APEC: Cổ phiếu bị cảnh báo và lô trái phiếu 3.000 tỷ, lãi xuất 18%

14/10/2020, 09:03

TCDN - Trong khi mã cổ phiếu API của Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương đã bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa vào diện cảnh báo, thì đơn vị này vẫn thông báo phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp với lãi xuất 18%.

Lịch sử và mối quan hệ API - APS

API là mã cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (APEC Investment.,JSC hoặc APEC) được thành lập tháng 07/2006 với vốn điều lệ là 22.950 triệu đồng; Tháng 05/2007, APEC tăng vốn điều lệ lên 220 tỷ đồng; Tháng 04/2008, APEC tăng vốn điều lệ lên 264 tỷ đồng; Tháng 7/2010, APEC tăng vốn điều lệ tăng lên 500 tỷ đồng (và vốn điều lệ thực góp là 264 tỷ đồng); Tháng 3/2015, APEC tăng vốn điều lệ lên 364 tỷ đồng (do phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược); … Tháng 7/2020, APEC thay đổi nội dung ĐKKD lần thứ 16 với nội dung thay đổi người đại diện theo pháp luật (từ ông Nguyễn Đỗ Lăng sang ông Hán Công Khanh) và giữ nguyên vốn điều lệ là 364 tỷ đồng.

TPDN 5

Tháng 10/2009, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương - mã chứng khoán API chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM

Kể từ khi ra đời và hoạt động APEC tiếp cận với thị trường vốn thông qua Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APEC Securities), đây là doanh nghiệp được cho là một trong 10 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất Việt Nam

APS là mã cổ phiếu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APEC Securities) được thành lập tháng 12/2006, cũng trong tháng 12/2006 UBCK Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh chứng khoán số 37/UBCK-GPHĐKD với số VĐL ban đầu là 60 tỷ đồng; Tháng 10/2007 APEC Securities tăng VĐL lên 80 tỷ đồng; Tháng 04/2008 APEC Securities tăng VĐL lên 260 tỷ đồng; Tháng 06/2009, cổ phiếu APS chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM và tháng 03/2010 niêm yết giao dịch trên sàn HNX Tháng 07/2010, APEC Securities tăng VĐL lên 390 tỷ đồng…

Có thể nói rằng, sự hình thành và hoạt động của API và APS đều có liên quan đến một nhân sự đó là ông Nguyễn Đỗ Lăng. Theo thông tin được công bố, ông Nguyễn Đỗ Lăng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (mã chứng khoán API), đồng thời ông Nguyễn Đỗ Lăng còn là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (mã chứng khoán APS) cũng đang được niêm yết tại HNX.

Ngày 31/7/2020, Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương cũng ban hành nghị quyết chấp thuận cho ông Nguyễn Đỗ Lăng từ nhiệm vị trí Chủ tịch và chỉ còn đảm nhận ghế CEO. Ông Phạm Duy Hưng, người bắt đầu làm việc tại đơn vị này hồi năm 2007 từ vị trí nhân viên, được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch thay thế.

Lô trái phiếu doanh nghiệp 3.000 tỷ, lãi xuất 18%

Sau nhiều năm hoạt động kinh doanh, mã cổ phiếu API của Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương bị đưa vào diện bị cảnh báo nhiều lần từ năm 2013 đến nay.

Tuy nhiên, APEC vẫn công bố kế hoạch huy động 3,000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Theo bảng lãi suất TPDN do APEC công bố, nếu khách hàng lựa chọn kỳ hạn 5 năm, kỳ trả lãi 6 tháng/lần, mức lãi suất nhận được sẽ là 15%/năm. Nếu khách hàng lựa chọn kỳ hạn 5 năm, nhận lãi một lần duy nhất vào cuối kỳ, mức lãi suất sẽ là 18%/năm, tương đương lợi nhuận 90% tại thời điểm đáo hạn.

Một mẫu trái phiếu doanh nghiệp của APEC

Một mẫu trái phiếu doanh nghiệp của APEC

Được biết, đây cũng là lô TPDN lớn nhất từ trước đến nay của APEC, mục đích bổ sung nguồn vốn lưu động vào các dự án Apec Aqua Park Bắc Giang, Apec Golden Valley Mường Lò, Apec Mandala Grand Hòa Bình... Đáng chú ý, Apec cũng kế hoạch mua lại một số dự án lớn, thâu tóm các khu đất vàng giàu tiềm năng, tái cơ cấu và nâng tỷ lệ sở hữu các công ty con trong tập đoàn.

Tuy nhiên, mặc dù danh mục dày đặc các dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn, tiềm lực tài chính của APEC khá khiêm tốn, nếu không muốn nói là nhỏ so với các doanh nghiệp bất động sản hiện nay. Tính đến ngày 30/6/2020, tổng tài sản Công ty vào mức 2.752 tỷ đồng, tiền mặt và tương đương, tiền gửi khoảng 340 tỷ. Phần lớn tài sản được tài trợ bằng nợ vay với con số 2.231,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tương ứng 364 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn gần 424 tỷ và nợ vay dài hạn 213 tỷ đồng, Công ty đang nắm giữ hơn 960 tỷ tiền trả trước ngắn hạn từ khách hàng.

Trong khi đó, Bộ Tài chính đã từng cảnh báo: "Nhà đầu tư cũng phải hết sức thận trọng với cam kết mua lại của tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu (ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán...) do các tổ chức này có thể không thực hiện được vì phải đáp ứng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định hoặc gặp khó khăn tài chính". Do đó, dù được Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương đứng ra bảo lãnh, nhưng vẫn không có gì để đảm bảo hoàn toàn lợi ích của trái chủ. Hơn nữa, chính bản thân Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương cũng có mối quan hệ khắng khít với tổ chức phát hành (Công ty thành viên của APEC Group).

Với con số lãi 18%/năm, TPDN của APEC đang vượt mặt các đại gia bất động sản hiện nay như Novaland (10-11%/năm), City Garden (>13%/năm), Phát Đạt (10-14%/năm)… So với mặt bằng chung lãi suất trái phiếu vào mức 9%, con số APEC đưa ra đang cao gấp đôi thị trường, và cao hơn 71% so với mức trung bình của lĩnh vực bất động sản (~10,5%/năm).

PV (t/h)
Bạn đang đọc bài viết APEC: Cổ phiếu bị cảnh báo và lô trái phiếu 3.000 tỷ, lãi xuất 18% tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan