Campuchia áp thuế VAT đối với thuốc lá từ ngày 1/8

03/08/2023, 07:53

TCDN - Các công ty nhập khẩu và phân phối thuốc lá ở Campuchia phải áp dụng mức thuế VAT cố định 10% đối với tất cả các nguồn cung cấp thuốc lá từ ngày 1/8/2023.

Chính phủ Campuchia đã áp thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với thuốc lá để chống lại những rủi ro sức khỏe liên quan đến việc hút thuốc và các sản phẩm thuốc lá.

Chính sách này có hiệu lực từ ngày 1/8, các công ty nhập khẩu và phân phối thuốc lá ở Campuchia phải áp dụng mức thuế VAT cố định 10% đối với tất cả các nguồn cung cấp thuốc lá.

Việc thực hiện thuế VAT đối với thuốc lá sẽ tuân theo các thủ tục tương tự như áp dụng thuế VAT đối với các mặt hàng chịu thuế khác. Các công ty phải nộp thuế VAT tại điểm nhập khẩu hoặc mua hàng trong nước. Tuy nhiên, Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia thông báo rằng thuế VAT đã thanh toán có thể yêu cầu được khấu trừ thuế thu nhập, tức có thể được khấu trừ vào thuế đầu ra.

Campuchia áp thuế VAT đối với thuốc lá từ ngày 1/8.

Campuchia áp thuế VAT đối với thuốc lá từ ngày 1/8.

Doanh nghiệp nhập khẩu thuốc lá để xuất khẩu có thể nộp thuế giá trị gia tăng một lần tại điểm nhập khẩu. Biện pháp này nhằm hỗ trợ ngành xuất khẩu của Campuchia, đồng thời đảm bảo áp dụng các mức thuế phù hợp đối với các sản phẩm thuốc lá.Thực hiện áp thuế VAT đối với thuốc lá ở Campuchia là bước tiến quan trọng trong việc chống lại các rủi ro sức khỏe của việc hút thuốc và các sản phẩm thuốc lá. Cam kết của chính phủ trong việc thúc đẩy sức khỏe cộng đồng được thể hiện rõ ràng trong quyết định đưa ra loại thuế này và xem xét mở rộng sang các sản phẩm làm từ cây thuốc lá.

Động thái này của Chính phủ Campuchia phù hợp với xu hướng đánh thuế toàn cầu đối với các sản phẩm thuốc lá nhằm tăng cường sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn hút thuốc. Nhiều quốc gia đã thực hiện đánh thuế cao hơn đối với thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá khác, điều này đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc và cải thiện kết quả sức khỏe cộng đồng.

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2023. 

Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng giải pháp điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt rượu, bia, thuốc lá ở mức thuế suất phù hợp, theo lộ trình trên cơ sở bảo đảm mục tiêu thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất nghiên cứu điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với một số mặt hàng có hại cho sức khoẻ như thuốc lá, rượu, bia theo hướng tăng thuế suất để hạn chế sản xuất, tiêu dùng.

Theo Bộ Tài chính, WHO và Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị tỷ trọng thuế tiêu dùng nên chiếm từ 66% đến 75% (từ 2/3 đến 3/4) trên giá bán lẻ thuốc lá. Theo đánh giá của WHO, WB, IMF và các đối tác phòng chống tác hại của thuốc lá thì giá bán thuốc lá của Việt Nam vẫn còn thấp do tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85% (theo WHO năm 2020 khi áp dụng thuế suất thuế TTĐB 75%) trong khi tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ các nước là: Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%, Malaysia 57%, Indonesia 51%; Myanmar 50% và các nước phát triển Úc: 62%, Đức: 75%, Pháp 80%,...

“Mặc dù mặt hàng thuốc lá đã được tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình từ năm 2016-2019. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn ở mức cao. Như vậy, việc sử dụng thuốc lá, cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa và lộ trình tăng thuế TTĐB trong thời gian vừa qua vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng như đã đề ra”, Bộ Tài chính cho hay.

PV (Theo TTXVN)
Bạn đang đọc bài viết Campuchia áp thuế VAT đối với thuốc lá từ ngày 1/8 tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chính phủ yêu cầu điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia và thuốc lá
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng giải pháp điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt rượu, bia, thuốc lá ở mức thuế suất phù hợp, theo lộ trình trên cơ sở bảo đảm mục tiêu thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.