Áp giá sàn vé máy bay: Tước đi cơ hội hưởng giá rẻ của người tiêu dùng

22/09/2021, 19:38

TCDN - Trước đề xuất áp dụng mức giá sàn tối thiểu 340.000 đồng/chiều đối với đường bay dưới 500km của Cục Hàng không Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng điều này vi phạm Luật Cạnh tranh và tước đi cơ hội hưởng giá vé rẻ cho khách hàng.

Mức giá tối thiểu 340.000/chiều chặng bay dưới 500km

Theo dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa trình Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022.

Cụ thể, với các đường bay dưới 500km, mức giá tối thiểu áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội là 320.000 đồng/vé/chiều, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều; nhóm đường bay khác dưới 500km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.

Với các đường bay từ 500-850km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng; đường bay từ 850km-dưới 1.000km, mức giá tương ứng là 560.000 đồng và 2,79 triệu đồng; đường bay từ 1.280km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.

Nếu đề xuất này nếu được áp dụng, thị trường hàng không trong nước trong 1 năm tới sẽ không còn mức giá vé 0 đồng hoặc vài chục ngàn đồng/vé/chiều như thời gian qua.

Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến sản lượng vận chuyển hàng không sụt giảm mạnh (không khai thác toàn bộ các chuyến bay quốc tế, các chuyến nội địa cũng bị cắt giảm hoặc lượng khách giảm đáng kể).

Đề xuất áp giá sàn vé máy bay đang gặp nhiều ý kiến phản đối.

Đề xuất áp giá sàn vé máy bay đang gặp nhiều ý kiến phản đối.

Trong khi đó, các hãng hàng không vẫn phải duy trì đội tàu bay với số lượng tương đương, thậm chí lớn hơn số lượng tàu bay năm 2019 dẫn đến chi phí cố định vẫn phát sinh hoặc giảm không tương đồng với sản lượng như chi phí tàu bay bao gồm: chi phí thuê tàu bay, chi phí sửa chữa bảo dưỡng, chi phí khấu hao. Doanh thu sụt giảm mạnh, trong khi chi phí giảm dẫn đến các hãng hàng không bị đứt gẫy dòng tiền thanh toán.

Do đó, việc điều tiết mặt bằng giá nhằm hỗ trợ góp phần giảm bớt khó khăn cho các hãng hàng không, đặc biệt giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Vietnam Airlines, giảm thiểu thiệt hại cho nhà nước (cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối trên 86% vốn điều lệ của Vietnam Airlines).

Cục Hàng không cho rằng, đề xuất này được đưa ra trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế của các nước đã hoặc đang thực hiện quy định mức giá tối thiểu đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa. Điều này nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước.

Bất bình đẳng trong kinh doanh

Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam cũng thừa nhận đề xuất đó có những tồn tại, hạn chế như gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các hãng hàng không, hạn chế tính cạnh tranh trong thị trường kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa do với cùng một mức giá tối thiểu, người tiêu dùng sẽ có xu hướng lựa chọn hãng hàng không có điều kiện dịch vụ tối ưu hơn; làm hạn chế khả năng tiếp cận của một bộ phận người tiêu dùng khi đi máy bay; gây cản trở cho nỗ lực kích cầu của các hãng hàng không.

Vì vậy đề xuất này chỉ thực hiện trong thời gian ngắn, sau đó quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa theo cơ chế do thị trường tự điều tiết và Nhà nước thực hiện kiểm soát giá bán của các hãng hàng không theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với báo chí ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, cho biết, ngày từ năm 2017, khi Cục Hàng không Việt Nam đề xuất áp giá vé sàn ông đã phản đối vấn đề này.

Theo ông Thỏa, hiện nay, ngành hàng không Việt Nam đang có tính cạnh tranh dù là cạnh tranh hạn chế. Càng có cạnh tranh, người tiêu dùng càng được hưởng lợi kể cả về mức giá, về điều kiện được phục vụ và về chất lượng phục vụ.

“Việc quy định giá sàn chỉ nhằm bảo hộ lợi ích cho ngành hàng không. Và sẽ tước đi quyền được hưởng giá vé rẻ của hàng chục triệu khách hàng. Từ đó, sẽ gây bất lợi đối với ngành kinh tế liên quan như du lịch. Điều đó không phù hợp với nguyên tắc của cơ chế giá thị trường”, ông Thỏa phân tích.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nếu quy định giá sàn vé máy bay là vi phạm luật Giá và Luật cạnh tranh cả về danh mục định giá và thẩm quyền định giá.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho hay, các doanh nghiệp được quyền định giá hàng hoá, định hướng sản xuất kinh doanh để đáp ứng yêu cầu phát triển miễn là không trái với luật. Giá vé máy bay có thể quy định khác nhau, lúc này bù lúc kia, vé 0 đồng cũng là quyền của doanh nghiệp vì đó là quy luật kinh doanh.

Theo ông Thịnh, hiện nay các doanh nghiệp cũng phải báo cáo với cơ quan quản lý về tỷ lệ vé giá rẻ. Tuy nhiên, quyền kinh doanh hàng không giá rẻ là quyền của doanh nghiệp.

“Giờ đưa ra vé giá sàn 300.000 - 400.000 đồng/chiều là không phù hợp quy luật thị trường. Nhà nước đóng vai trò quản lý nhưng đừng triệt tiêu cạnh tranh, phải đảm bảo thị trường hoạt động công bằng và hiệu quả nhất cho mọi người dân, các thành phần kinh tế”, ông Thịnh nhấn mạnh

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Áp giá sàn vé máy bay: Tước đi cơ hội hưởng giá rẻ của người tiêu dùng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan