng ngày càng gia tăng ở khu vực nông thôn các địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm, Ban chỉ đạo 389 các địa phương từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi chủ động phối hợp với các bộ ngành, cơ quan trung ương triển khai nhiều giải pháp quản lý, ổn định thị trường, an sinh xã hội. Các ngành, lực lượng, địa phương, đơn vị quản lý địa bàn tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các thông tin đường dây nóng, báo chí phản ánh về tình hình buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả.
Tuy nhiên công tác đấu tranh xử lý các vụ việc vi phạm liên quan đến đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn chậm, nhiều vụ việc không tìm ra đối tượng chính. Một số đơn vị chưa chủ động nắm tình hình, tổ chức đấu tranh ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả xảy ra trên địa bàn. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa một số địa phương, đơn vị chưa đồng bộ, chưa nhịp nhàng và chưa thực sự đi vào nề nếp, chưa hiệu quả, còn hạn chế.
Trước thực trạng một số vướng mắc cũng như tồn tại trong công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý liên quan đến chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia, Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia đề nghị, bên cạnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và BCĐ 389 quốc gia, các địa phương cần chấp hành nghiêm chế độ báo cáo; tiếp tục rà soát, tổng hợp kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ, thống nhất; tiếp nhận tin báo qua đường dây nóng bằng các hình thức 24/24 giờ; quán triệt quan điểm không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên toàn khu vực.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899