Thị trường bán lẻ 2023: Ưu tiên mặt hàng xanh, chất lượng và an toàn
TCDN - Tốc độ lưu chuyển hàng hóa bán lẻ năm 2023 dự báo sẽ tăng từ 10-20%. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn hơn về hàng hóa, trong đó ưu tiên cho những mặt hàng xanh, chât lượng và an toàn, tìm đến các khuyến mại qua hình thức bán hàng qua mạng nhiều hơn trong năm 2023.
Doanh nghiệp tăng tốc “đón sóng” cuối năm
Theo các chuyên gia kinh tế, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ đều xem cuối năm là dịp tốt để kích cầu tiêu dùng, bởi đây là giai đoạn có thể đóng góp 30 - 40% doanh số cả năm.
Đại diện Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thông tin, kết quả khảo sát doanh nghiệp bán lẻ do đơn vị vừa thực hiện cho thấy 53,8% đơn vị đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch Covid-19. Dựa trên đà phục hồi này, cùng với những lợi thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực, 91,7% số doanh nghiệp cho rằng, triển vọng kinh doanh của toàn ngành bán lẻ những tháng cuối năm 2022 sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ các năm trước đó.
Công ty Nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield (C&W) cũng nhận định, những tháng cuối năm sẽ diễn ra nhiều sự kiện lễ hội mua sắm, khuyến mãi hấp dẫn như Black Friday, Lễ độc thân 11/11, Giáng Sinh, Tết… sẽ tạo ra “làn sóng mua sắm” với số lượng đơn hàng về phụ kiện trang trí, thời trang, thực phẩm như bánh kẹo và nước uống, mỹ phẩm, điện tử, công nghệ, hàng tiêu dùng…
Giám đốc Đối ngoại hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam (MM) Trần Kim Nga cho biết, Việt Nam vẫn là một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng, được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh và tốc độ đô thị hóa nhanh. Sau 2 năm đại dịch, xu hướng tiêu dùng của khách hàng thay đổi khá rõ nét. Các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi nơi có sản phẩm đảm bảo chất lượng và giá cả hàng hóa phù hợp, cùng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn ngày càng được ưa chuộng và trở thành điểm đến mua sắm yêu thích của người tiêu dùng. “Đây là một thị trường triển vọng và đầy tính cạnh tranh, là cuộc đua của những ông lớn trong những năm tới” - bà Nga nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy vào thời điểm gần cuối năm, nhiều doanh nghiệp đang tăng tốc làm mới mình nhằm “đón sóng” cuối năm. Để tái định vị thương hiệu và mở rộng đa dạng sản phẩm, vừa qua siêu thị hàng Nhật nội địa là Sakuko Japanese Store đã thay đổi nhận diện thương hiệu từ nhà bán lẻ chuyên kinh doanh sản phẩm mẹ và bé của Nhật Bản chuyển thành chuỗi siêu thị lĩnh vực bán lẻ hàng Nhật nội địa.
Trong tháng 9 vừa qua, Masan chính thức đưa vào hoạt động chuỗi 27 cửa hàng đa tiện ích WinMart tại ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, dự kiến từ nay đến cuối năm, Masan tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng WinMart trên cả nước.
Nhìn nhận về cơ hội cho ngành bán lẻ tăng trưởng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, ở chiều tích cực, tăng trưởng doanh thu bán lẻ vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố như tăng trưởng thu nhập bình quân trong 6 tháng đầu năm 2022; tỷ lệ thất nghiệp đang trên đà giảm.
Cùng với đó là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch cũng như các ngành nghề liên quan như vận tải, lưu trú, giải ngân đầu tư công được tăng tốc và các gói kích thích kinh tế cũng như nỗ lực kiềm chế lạm phát của các nhà điều hành đang phát huy tác dụng.
“Nhìn chung, tuy lạm phát sẽ gây một áp lực nhất định lên tiêu thụ nội địa, tăng trưởng của ngành bán lẻ trong những tháng cuối năm vẫn có nhiều yếu tố tích cực để phát triển” - ông Phong nhấn mạnh.Ông Phùng Trung Kiên, nhà sáng lập Công ty Quản lý tài sản Vietnam Holdings Inc nêu rõ, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhóm doanh nghiệp ngành bán lẻ sẽ có được tốc độ tăng trưởng tốt hơn giai đoạn vừa qua, vì nhu cầu chi tiêu từ nay đến cuối năm của người dân nhiều khả năng tăng dần. Trong đó, nhóm phục vụ hàng tiêu dùng có cơ hội tăng trưởng cao, vì gắn với việc đẩy mạnh doanh số bán hàng, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho thấy, cuối năm 2022 thị trường bán lẻ sẽ tăng tốc, tạo cơ hội cho doanh nghiệp bán lẻ tăng trưởng, kéo theo các đơn vị sản xuất phục hồi phát triển.
Đa dạng hoá nguồn hàng, thanh toán trực tiếp, gián tiếp
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, hiện các doanh nghiệp bán lẻ đang trong quá trình tích tụ lớn hơn. Ví dụ, tập hơp thêm các cửa hàng bách hoá vào “chân rết” của mình như Masan, hay chuỗi cửa hàng tự chọn xoay xung quanh các trung tâm thương mại, siêu thị của mình, như MM Mega Market Việt Nam, Hapro, Saigon Co.op…
Dự báo về xu hướng của thị trường năm 2023, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ đa dạng hoá nguồn hàng, thanh toán trực tiếp, gián tiếp… là những hình ảnh làm cho thị trường bán lẻ trong năm 2023 sôi động và cạnh tranh. Thêm nữa, việc tích tụ tập trung, mua bán sáp nhập M&A vẫn diễn ra. Năm 2022 tập trung chủ động ở doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, doanh nghiệp trong nước chỉ đa dạng hoá và nâng cao chất lượng thương hiệu của mình.
Phân tích cụ thể bức tranh thị trường bán lẻ, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, sức mua của xã hội bắt đầu hồi phục sau đại dịch Covid-19. Về cơ bản, ở thị trường nội địa dịch đã được kiểm soát, song sức mua vẫn còn yếu. Bởi trong những tháng cuối năm 2022 đã có hàng vạn công nhân bị mất việc làm, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mất đơn hàng hoặc giảm đơn hàng. Triển vọng có đơn hàng phải sang quý II/2023. Như vậy, điều này sẽ ảnh hưởng đến sức mua.
Một vấn đề khác ảnh hưởng đến sức mua là quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn chưa đạt yêu cầu. Một số vụ thực phẩm bẩn len lỏi vào trường học, siêu thị… đã gây ra những “tiếng vang” không tốt làm ảnh hưởng đến sức mua.
Bên cạnh đó là sự bất cập giữa đầu vào và ra của bán lẻ có vấn đề. Chuỗi cung ứng ngắn của hệ thống phân phối chưa được thiết lập nhiều, vẫn còn nhiều khâu trung gian.
Bên cạnh đó, xu hướng M&A vẫn tiếp tục phát triển. Hiện nay bán lẻ đã đến thời kỳ tập trung tích tụ để lớn hơn, chiếm thị phần nhiều hơn, giá cả cạnh tranh hơn.
Năm 2022, việc chủ động thích tụ để lớn hơn là các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, như AEON, Centre Group, MM Mega Market…
Mặt khác, các đơn vị bán lẻ tăng cường kết nối chuỗi cung ứng giữa sản xuất và phân phối, đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, tập hợp thêm lực lượng cho mình để có thể giảm giá hơn cho người tiêu dùng và nâng cao khả năng cạnh tranh. Đơn cử, tập đoàn Masan đã đầu tư vốn, cung cấp công nghệ về quản lý nội bộ, quản lý bán hàng cho hàng vạn cửa hàng tạp hoá. Masan có thuận lợi là nhiều mặt hàng thương mại bán lẻ, công nghệ phẩm bách hoá, tiêu dùng được sản xuất trực tiếp. Từ đó kết nối với hàng vạn cửa hàng bán lẻ của Masan trên toàn quốc thì đây là sức mạnh của Masan trong việc xây dựng thương hiệu, trong năng lực cạnh tranh về giá. Masan cam kết sẽ giảm giá từ 7% đến 10% so với giá thị trường. Xu hướng như Masan cũng đã được Hapro hay Saigon Co.op triển khai.
Một vấn đề khác, những khuyết tật của hệ thống phân phối vẫn chưa được khắc phục. Hiện nay đầu vào, đầu ra tại các chợ không được quản lý, mua bán không chứng từ hoá đơn, giá cả mặc dù thấp nhưng vấn đề chất lượng lại không được kiểm soát, văn hoá kinh doanh tại chợ còn yếu, hạ tầng chợ vừa xuống cấp, vừa “nhếch nhác”.
“Chúng ta có 9.000 chợ, nhưng chỉ khoảng 20% trong số đó là có thể chấp nhận được, còn lại đang rất có vấn đề, đặc biệt chợ miền núi. Chợ dân sinh không chỉ dành riêng để buôn bán, mà phải phù hợp với tình hình tập quán địa phương, tạo điều kiện cho giao lưu văn hoá, thúc đẩy sản xuất , kết nối hàng từ miền xuôi lên miền ngược, đưa hàng nông sản nhanh từ miền núi về miền xuôi để phục vụ nhân dân. Hàng nghìn sản phẩm OCOP “4 sao” nhưng bây giờ hỏi mua ở đâu, bán chỗ nào thì rất khó tìm. Cho nên, vấn đề hệ thống phân phối quốc gia vẫn đang còn “lệch pha”, và cần phải được chấn chỉnh. Còn với hệ thống siêu thị, mặc dù văn mình nhưng giá lại cao vô lý và đi ngược lại giá siêu thị ở các nước. Giá trong siêu thị tại các nước thấp hơn ở chợ, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại” - ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Quốc Tuấn
email: [email protected], hotline: 086 508 6899