Bài 1: Bổ sung đối tượng, tăng thuế TTĐB với thuốc lá
TCDN - Mặc dù thuế TTĐB với thuốc lá có tăng trong thời gian vừa qua nhưng tỷ lệ người hút thuốc lá vẫn cao. Cùng với đó, một số loại thuốc lá mới ra đời chưa chịu sự quản lý của Luật Thuế TTĐB. Do đó cần phải có sửa đổi, bổ sung thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá.
Hoàn thiện chính sách thu
Bà Trần Thị Tuyết, Trưởng phòng Thuế GTGT và TTĐB, Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính khẳng định, Luật thuế TTĐB là một trong những công cụ giúp nhà nước thực hiện chính sách: khuyến khích tiêu dùng hợp lý hướng dẫn hạn chế sản xuất, tiêu dùng, định hướng tiêu dùng tiết kiệm hoặc điều tiết thu nhập
Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng: hàng hóa có hại cho sức khỏe nếu sử dụng/lạm dụng (thuốc lá, rượu, bia,...); Cần tiêu dùng tiết kiệm như xăng gốc hóa thạch; Điều tiết thu nhập: hàng hóa, dịch vụ được bộ phận người có thu nhập cao tiêu dùng cần phải điều tiết thu nhập như ô tô, máy bay, du thuyền, chơi gôn,.. Đồng thời là công cụ để ổn định, tăng cường nguồn thu ngân sách nhà nước.
Luật thuế TTĐB được bắt đầu áp dụng từ 1/1/1990. Luật thuế TTĐB được sửa đổi, bổ sung năm các 2014 (thuế suất thuốc lá rượu, bia), 2016 (giá tính thuế, thuế suất ô tô) và 2022 (thuế suất ô tô điện).
Theo bà Tuyết, việc hoàn thiện chính sách thuế TTĐB nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước với mục tiêu hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng thuế TTĐB đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng…
TS Nguyễn Như Quỳnh, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho hay, hiện nay, Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Tại Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong mỗi năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Đây là những con số cho thấy tác hại đáng báo động của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng và xã hội. Chính vì vậy, việc phòng chống tác hại của thuốc lá hiện nay không còn là việc của mỗi cá nhân, mỗi gia đình mà của toàn xã hội, của cả quốc gia và đã trở thành hoạt động chung trên toàn thế giới.
Theo ông Quỳnh, nhận thức được tác hại của thuốc lá, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã sớm vào cuộc nhằm tăng cường bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và xã hội, hạn chế ảnh hưởng của khói thuốc lá nơi công cộng. Ngày 25/01/2013, Chính phủ ban hành Quyết định số 229/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược Quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020”; và tiếp đó là “Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030” được ban hành theo Nghị định số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023. Thuốc lá hiện nay là mặt hàng chịu thuế TTĐB tại Việt Nam với mức thuế suất 75% trên giá xuất xưởng.
Bà Tuyết cho biết thêm, tại Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 cũng đề ra mục tiêu ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng; Yêu cầu “Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới; quy định mức giá bán tối thiểu các sản phẩm thuốc lá, nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của phương án tính thuế các sản phẩm thuốc lá trên giá bán lẻ để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá”.
Bổ sung đối tượng thuốc lá mới, tăng thuế suất
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB thuốc lá mới. Luật thuế TTĐB hiện hành quy định “Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm” thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB thuế suất 75%.
Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) quy định “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”. Vì vậy, hiện nay sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chưa có quy định tại Luật PCTHTL và Luật thuế TTĐB.
Lý giải về điều này, theo bà Tuyết, thuốc lá thế hệ mới chưa có quy định cụ thể về khái niệm, mặc dù hiện nay Bộ Công Thương đang chủ trì dự thảo Nghị định Kinh doanh thuốc lá trong đó dự kiến đề xuất cơ chế thí điểm đối với thuốc lá thế hệ mới.
Tại công văn số 7830/VPCP-CN ngày 26/10/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã nêu “Bộ Công Thương làm rõ cơ sở pháp lý, thẩm quyền ban hành chính sách thí điểm quản lý sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, đánh giá các sản phẩm thuốc lá thế hệ mớitrên cơ sở đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, trình Thủ tướng Chính phủ vào thời điểm thích hợp. Trong thời gian chưa được phép lưu thông, sử dụng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, các Bộ tăng cường chống buôn lậu và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.”
Do vậy, để có căn cứ pháp lý thu thuế trong trường hợp pháp luật chuyên ngành cho phép các sản phẩm này được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thì cần bổ sung quy định tại Điều khoản thi hành đối với trường hợp thuốc lá thế hệ mới được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam thì sẽ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB và áp dụng mức thuế TTĐB như mức thuế TTĐB quy định đối với mặt hàng thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây
Về điều chỉnh mức thuế suất, bà Tuyết cho hay, đối với thuốc lá, mặc dù mặt hàng thuốc lá đã được tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình từ năm 2016-2019. Tuy nhiên, tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn ở tin mức cao, có xu hướng gia tăng. Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.
Tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới mới giảm được từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020 và chưa đạt được mục tiêu giảm sử dụng thuốc lá nam giới xuống còn 39% trong Chiến lược Quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020.
Đại diện Vụ Chính sách Thuế dẫn chứng số liệu WHO, khoảng 90% số nước (194 nước được điều tra) áp dụng thuế TTĐB đối với thuốc lá. Nhiều quốc gia áp thuế hỗn hợp (thuế tỷ lệ và thuế tuyệt đối), số lượng tăng từ 48 nước 2008 lên 65 nước 2021, bổ sung thuế tuyệt đối để tăng giá nhiều hơn đối với thuốc lá cấp thấp, giảm thiểu thuốc lá giá rẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác hại đến sức khỏe nhanh hơn và có hại hơn so với thuốc lá cao cấp, đồng thời cản trở tiếp cận của giới trẻ, thường bắt đầu sử dụng thuốc lá từ nhóm thuốc lá dễ mua, giá rẻ.
“WHO và WB khuyến nghị tỷ trọng thuế tiêu dùng trên giá bán lẻ thuốc lá nên chiếm từ 66-75%”, bà Tuyết khẳng định.
Theo WHO, WBIMF và các đối tác phòng chống tác hại của thuốc lá thì giá bán thuốc lá của Việt Nam vẫn còn thấp do tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85% (theo WHO năm 2020 khi áp dụng thuế suất thuế TTĐB 75%) trong khi tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ các nước là: Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%, Malaysia 57%, Indonesia 51%; Myanmar 50% và các nước phát triển Úc: 62%, Đức: 75%, Pháp 80%,..
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất cần có lộ trình tăng thuế suất TTĐB đối với thuốc lá, áp dụng thuế hỗn hợp, bổ sung thuế tuyệt đối.
Theo TS Nguyễn Như Quỳnh dự kiến, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội thông qua đề nghị bổ sung dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội. Để đưa ra được phương án điều chỉnh chính sách thuế nói chung, thuế TTĐB đối với thuốc lá nói riêng hài hoà giữa các mục tiêu về ngân sách, sức khoẻ người tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, công tác nghiên cứu, phân tích, đánh giá tác động chính sách cũng như tìm hiểu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới có vai trò rất quan trọng.
Bài 2: Chuyển sang phương pháp tính thuế TTĐB hỗn hợp đối với thuốc lá
email: [email protected], hotline: 086 508 6899