Xuất khẩu hải sản Việt Nam sang EU giảm 6,5%

26/09/2019, 20:53

TCDN - Theo VASEP, sau 02 năm triển khai chương trình Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU, xuất khẩu hải sản khai thác của Việt Nam sang EU đã bị ảnh hưởng rõ rệt, giảm 6,5% còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục chững lại trong 8 tháng đầu năm năm 2019 với 251 triệu USD.

photo1518795007176-15187950071771600876520

Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, sau thẻ vàng IUU, EU đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng của thị trường này sụt giảm từ 18% xuống còn 13%.

Qua 2 năm kiên định với mục tiêu tháo gỡ thẻ vàng và sự phát triển bền vững của ngành khai thác và chế biến XK hải sản Việt Nam, các doanh nghiệp hải sản Việt Nam đã rất tích cực với các hoạt động của chương trình như đồng loạt treo biển Cam kết chống khai thác IUU, thực hiện nghiêm túc cam kết chống khai thác IUU.

Các doanh nghiệp chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp, tuân thủ các quy định của Mỹ, EU và Việt Nam chống khai thác IUU, tham gia các chương trình hội thảo, tập huấn, tuyên truyền và truyền thông về chống khai thác IUU.

Tuy nhiên, hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin cấp giấy chứng nhận, chi phí sản phẩm đội lên và thời gian xuất khẩu bị kéo dài. Đại diện Công ty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa) cho biết, do tác động của thẻ vàng IUU, xuất khẩu của công ty đã sụt giảm. Song điều đáng lo hơn là từ khi EC áp dụng thẻ vàng thì thời gian cấp giấy chứng nhận hải sản khai thác hợp pháp đã bị kéo dài hơn dẫn tới các khoản chi phí khác phát sinh. “Tôi cho rằng trong hoạt động sắp tới Ban điều hành IUU cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để ngư dân, làng chài hiểu được những tác động từ IUU và tuân thủ tốt hơn”, vị này đề xuất. Mấu chốt phải làm sao tuyên truyền, đẩy mạnh tới các bến cảng, làng chài, ngư dân…

Bà Cao Thị Kim Lan - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định - cho hay, trong cơ cấu xuất khẩu của công ty thì thị trường EU chiếm tỷ trọng 60% nên khi có IUU việc duy trì sản xuất cho 2 nhà máy với gần 1.000 lao động của công ty rất khó khăn. Nếu như trước đây xuất khẩu qua EU đạt khoảng 40 triệu USD thì nay giảm chỉ còn 30 triệu USD và buộc doanh nghiệp phải đa dạng hóa mặt hàng, chuyển hướng qua các thị trường khác như Mỹ. “Trước đây mọi thủ tục kiểm tra tự động, nay có IUU tần suất kiểm tra tăng 80%, có lô hàng kéo dài tới 20 ngày khiến nhiều chi phí khác phát sinh, gây thiệt hại cho doanh nghiệp”, bà Lan cho biết.

Được biết, để tiếp tục triển khai các hành động khắc phục thẻ vàng của EC, theo kế hoạch dự kiến đến tháng 11/2019, DG-MARE sẽ sang Việt Nam để đánh giá lại những khắc phục của Việt Nam về vấn đề thẻ vàng. Căn cứ theo đó, VASEP đề nghị Cục Thú y xem xét sửa đổi một số nội dung còn bất cập tại Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNTvề kiểm dịch thủy sản. Đề nghị Tổng cục Thủy sản xem xét, tiếp thu các góp ý của VASEP và cộng đồng doanh nghiệp về danh sách cảng biển chỉ định cho nhập khẩu nguyên liệu thủy hải sản để sản xuất xuất khẩu, sớm trình Bộ Nông nghiệp phê duyệt…

Song Hà
Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu hải sản Việt Nam sang EU giảm 6,5% tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận