HoREA kiến nghị gia hạn quy định về vốn vay thêm 1 năm

01/10/2023, 17:49
báo nói -

TCDN - HoREA đề nghị gia hạn thêm 12 tháng thời điểm áp dụng quy định "các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn" nên áp dụng từ ngày 1/10/2024 thay vì áp dụng từ ngày 1/10/2023".

Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) vừa có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 08/2020/TT-NHNN (Thông tư 08) đề nghị gia hạn thêm 12 tháng thời điểm áp dụng quy định "các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn" nên áp dụng từ ngày 1/10/2024 thay vì áp dụng từ ngày 1/10/2023" nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng được sử dụng hợp lý nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân, mà vẫn không gây “rủi ro” về an toàn cho hệ thống tín dụng.

HoREa đề nghị gia hạn Thông tư 08 thêm 1 năm.

HoREa đề nghị gia hạn Thông tư 08 thêm 1 năm.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…); tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên các dự án bất động sản nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch…”

Theo HoREA, kể từ ngày 1/10/2023, Thông tư 08 quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ còn được phép sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn (chủ yếu là tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn) để cho vay trung hạn, dài hạn thay vì 34% như hiện nay.

Tuy nhiên, theo HoREA, bối cảnh của nền kinh tế nước ta hiện nay đã thay đổi rất khác so với bối cảnh lúc ban hành Thông tư 08 năm 2020 và đang đứng trước các thách thức rất lớn, từ tác động của "các cơn gió ngược" tác động bất lợi đến kinh tế - xã hội nước ta. Trong đó có lĩnh vực bất động sản do phát sinh những nhân tố khách quan, bất ngờ, không thể dự đoán được tại thời điểm ban hành Thông tư 08.

Bối cảnh nền kinh tế tại thời điểm Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 08 là lúc dịch Covid-19 bắt đầu phát tán ra một số nước và về cơ bản thì nước ta đã kiểm soát được dịch bệnh trong giai đoạn đầu này. Nhưng, kể từ khoảng nửa cuối năm 2020 trở đi thì đại dịch bùng phát trên toàn cầu, tác động nghiêm trọng đến nước ta, đến nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Dù nước ta đã khống chế được đại dịch và sớm mở cửa trở lại ngay từ quý 3/2022. Nhưng tiếp theo đó lại xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine từ khoảng cuối quý 1/2022, trở thành cuộc xung đột địa chính trị dẫn đến tình trạng suy thoái, lạm phát cao, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Do vậy, HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo và đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 08 theo hướng gia hạn thêm 1 năm thời điểm áp dụng quy định trên để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng được sử dụng hợp lý nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn.

Nhận thấy bất cập của Thông tư 08, trước đó, HoREA cũng đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét gia hạn thêm 12 tháng thời điểm áp dụng quy định các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn nên áp dụng kể từ ngày 1/10/2024 nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa phản hồi.

PV
Bạn đang đọc bài viết HoREA kiến nghị gia hạn quy định về vốn vay thêm 1 năm tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thủ tướng: Tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng, phấn đấu giảm lãi suất cho vay
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng; khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định, điều kiện, thủ tục cho vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp vào các lĩnh vực ưu tiên; phấn đấu giảm lãi suất, nhất là lãi suất cho vay.
Tín dụng 7 tháng tăng trưởng 4,56%
Tính đến cuối tháng 7/2023, vốn cho vay nền kinh tế chỉ đạt 4,56%, đạt khoảng 12,4 triệu tỷ đồng, thấp hơn cả mức 4,73% tại thời điểm cuối tháng 6.
Tín dụng tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản lần đầu giảm
Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đã tăng trưởng (17,41%) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12% - là năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong 3 năm gần đây, cuối năm 2022 tăng 31,01%.