Biên lãi thuần quý 4/2022 của Thế Giới Di Động giảm mạnh

03/02/2023, 20:00
báo nói -

TCDN - Các chi phí, đặc biệt là lãi vay, tăng khiến biên lãi thuần của Thế Giới Di Động rơi về mức thấp nhất từ khi doanh nghiệp công bố báo cáo quý.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ ghi nhận sự phục hồi từ mức thấp của năm 2021. Tuy nhiên, từ quý 4/2022, chi tiêu của người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô suy yếu như lạm phát gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Sau 9 tháng đầu năm tăng trưởng dương, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) bắt đầu ghi nhận mức giảm đáng kể về doanh thu và lợi nhuận trong quý IV/2022 do sức mua các sản phẩm điện máy, điện thoại giảm mạnh hơn dự kiến. Xu hướng thắt chặt chi tiêu cũng diễn ra ngay cả đối với thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu.

Hoạt động kém hiệu quả của mảng công nghệ thông tin và điện tử gia dụng (ICT & CE) kết hợp với chi phí tài chính tăng mạnh kéo lợi nhuận ròng quý IV của MWG giảm tới 60% còn 619 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tính riêng tháng 12, MWG ghi nhận 9.722 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 104 tỷ; giảm lần lượt gần 22% và 79% so với cùng kỳ năm 2021.

The gioi di dong 2

Biên lợi nhuận gộp của Thế Giới Di Động vẫn duy trì đà tăng, đạt 26% trong quý IV. Song sự gia tăng của chi phí tài chính do mặt bằng lãi suất tăng cao và chi phí bán hàng đã khiến biên lãi thuần quý 4 của công ty lao mạnh xuống còn 2%, là quý thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý tới nay (2014). Riêng trong năm 2022, chi phí lãi vay của MWG đã tăng gấp đôi năm 2021 lên 1.362 tỷ đồng.

Tính chung cả năm, doanh thu thuần của Thế Giới Di Động tiếp tục lập kỷ lục với 133.405 tỷ đồng, tăng gần 8,5% so với năm 2021 nhưng chỉ hoàn thành 95% mục tiêu năm. Lợi nhuận giảm sâu trong quý IV đã kéo lãi ròng cả năm ngoái còn 4.100 tỷ, giảm 16% so với mức kỷ lục của 2021 và mới đạt 65% chỉ tiêu năm.

Về triển vọng của ngành ICT năm 2023, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT Thế Giới Di Động và cũng là người phụ trách hai chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) dự báo thị trường điện thoại và điện máy không mấy lạc quan.

6 tháng đầu năm tới, lãnh đạo Thế Giới Di Động không kỳ vọng vào sự tăng trưởng và doanh nghiệp cũng không đặt mục tiêu mở mới thêm chuỗi TGDĐ và ĐMX trong thời điểm này. Nếu những tháng cuối năm tới, tuỳ tình hình thực tế, doanh nghiệp có thể xem xét đặt ra các mục tiêu khác.

Trong bối cảnh khó khăn, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động sẽ làm việc với các hãng chặt chẽ hơn, với những hãng có đủ tiềm lực, MWG sẽ tìm tiếng nói chung và cơ hội gia tăng trong những sản phẩm độc quyền. 

Song song, trong bối cảnh khó khăn, trung kiểm soát hàng tồn kho là ưu tiên hàng đầu của MWG để tối ưu nhất về mặt chi phí.

Không chỉ hai chuỗi TGDĐ, ĐMX mà cả với chuỗi nhà thuốc An Khang lãnh đạo MWG cũng cho biết sẽ thận trọng trong việc mở rộng.

Ông Hiểu Em cho biết An Khang vẫn sẽ tiếp tục mở rộng trong năm 2023 song doanh nghiệp sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp và chiến lược mở mới sẽ thận trọng hơn khi tập trung vào chất lượng, đảm bảo phải có lời EBITDA trên mỗi cửa hàng. Việc mở mới sẽ tập trung ở những khu vực đông dân cư, với diện tích nhỏ của cửa hàng thuốc vị trị mở phải đảm bảo độ nhận diện. 

Về Bách Hoá Xanh, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ số lượng cửa hàng mở mới năm 2023 phụ thuộc vào việc đáp ứng các tiêu chí mà không có mục tiêu cụ thể nào, tức mở cửa hàng nào năm tới là cửa hàng đó sẽ đem tiền về. 

Tùng Lâm
Bạn đang đọc bài viết Biên lãi thuần quý 4/2022 của Thế Giới Di Động giảm mạnh tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan