Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục gần 4,8 tỷ USD

01/01/2024, 15:30

TCDN - Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 8,34 triệu tấn gạo thu về gần 4,8 tỷ USD - đánh dấu một cột mốc mới trong xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2023, sản lượng lúa cả nước đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022. Giá trị xuất khẩu gạo đã đạt kỷ lục với 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022.

Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục gần 4,8 tỷ USD.(Ảnh minh họa)

Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục gần 4,8 tỷ USD.(Ảnh minh họa)

Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam chỉ tính riêng trong 2 tháng gần đây, liên tục lập đỉnh và cao nhất là mốc 663 USD/tấn vào đầu tháng 12, là mức giá rất cao trong nhiều năm trở lại đây.

Thị trường gạo toàn cầu năm 2023 gặp nhiều biến động, nguồn cung hạn chế do thời tiết và chính sách hạn chế xuất khẩu của nhiều quốc gia. Giá gạo đã liên tục phi mã trong một số thời điểm từ nửa cuối tháng 7 và kéo dài cho tới thời điểm này.

Theo các chuyên gia dự báo, giá gạo thế giới vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao vào năm 2024.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2024, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời, mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm tới. Lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn.

Trong khi đó, Ấn Độ, nhà xuất khẩu 40% tổng lượng gạo thế giới, có thể sẽ duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trong năm 2024. Do đó, nhiều khả năng, giá gạo toàn cầu sẽ vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục kể từ sau cuộc khủng hoảng gạo năm 2008. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao 640 - 650 USD/tấn trong những tháng đầu năm.

Việt Nam đã khẳng định được vị thế là quốc gia xuất khẩu gạo lớn, nằm trong Top 3 cùng với Ấn Độ và Thái Lan. Nguồn cung gạo từ Việt Nam trong năm qua đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực tại nhiều thị trường.

Hiện, thị trường số 1 của gạo Việt Nam là Philippines, chiếm khoảng 35% thị phần gạo xuất khẩu. Trong 11 tháng năm 2023, lượng gạo xuất sang quốc gia này đạt 2,63 triệu tấn, tương ứng 1,41 tỷ USD. Tiếp đến là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.

Hiện một số nước, trong đó, có bạn hàng lớn của Việt Nam là Indonesia sẽ tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam trong năm tới, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và đảm bảo dự trữ khoảng 600.000 tấn trong năm 2024.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay giá gạo đang khá thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhưng để tránh rui ro từ thị trường Ấn Độ, doanh nghiệp sẽ phải chủ động năm bắt thông tin, chuẩn bị kịch bản sản xuất kinh doanh, dự trữ và ký kết các đơn hàng xuất khẩu mới khi giá gạo có biến động.

PV
Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục gần 4,8 tỷ USD tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Giá dịch vụ y tế, học phí, giá gạo khiến CPI tăng 0,25%
Theo Tổng cục Thống kê, một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, tăng học phí và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023 tăng 0,25% so với tháng trước.
Giá lúa gạo chủ yếu đi ngang
Giá lúa gạo hôm nay (19/11) tại thị trường trong nước duy trì ổn định. Trong tuần qua, giao dịch gạo nội địa nhiều, giá tăng nhẹ từ 50 – 100 đồng/kg.