Bộ Công an cảnh báo về biến tướng hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ du lịch"

09/07/2023, 11:49
báo nói -

TCDN - Bộ Công an vừa phát đi thông tin cảnh báo về hoạt động mua bán "sở hữu kỳ nghỉ du lịch" với nhiều chiêu thức để lừa đảo, trục lợi.

Theo Bộ Công an, hoạt động mua bán "sở hữu kỳ nghỉ du lịch" đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. Gần đây, mô hình này được triển khai tương đối phổ biến tại Việt Nam.

Được biết, “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là mô hình du lịch cung cấp dịch vụ mua trước quyền nghỉ dưỡng tại một hoặc một số khách sạn, khu resort trong khoảng thời gian nhất định (thường là 7 ngày/1 năm) theo mùa hoặc liên tục trong nhiều năm liền tùy theo thỏa thuận ký kết giữa các bên.

Bộ Công an cảnh báo về biến tướng hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ du lịch.

Bộ Công an cảnh báo về biến tướng hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ du lịch".

Tuy nhiên, hiện nay một số công ty đưa ra nhiều chiêu thức mời chào khách hàng, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết, nhắm vào tâm lý thích được tặng quà… để lừa đảo và trục lợi.

Trước tình hình trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với hoạt động này, tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý và khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp trước khi mua gói dịch vụ.

Bên cạnh đó, người dân cần nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký kết, đặc biệt chú ý đến các điều khoản liên quan đến quyền lợi của khách hàng, trách nhiệm của doanh nghiệp, giá trị hợp đồng và các loại chi phí liên quan, điều khoản chấm dứt hợp đồng và xử lý vi phạm.

Một rủi ro khác là hầu hết hợp đồng mua bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là loại hợp đồng không có trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. Vì vậy, việc kiểm soát các hợp đồng kinh doanh loại này gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc mua bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” thường có thời hạn dài (có thể kéo dài hàng chục năm), khách hàng phải trả số tiền lớn (từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng) ngay từ đầu khi chưa biết rõ khả năng và hiệu quả sử dụng dịch vụ trong tương lai.

"Đáng chú ý, tại thời điểm ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, có thể các căn hộ, khách sạn nghỉ dưỡng mới chỉ nằm trên bàn giấy, chưa khởi công xây dựng. Hoặc bên bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” có thể không sở hữu bất kỳ khu dự án hoặc khách sạn nào mà chỉ là đơn vị trung gian hợp tác với chủ sở hữu dự án, khách sạn để bán dịch vụ cho khách hàng. Do đó, khi xảy ra vướng mắc, khiếu nại trong quá trình sử dụng dịch vụ, bên bán khó đảm bảo được quyền lợi cho khách hàng.

Chưa kể, đối với người đầu tư vào mô hình sở hữu kỳ nghỉ nhằm mục đích kiếm lời thì việc chuyển nhượng kỳ nghỉ phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường, cũng như các điều khoản liên quan đến chuyển nhượng được ký kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Nhiều khách hàng sau khi mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ không thể bán lại cho người khác do không có người mua hoặc chi phí chuyển nhượng quá cao" - Bộ Công an nhấn mạnh.

PV
Bạn đang đọc bài viết Bộ Công an cảnh báo về biến tướng hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ du lịch" tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan