BHXH Việt Nam hướng dẫn ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
TCDN - BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn số 4195/BHXH-CSYT về hướng dẫn ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Theo đó, công văn của BHXH Việt Nam nêu rõ, thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Nghị định số 146/2018/ NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT và Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2028/NĐ-CP, BHXH Việt Nam hướng dẫn BHXH các tỉnh triển khai thực hiện việc ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT như sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện việc ký hợp đồng KCB BHYT theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam tại Công văn số 4076/BHXH-CSYT ngày 13/12/2021, Công văn số 3794/BHXH-CSYT ngày 12/12/2022 và Quy trình giám định BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 3618/QĐ-BHXH ngày 12/12/2022.
Thứ hai, yêu cầu Giám đốc BHXH tỉnh đánh giá, thực hiện phân cấp việc ký hợp đồng KCB BHYT cho BHXH cấp huyện theo đúng quy định tại điểm h khoản 4 Điều 6 Quyết định số 2355/QĐ-BHXH ngày 16/9/2022 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH địa phương. Xây dựng kế hoạch hướng dẫn, hỗ trợ công tác giám định và thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT cho BHXH cấp huyện.
Thứ ba, nội dung hợp đồng KCB BHYT theo Mẫu số 7 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP. BHXH tỉnh thống nhất với cơ sở KCB BHYT bổ sung một số nội dung trong Hợp đồng theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, đánh giá tính cần thiết của của việc ký hợp đồng KCB BHYT với cơ sở KCB mới dựa trên tình hình KCB BHYT chung trên địa bàn (số cơ sở KCB đã ký hợp đồng KCB BHYT, tình trạng quá tải KCB, khả năng đáp ứng nhu cầu KCB của người có thẻ BHYT, số lượng BHYT tăng…), việc sử dụng dự toán KCB BHYT được giao. Giám đốc BHXH tỉnh chịu trách nhiệm về việc ký hợp đồng KCB BHYT với cơ sở KCB mới.
Thứ năm, tổ chức thực hiện hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT: Tăng cường kiểm tra chất lượng phục vụ người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 9 Thông tư 22/2023/TT-BYT.
Lưu ý các phòng khám, buồng bệnh phải sử dụng điều hoà phục vụ người bệnh nếu đã được kết cấu trong cơ cấu giá dịch vụ y tế. Đề nghị cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo định mức số người làm việc theo đúng quy định tại Điều 3 Thông tư 03/2023/TT-BYT.
Hồ sơ ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Điều 16 Nghị định 146/2018/NĐ-CP có quy định hồ sơ ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế gồm:
- Công văn đề nghị ký hợp đồng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Bản sao giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Bản chụp có đóng dấu của cơ sở đối với quyết định phân hạng bệnh viện của cấp có thẩm quyền (nếu có) hoặc quyết định về tuyến chuyên môn kỹ thuật của cấp có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập;
- Danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế, danh mục thuốc, hóa chất, vật tư y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bằng văn bản hoặc bản điện tử).
Lưu ý: Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bổ sung chức năng, nhiệm vụ, phạm vi chuyên môn, hạng bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản phê duyệt do cơ sở khám bệnh chữa bệnh gửi đến, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm hoàn thành việc ký kết bổ sung phụ lục hợp đồng hoặc giao kết hợp đồng mới.
Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thời hạn có hiệu lực của hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được quy định như sau:
- Thời hạn của hợp đồng từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12 của năm, tối đa không quá 36 tháng;
- Đối với hợp đồng ký lần đầu, thời hạn của hợp đồng được tính kể từ ngày ký đến hết ngày 31/12 của năm thời hạn hợp đồng hết hiệu lực, tối đa không quá 36 tháng;
- Trường hợp ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế hằng năm, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội hoàn thành việc ký hợp đồng năm sau trước ngày 31/12 của năm đó.
Trước khi hợp đồng hết hiệu lực 10 ngày, nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội thỏa thuận gia hạn và thỏa thuận tiếp tục thực hiện hợp đồng bằng một phụ lục hợp đồng thì phụ lục đó có giá trị pháp lý, trừ khi có thỏa thuận khác.
Thời gian vừa qua, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp người dân bị sốt xuất huyết đến khám và điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh. Cùng vào cuộc với ngành y tế Thành phố trong các hoạt động theo dõi, cập nhật thông tin, giám sát, kiểm tra công tác phòng chống, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, BHXH TP.Hà Nội đã phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn thực hiện thanh quyết toán, tạm ứng kinh phí KCB BHYT theo quy định; phối hợp giải quyết kịp thời vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT, bảo đảm khi người bệnh sốt xuất huyết đến các cơ sở y tế phải được tiếp nhận, điều trị và hưởng quyền lợi của người bệnh BHYT kịp thời.
Điều này cho thấy chính sách BHYT là một chính sách quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, BHYT đã giúp nhiều người có thẻ BHYT vượt qua những khó khăn về kinh tế, là điểm tựa tinh thần giúp nhiều người bệnh có động lực, niềm tin để chiến thắng bệnh tật. Tính đến hết tháng 11/2023, trên địa bàn thành phố Hà Nội số người tham gia BHYT: 7.906.615 người, tăng 237.219 người so với cùng kỳ năm 2022; tăng 189.506 người so với 31/12/2022, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,45% dân số.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899