Ấn Độ đặt mục tiêu thu hút 100 tỷ USD vốn FDI mỗi năm
TCDN - Ấn Độ đặt mục tiêu thu hút ít nhất 100 tỷ USD vốn FDI mỗi năm khi quốc gia Nam Á này nhắm vào các nhà đầu tư muốn đa dạng chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc.
"Mục tiêu của chúng tôi là đạt trung bình ít nhất 100 tỷ USD trong 5 năm tới. Xu hướng này rất tích cực và đi lên", ông Rajesh Kumar Singh, Giám đốc Cơ quan Xúc tiến Công nghiệp và Thương mại Nội địa, Bộ Công thương Ấn Độ, trả lời Bloomberg trong cuộc phỏng vấn ở New Delhi.
Mục tiêu đầy tham vọng này cao hơn mức trung bình hàng năm là hơn 70 tỷ USD vốn FDI trong 5 năm qua, tính đến tháng 3/2023 và sẽ là một sự đảo ngược xu hướng sau sự suy giảm của năm ngoái. Ông Singh cho biết con số của năm tài chính hiện tại sẽ "gần hơn" với mục tiêu thu hút vốn FDI 100 tỷ USD.
Ấn Độ là nền kinh tế lớn đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới, quốc gia này đang thu hút các doanh nghiệp muốn phòng ngừa rủi ro căng thẳng địa chính trị bằng cách mở rộng hoạt động của họ ra bên ngoài Trung Quốc, hay còn gọi là chiến lược "Trung Quốc+1". Các "ông lớn" công nghệ như Apple và Samsung Electronics đã đẩy mạnh sản xuất ở Ấn Độ, tận dụng các ưu đãi do chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đưa ra.
Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế tạo Ấn Độ. Ông Singh cho rằng nguyên nhân là do lạm phát và lãi suất cao hơn ở các quốc gia phát triển, cũng như xung đột địa chính trị và nhận thức rủi ro về các thị trường mới nổi.
"Ấn Độ có cơ hội tăng trưởng thị trường chưa từng có trong nhiều lĩnh vực như xe điện, hàng điện tử hoặc hàng tiêu dùng nói chung, nơi mức độ thâm nhập thị trường của chúng tôi thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu", ông Singh cho biết.
Đại diện Cơ quan Xúc tiến Công nghiệp và Thương mại Nội địa Ấn Độ cho biết chính phủ nước này sẽ thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa để nới lỏng các quy định về FDI.
Tăng cường tỷ trọng ngành công nghiệp chế tạo trong nền kinh tế Ấn Độ là một trong những cam kết chính được Thủ tướng Modi đưa ra, người đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc bầu cử bắt đầu vào ngày 19/4.
Theo ông Singh, chương trình khuyến khích liên kết sản xuất của chính phủ Ấn Độ đã giúp thúc đẩy sản xuất chế tạo và giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào các mặt hàng nhập khẩu như viễn thông và linh kiện ô tô. Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu của Ấn Độ đã được thúc đẩy bởi các ngành công nghiệp mới. "Chúng tôi có ít nhất 39 thiết bị y tế mới được sản xuất ở Ấn Độ - những mặt hàng này trước kia chưa từng được sản xuất", đại diện Cơ quan Xúc tiến Công nghiệp và Thương mại Nội địa nói thêm.
Ông Singh cũng hé lộ rằng chính quyền Ấn Độ đã lên kế hoạch cho một số hành lang công nghiệp mới có thể sẽ được phê duyệt trong vòng 100 ngày đầu tiên của chính phủ nhiệm kỳ mới. Ông thừa nhận rằng kế hoạch khuyến khích liên kết sản xuất đã bị chậm tiến độ ở ngành thép và dệt may, đồng thời đề cấp đến kế hoạch mở rộng danh sách các mặt hàng được áp dụng.
Mặt khác, chính quyền Ấn Độ cũng đang nỗ lực giải quyết sự chậm trễ trong việc cấp thị thực cho các nhà cung cấp và chuyên gia Trung Quốc, một vấn đề được các doanh nghiệp khuyến nghị để họ lắp đặt các máy móc thiết bị.
"Cần cấp thị thực ngắn hạn cho các kỹ thuật viên Trung Quốc vì chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy hoạt động sản xuất chế tạo của riêng mình", ông Singh nói thêm.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899