Năm 2024: Ưu tiên dự án FDI hàm lượng công nghệ cao

25/03/2024, 22:48
báo nói -

TCDN - Ngay từ đầu năm 2024, hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam đã diễn ra sôi động với những dự án trăm triệu USD. Đây cũng sẽ là năm có nhiều ưu tiên được đưa ra cho các dự án FDI có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao.

9-1

Không chỉ tăng về giá trị vốn thu hút

Năm 2023, thu hút vốn FDI của Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, tiến sát mức trước đại dịch Covid-19. Bước sang năm 2024 là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm giai đoạn 2021-2025, ngay từ đầu năm, hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam đã rất sôi động với những dự án trăm triệu USD. Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, ngay trong tháng 1/2024, Việt Nam đã thu hút FDI đạt hơn 2,3 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023; vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Không chỉ tăng về giá trị vốn thu hút, nhiều tổ chức quốc tế còn đánh giá Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng thu hút FDI trong các lĩnh vực đầu tư mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp công nghệ cao… Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC còn nhận định, Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ (cùng với Singapore, Malaysia). Xu hướng này mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam khi chu kỳ kinh tế thay đổi.

Ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Marketing Khu công nghiệp DEEP C khẳng định, Việt Nam có những yếu tố rất hấp dẫn đầu tư như có vị trí chiến lược, có lực lượng lao động trẻ được đào tạo tốt, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện.

“Với nhiều hiệp định thương mại mới đã ký kết rất phù hợp và có lợi cho các doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, Việt Nam là một thị trường mới nổi, hiện tại là trung tâm thu hút sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới. Tôi tin rằng quá trình đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam sẽ còn nhiều hơn trong thời gian tới”, ông Koen Soenens tin tưởng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, có những lĩnh vực doanh nghiệp châu Âu tự tin về công nghệ, tài chính để triển khai tại Việt Nam, mang lợi nhuận và sức bật cho Việt Nam như năng lượng, năng lượng tái tạo hay đầu tư cơ sở hạ tầng.

Theo kết quả khảo sát chỉ số niềm tin kinh doanh được tổ chức này thực hiện gần đây nhất, các doanh nghiệp châu Âu không chỉ bình chọn Việt Nam thuộc top 10 điểm đến đầu tư hàng đầu thế giới, mà gần 20% lãnh đạo các doanh nghiệp được khảo sát xếp Việt Nam ở vị trí ưu tiên số 1.

Đánh giá từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor,... Nvidia (Hoa Kỳ) cam kết đưa Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của Tập đoàn; Hana Micron (Hàn Quốc) khánh thành giai đoạn 2 và nâng tổng mức đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD; LG Innotech (Hải Phòng) đã đầu tư mở rộng dự án thêm 1 tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện tử.

Bên cạnh đó, theo nhiều nhà đầu tư quốc tế, muốn thu hút đầu tư ngày càng tích cực, Việt Nam phải có các điều kiện cần và điều kiện đủ. Điều kiện cần chính là những lợi thế - phản ánh vị thế hiện có của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư như quan điểm vừa rồi, còn điều kiện đủ là nhiều yếu tố khác như môi trường đầu tư, quan điểm chỉ đạo điều hành, giấy tờ, thủ tục pháp lý… để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển và đóng góp tăng trưởng.

“Vấn đề lớn nhất vẫn là thủ tục hành chính - gánh nặng cấp phép. Việt Nam hiện nay đang làm tốt trong giải ngân đầu tư công và những công trình về cơ sở hạ tầng đang được triển khai rất quyết liệt nhưng việc tận dụng nguồn vốn tư nhân mà đặc biệt là nguồn vốn PPP còn nhiều hạn chế, nhà đầu tư nước ngoài rất khó để có thể tham gia”, Phó Chủ tịch Eurocham chia sẻ.

Chia sẻ với những khó khăn này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, khó khăn đối với doanh nghiệp FDI xuất phát từ nhiều khía cạnh, có phần liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ trong việc tạo cơ chế chính sách, tạo môi trường khuyến khích, phát triển.

“Chúng ta đã có chiến lược tăng trưởng xanh, có kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu nhưng điều đó là chưa đủ. Chính phủ sẽ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, đảm bảo rằng khung khổ pháp lý thực sự thuận lợi, có tính khuyến khích. Trong đó, cần tìm ra cơ chế chính sách ưu đãi thiết thực, đúng và trúng để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao, công nghiệp sạch

Được biết, Chiến lược thu hút vốn FDI của Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng thu hút có chọn lọc nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tăng tính lan tỏa giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước. Hạn chế các tác động tiêu cực tới môi trường, giảm việc sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên và năng lượng, thâm dụng lao động và ít tạo ra giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ thấp…

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất - công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, thành phố sẽ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sạch, các dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường... Các dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư thấp, công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động... sẽ bị hạn chế.

Tương tự, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng vừa ban hành quyết định về phê duyệt Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2024, trong đó tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án sử dụng tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Còn trên cả nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường; ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, cụ thể là điện, điện tử, bán dẫn; năng lượng tái tạo; nông nghiệp hiệu quả cao; kinh tế số, chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; và trung tâm tài chính…

Tuy nhiên, bên cạnh những điều đáng mừng thì cũng nhiều thách thức rất đáng lo. Một chuyên gia lý giải, lực lượng lao động công nghệ trình độ cao chưa nhiều, chưa đáp ứng được ngay nhu cầu trước mắt của các tập đoàn lớn; các nhà đầu tư vào công nghệ cao mới dừng lại ở khâu đóng gói, lắp ráp, chế tạo đơn thuần; thuế tối thiểu toàn cầu đã bắt đầu lộ trình thực hiện tại Việt Nam trong năm nay, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì tất cả các doanh nghiệp đa quốc gia đều chịu thuế suất tối thiểu 15%...

Khi rót vốn vào công nghệ cao, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh còn cho rằng, các nhà đầu tư rất quan tâm đến cơ sở hạ tầng như điện, nước, đường truyền... Nếu các hệ thống này không ổn định thì họ không thể nghiên cứu ứng dụng và sản xuất trơn tru được. Do đó, vị chuyên gia này nhấn mạnh, Việt Nam cần tránh xảy ra tình trạng thường xuyên bị mất điện như năm 2023 và phải quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện xử lý chất thải, khí thải đáp ứng các yêu cầu xanh hoá nền kinh tế, sản xuất, giúp sản phẩm của các tập đoàn đáp ứng được yêu cầu về giảm phát thải theo xu hướng chung.

Riêng về thuế tối thiểu toàn cầu, một chuyên gia cho rằng, đây là thách thức về mặt lợi thế cạnh tranh nhưng lại là cơ hội để Việt Nam nâng cấp chiến lược thu hút FDI. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, để thích nghi với quy định mới, Việt Nam sẽ phải cải thiện được môi trường đầu tư tốt hơn, nhân lực chất lượng cao để thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến. Quan trọng là nâng tầm doanh nghiệp Việt để bắt tay với các doanh nghiệp nước ngoài, tham gia vào chuỗi giá trị để gia tăng lợi nhuận. Trình độ nhân lực, công nghệ trong nước cũng nhờ thế sẽ tăng lên.

Phương Trang

Tạp chí in số tháng 3/2024
Bạn đang đọc bài viết Năm 2024: Ưu tiên dự án FDI hàm lượng công nghệ cao tại chuyên mục Báo In của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899