Bầu Thụy tính chi 14.000 tỷ để "nâng đời" khách sạn Kim Liên
TCDN - Bầu Thụy sẽ tăng vốn công ty quản lý khách sạn Kim Liên lên 40 lần để triển khai dự án hơn 615 triệu USD (gần 14.300 tỷ đồng) tại chính khu đất của khách sạn này.
Vấn đề khai thác và phát triển tổ hợp bất động sản trên khu “đất vàng” 3,5 ha - nơi tọa lạc Khách sạn Kim Liên - thường xuyên xuất hiện trong các tờ trình họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Kim Liên Tourism. Tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra hôm 19/1, có nhiều dấu hiệu cho thấy dự án Khu phức hợp Kim Liên sắp được triển khai sau nhiều năm lặng tiếng, bao gồm 8 block.
Siêu dự án 14.300 tỷ
Theo đó, cổ đông Kim Liên đã thông qua và uỷ quyền cho HĐQT tìm kiếm và lựa chọn các nhà đầu tư, đối tác chiến lược để triển khai, hợp tác phát triển dự án Khu phức hợp Kim Liên, dưới hình thức ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), cùng thành lập doanh nghiệp dự án và/hoặc các hình thức hợp tác đầu tư khác nhằm huy động các nguồn vốn khác nhau để triển khai dự án.
Đây sẽ là dự án tham vọng nhất của bầu Thụy (ông Nguyễn Đức Thụy) với tổng vốn đầu tư lên tới 615 triệu USD.
Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu thị trường, tư vấn ý tưởng phát triển và nghiên cứu khả thi của Công ty TNHH Savills Việt Nam, tổng chi phí cho việc thực hiện dự án này vào khoảng 615,8 triệu USD, tương đương gần 14.300 tỷ đồng.
Để triển khai dự án này, Kim Liên cũng phải tăng vốn điều lệ lên gấp 40 lần để đáp ứng quy định tổng vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư phải tối thiểu bằng 20% tổng vốn đầu tư dự án. Hiện vốn điều lệ của khách sạn này là 69,6 tỷ, công ty sẽ phải tăng vốn lên 2.786 tỷ.
Tại cuộc họp, ông Vũ Ngọc Định cho biết, dự án Khu phức hợp Kim Liên đã được UBND TP Hà Nội kết luận. Theo đó, dự án sẽ xây dựng 8 block, gồm các khu trung tâm thương mại, dịch vụ và shophouse… Lợi thế của dự án này chính là việc tọa lạc trên khu đất rộng và ở vị trí đắc địa của thành phố.
Hiện tại, Kim Liên đã mời đơn vị tư vấn nước ngoài để thực hiện khảo sát và tư vấn triển khai. Công ty cũng đã ký kết hợp đồng với một số đối tác như Tân Hoàng Minh, nhà thầu Delta để triển khai thực hiện dự án.
Như vậy, lý do bầu Thụy chi gần 1.000 tỷ đồng để mua lại 52,3% vốn tại khách sạn Kim Liên từ SCIC vào cuối năm 2015 đã có câu trả lời khi chính khu đất mà khách sạn này đang tọa lạc sẽ được triển khai một dự án mới với quy mô hơn hơn chục nghìn tỷ.
Nhóm "madame" Nga, GPBank nói gì?
Việc triển khai dự án khu phức hợp Khách sạn Kim Liên nhận được nhiều sự quan tâm của các nhóm cổ đông khác, thể hiện qua các câu hỏi chất vấn ban lãnh đạo Kim Liên Tourism tại phiên họp ĐHĐCĐ bất thường diễn ra hôm 19/1. Phiên họp có sự tham gia của 46 cổ đông, đại diện cho 6.539.204 cổ phần, chiếm 93,99% vốn điều lệ.
Trong đó, CTCP Tài chính Bưu điện (PTFinance) đề nghị công khai, đính kèm Thông báo số 1216 của UBND TP.Hà Nội trong tờ trình, cũng như công bố chi tiết quy mô dự án, cùng với các vấn đề về tăng vốn và giao dịch với bên liên quan.
"Tại Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2016 đã ủy quyền cho Chủ HĐQT tìm kiếm đối tác để hợp tác đầu tư và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để triển khai thực hiện dự án nhưng đến nay chúng tôi chưa thấy có báo cáo về việc triển khai dự án. Đề nghị HĐQT, Đoàn chủ tịch cung cấp thông tin, báo cáo ĐHĐCĐ và cho biết từ năm 2016 đến nay công ty đã làm gì, đã tìm kiếm đối tác ra sao, đã làm những công việc cụ thể gì về tìm kiếm đối tác đầu tư, nhà đầu tư chiến lược” - đại diện PTFinance chất vấn.
Cùng chung ý kiến, đại diện cổ đông GPBank cho rằng các cơ sở cho việc tăng vốn, thông tin của dự án còn chung chung, không đủ dữ liệu để cổ đông thảo luận và cho ý kiến. Mặc dù vậy, kết quả biểu quyết cho thấy, các tờ trình liên quan đến dự án khách sạn Kim Liên đều được thông qua với tỷ lệ tán thành hơn 82%.
Cần lưu ý rằng, PTFinance đã được thâu tóm bởi SeABank (thành viên của Tập đoàn BRG) từ lâu, điều này dẫn tới những lời đồn đoán trên thị trường về một cuộc đối đầu giữa “Madame” Nga (Chủ tịch SeABank) và “bầu” Thụy tại Kim Liên Tourism.
Ở diễn biến gần đây, PTF đã tính đường rút khỏi dự án Kim Liên khi đăng ký bán toàn bộ cổ phần Kim Liên Tourism đang sở hữu theo phương thức thoả thuận. Thời gian giao dịch dự kiến kéo dài từ ngày 31/12/2019 đến 31/1/2020. Sự thoái lui của PTFinance cho thấy cuộc đua giành dự án “đất vàng” tại số 5 - 7 Đào Duy Anh đã ngã ngũ.
Đây gần như là động thái bắt buộc của PTF, bởi nếu không nhanh chóng thoái lui, Kim Liên Tourism dưới sự chi phối của Thaigroup sẽ sớm tăng vốn với đơn vị hàng chục lần. Khi đó 465.505 cổ phần Kim Liên Tourism mà PTF đang sở hữu sẽ có giá trị không khác mấy với nhiều trăm triệu cổ phiếu được phát hành mới bằng mệnh giá (10.000 đồng).
Kể cả vào thời điểm hiện tại, PTF muốn thoái vốn cũng cũng khó lòng đạt được mức giá 305.053 đồng/CP của GPBank hay 274.200 đồng/CP của SCIC. Bởi một khi đã chi phối gần như tuyệt đối, bầu Thuỵ còn nhiều cách thức để gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Kim Liên Tourism, mà không cần chi thêm cả trăm tỷ để mua cổ phần từ các cổ đông thiểu số còn lại.
Ở một diễn biến khác, một tờ trình duy nhất không được thông qua, vô tình phản ánh tỷ lệ sở hữu của nhóm Thaigroup tại Kim Liên Tourism - đó chính là tờ trình số 3a về việc ủy quyền cho HĐQT quyết định các giao dịch phát sinh doanh thu và chi phí với Công ty mẹ là Tập đoàn Thái Group.
Do Thaigroup không được bỏ phiếu nên chỉ có các cổ đông đại diện cho 2.894.537 cổ phần tham gia biểu quyết. Kết quả cho thấy, có 1.744.308 cổ phần, tương đương 60,62% cổ phần tham gia bỏ phiếu, tán thành. Trong khi đó, có tới 1.143.590 cổ phiếu không tán thành.
Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 19/1, các cổ đông cũng thông qua việc miễn nhiệm các Thành viên HĐQT là ông Vũ Hoàng, Trịnh Văn Thiệm. Đồng thời, bầu bổ sung vào HĐQT các ông Vũ Ngọc Định (Tổng giám đốc Kim Liên Tourism) và ông Nguyễn Chí Kiên.
Khách sạn Kim Liên đang làm ăn ra sao?
Từng chia ra mức giá 274.200 đồng/cổ phần (gấp 10 lần giá khởi điểm) để nắm cổ phần chi phối tại khách sạn Kim Liên, tuy nhiên sau khi về tay bầu Thụy tình hình kinh doanh của khách sạn này không có nhiều biến chuyển.
Đạt lợi nhuận dương 3 năm liên tiếp (2016-2018), nhưng đến cuối năm 2018, khách sạn Kim Liên vẫn lỗ lũy kế gần 9 tỷ trên bảng cân đối kế toán.
Lãnh đạo khách sạn cũng thừa nhận, những năm gần đây do nhiều khó khăn khác nhau mà lượng khách tới lưu trú đã giảm đáng kể. Trong khi đó, doanh thu dịch vụ nhà hàng cũng giảm mạnh vì gặp phải sự cạnh tranh của các đối thủ khác.
Năm 2018, khách sạn này ghi nhận 99 tỷ doanh thu, giảm 31% so với năm 2017. Sau khi trừ chi phí vận hành, khách sạn thu về khoản lợi nhuận trước thuế hơn 9 tỷ, trong khi kỳ vọng của ban lãnh đạo là 17 tỷ đồng.
Năm 2019, khách sạn dự kiến đạt 134 tỷ đồng doanh thu, tăng 6% và gần 15 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 22%. Theo đúng kế hoạch này, hết năm 2019 khách sạn Kim Liên mới bù đắp hết lỗ lũy kế và khoản đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng của bầu Thụy mới cho ra những con số lợi nhuận đầu tiên.
Tọa lạc tại khu đất rộng 3,5 ha mặt phố Đào Duy Anh, khách sạn Kim Liên có 9 tòa nhà, 437 phòng khách sạn và 5 nhà hàng, đây cũng là một trong những khách sạn tầm cỡ và quy mô nhất Hà Nội trước năm 2000.
Được biết, khu đất "vàng" nơi khách sạn Kim Liên tọa lạc cũng là đất công ty đi thuê lại có thời hạn 50 năm, từ 1993. Khu đất này cũng không hề được hạch toán vào báo cáo tài chính của công ty.
Như vậy, Công ty Du lịch Kim Liên có quyền sử dụng khu đất 3,5 ha này tới năm 2043, tức là còn khoảng 23 năm trước khi hết hạn thuê.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899