Sửa thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá:

Bài 3: Các nước trên thế giới đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá

02/10/2023, 14:19
báo nói -

TCDN - Thuế TTĐB là sắc thuế quan trọng trong hệ thống thuế của mỗi quốc gia. Trên thế giới hiện nay có gần 200 nước đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá trong số đó có trên 60 nước áp dụng phương pháp đánh thuế hỗn hợp.

Bài 1: Bổ sung đối tượng, tăng thuế TTĐB với thuốc lá 

Bài 2: Chuyển sang phương pháp tính thuế hỗn hợp thuế TTĐB đối với thuốc lá 

Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết, phương pháp đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá mà các quốc gia đã áp dụng khá đa dạng bao gồm đánh thuế theo tỷ lệ phần trăm; đánh thuế theo mức tuyệt đối và đánh thuế theo phương pháp hỗn hợp (kết hợp tỷ lệ % và mức tuyệt đối).

Dẫn từ một số nghiên cứu, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính nêu, các chính phủ thu hơn 250 tỷ USD từ thuế TTĐB đối với thuốc lá mỗi năm trên toàn cầu nhưng chỉ dành khoảng 1 tỷ USD cho việc kiểm soát thuốc lá và phần lớn mức chi thuộc về các quốc gia có thu nhập cao.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá cao sẽ làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước một cách đáng kể. Nguồn thu thuế TTĐB đối với thuốc lá trung bình hàng năm của các quốc gia sẽ tăng 16,2% trong đó Lào là quốc gia có tỷ lệ tăng cao nhất (tăng trung bình và tối đa tăng 65,09% và 156,27%), Nepan (trung bình và tối đa tăng 71,8% và 186,95%) và Campuchia (trung bình và tối đa tăng 48,77% và 198,71%).

Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam, tại châu Á và châu Âu, cơ cấu thuế TTĐB như sau: thuế tuyệt đối gồm 66 quốc gia; thuế theo tỷ lệ % 47 quốc gia và thuế hỗn hợp là 61 quốc gia.

Hàn Quốc

Trong giai đoạn 1989 đến 2016 đã thay đổi từ hệ thống thuế TTĐB theo tỷ lệ % sang thuế tuyệt đối đơn bậc. Từ năm 1996 đến năm 2005 nhiều lần điều chỉnh tăng thuế TTĐB và ban hành các loại thuế, phí khác đối với thuốc lá. Thuế tăng dần theo thời gian từ 360 won/bao lên 1.565 won/bao.

Từ năm 2005 - 2015 tại Hàn Quốc giữ nguyên thuế thuốc lá, sản phẩm thuốc lá trở nên hợp túi tiền hơn.

Từ năm 2015 Hàn Quốc tăng thuế thuốc lá từ 1.565 won/bao lên 3.323 won/bai. Doanh thu tăng 49% năm 2016 so với năm 2014.

Đáng chú ý, tại Hàn Quốc trong thời gian trên tỷ lệ hút thuốc có xu hướng giảm dần. Hàn Quốc bắt đầu ghi nhận thuốc lá lậu từ năm 2015 khi thuế tăng đột biến.

Đức

Trong giai đoạn 2002 - 2010 tăng thuế TTĐB mạnh, nhưng do ảnh hưởng tiêu cực, phải điều chỉnh giảm thuế. Cụ thể, giai đoạn 2002 - 2005, tăng thuế từ 55,9 Euro/1.000 điếu (23,3%) lên 82,7 Euro/1.000 điếu (25,3%). Người tiêu dùng chuyển sang mua các loại thuốc lá từ các quốc gia khác. Lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm 34%. Ngân sách bị trì trệ.

Từ năm 2006 - 2010, Đức giảm nhẹ thuế TTĐB với thuốc lá từ 25,3% xuống còn 24,7% tuy nhiên không cải thiện được hệ lụy từ trước đó.

Từ năm 2011 - 2015 Đức tăng dần thuế TTĐB trong 5 năm từ 80,7 Euro/1.000 điếu (24,7%) lên 96,3 Euro/1.000 điếu (21.7%) khi đó nguồn thu ngân sách trung bình tăng hơn ,2%. Mức tiêu thụ thuốc lá giảm khoảng 3%/năm.

Giai đoạn 2016 - 2021 là gia đoạn bình ổn tăng nhẹ từ 96,3 Euro/1.000 điếu lên 98,2 Euro/1.000 điếu. Thu thuế TTĐB vẫn tăng trưởng ở mức vừa phải, nạn buôn bán thuốc lá lậu trong nước cũng đã giảm mạnh.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Philippines

Từ năm 1997 - 2012, Philippines áp dụng hệ thống thuế tuyệt đối 4 bậc với mức thuế khoảng từ PHP 2,71-28,3/bao 12 điếu tùy giá bán sản phẩm. Không thực hiện điều chỉnh thuế hàng năm. Mức thuế TTĐB thấp hơn nhiều so các nước có chính sách kiểm soát thuốc lá nghiêm ngặt.

Từ năm 2013 – 2016, Philippines chuyển từ hệ thống thuế tuyệt đối 4 bậc sang 2 bậc với mức thuế từ PHP 12 - 25/bao 12 điếu năm 2013, tăng dần lên PHP 25 - 29/bao 12 điếu vào năm 2016. Khối lượng thuốc lá được tiêu thụ đã giảm.

Từ năm 2017 trở đi hệ thống thuế tuyệt đối 1 bậc thống nhất (thuế bắt đầu từ ngưỡng PHP 30 vào năm 2017 và tăng dần lên đến PHP 60 vào năm 2023 cho mỗi bao 12 điếu. Thực hiện điều chỉnh thuế TTĐB hàng năm, theo đó thuế TTĐB tăng từ 4%/năm từ năm 2018 và tăng 5%/năm từ năm 2024. Thu ngân sách của Philippines tăng ổn định từ năm 2018.

Kinh nghiệm của Philippines cho thấy tăng thuế từng bước trong một thời gian dài phải đi đôi với chống buôn lậu/gian lận thuế mới có thể phát huy tác động tích cực cho ngân sách nhà nước và từng bước giảm thiểu tiêu thụ thuốc lá.

Anh

Nước Anh áp dụng biểu thuế lũy tiến, thuế thuốc lá được điều chỉnh để bằng hoặc cao hơn tỷ lệ lạm phát (trung bình 5%/năm).

Năm 2011 Anh tăng mạnh thuế TTĐB với thuốc lá. Thuế theo tỷ lệ phần trăm đã giảm từ 24% xuống 16,5% trong khi thuế tuyệt đối tăng lên khoảng 30% (từ 119 Euro/1.000 điếu lên 155 Euro/1.000 điếu).

Năm 2017 Anh ban hành chính sách thuế TTĐB tối thiểu (MET). Mức giá sàn được áp dụng cho cả hai thành phần thuế (thuế tuyệt đối và thuế theo tỷ lệ phần trăm). Bắt đầu từ 268,63 Euro năm 2017 tăng dần lên 347,86 Euro/1.000 điếu năm 2021. Ngoài mức sàn, mức thuế tuyệt đôi cũng tăng theo thời gian từ 207,99 Euro năm 2017 lên 262.90 Euro năm 2021.

Phương pháp áp dụng thu thuế TTĐB thuốc lá của Anh có tác dụng là mức tiêu thụ thuốc lá phải trả thuế của Anh giảm đều đặn 49,5 tỷ điếu trong giai đoạn 2005 - 2006 xuống còn 29,5 tỷ điếu trong năm 2016 - 2017.

Tuy nhiên, điều đó lại tạo ra thị trường tiêu thụ lớn cho thuốc lá bất hợp pháp và thuốc lá giả chiếm tới 20% thị phần. Nạn buôn lậu trở nên trầm trọng, khó kiểm soát, hình thành các tổ chức buôn lậu quy mô lớn.

Thất thu thuế ước tính khoảng 2,3 - 2,5 tỷ bảng Anh trong giai đoạn 2016 - 2017. Tỷ lệ việc làm trong ngành bán lẻ bị giảm nghiêm trọng.

Malaysia

Giai đoạn từ 2014 - 2015 liên tiếp tăng thuế TTĐB. Thuế TTĐB tuyệt đối khoảng 40% (từ 0,28 RM/điếu vào năm 2014 lên 0,4 RM/điếu vào năm 2015). Giá bán lẻ thuốc lá tăng 25% khiến giá cao hơn so với khả năng chi trả của người dân.

Giai đoạn 2016 - 2018, tăng gấp đôi thuế doanh thu từ 5% lên 10% năm 2018 khiến cho giá bán lẻ thuốc lá càng tăng mạnh. Giá thuốc lá hợp pháp và bất hợp pháp chênh lệch rất lớn.

Theo đó, trong giai đoạn từ 2014 - 2020 tại Malaysia người hút thuốc lá chuyển từ tiêu thụ các sản phẩm hợp pháp sang thuốc lá lậu có giá cực kỳ thấp. Đây là đất nước xếp thứ nhất trên thế giới về thuốc lá lậu. Thuốc lá lậu chiếm 65% thị phần năm 2020. 3 nhà sản xuất thuốc lá đã đóng cửa các nhà máy, kéo theo những lo ngại về sức khỏe và tình trạng thất nghiệp của công nhân trong ngành thuốc lá. Thất thu thuế chiếm tới 141% thu thuế từ thuốc lá vào năm 2021.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, PwC cho rằng, từ bài học của Malaysia trong cải cách thuế TTĐB sẽ là kinh nghiệm cho Việt Nam.

Cụ thể, Malaysia không đạt được mục tiêu từ tăng thuế cao và đột ngột. Thuế tăng mạnh và trong một khoảng thời gian ngắn đã không hỗ trợ chính phủ Malaysia đạt được mục tiêu của họ. Điều đó tạo ra các hiệu ứng domino tiêu cực trên thị trường như tiếp tục mất nguồn thu của chính phủ; đóng cửa các nhà máy thuốc lá hợp pháp; mất việc làm của công nhân địa phương; tổng lượng tiêu thụ thuốc lá vẫn tăng.

Theo Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, phương pháp đánh thuế hỗn hợp hiện đang được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia do lợi ích mang lại của phương pháp đánh thuế hỗn hợp là giảm nguy cơ chuyển giá của các nhà sản xuất và các công ty phân phối.

Bài 4: Đề xuất các kịch bản tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Bài 3: Các nước trên thế giới đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bài 1: Bổ sung đối tượng, tăng thuế TTĐB với thuốc lá
Mặc dù thuế TTĐB với thuốc lá có tăng trong thời gian vừa qua nhưng tỷ lệ người hút thuốc lá vẫn cao. Cùng với đó, một số loại thuốc lá mới ra đời chưa chịu sự quản lý của Luật Thuế TTĐB. Do đó cần phải có sửa đổi, bổ sung thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá.