Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ Hải Dương tiêu thụ vải thiều

29/05/2022, 20:04

TCDN - Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ tỉnh Hải Dương thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều, thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu.

Sáng ngày 29/5, tại thành phố Hải Dương đã diễn ra Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu hình ảnh các sản phẩm tiêu biểu Hải Dương nói chung và đặc sản vải thiều nói riêng.

Hội nghị nhằm tạo điều kiện quảng bá và kết nối các doanh nghiệp, siêu thị, các tổ chức trong nước và quốc tế…; thúc đẩy tiêu thụ vải thiều, nông sản và các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Hải Dương nói riêng và các tỉnh, thành cả nước nói chung.

Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Hải Dương tiếp xúc, trao đổi, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao thương và mở rộng liên doanh, liên kết trong tiêu thụ vải và các mặt hàng nông sản của tỉnh với doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Australia, Singapore...

Sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Australia, Singapore...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ: Sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã được rất nhiều người biết đến, ca ngợi và được nhiều hiệp hội bình chọn, vinh danh là “Tinh hoa đặc sản ba miền”, Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng và các giải thưởng uy tín khác trong nhiều năm. Sản phẩm vải thiều Thanh Hà cũng đã được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý năm 2007.

Thời gian qua, Hải Dương đã quan tâm tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa tại các thành phố lớn, các địa phương có cửa khẩu biên giới cũng như mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do.

“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh Hải Dương tích cực quảng bá thương hiệu và thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều cũng như các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp khác” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường lớn quan trọng như EU, Singapore, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…triển khai các hoạt động thiết thực để hỗ trợ hiệu quả địa phương và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh hỗ trợ tỉnh Hải Dương thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải ở thị trường trong nước. Tích cực phối hợp các cơ quan truyền thông thực hiện phổ biến tuyền truyền rộng rãi tới người tiêu dùng về chất lượng, lợi ích, công dụng trong việc sử dụng quả vải nhằm kích cầu tiêu dùng của nhân dân đồng thời tích cực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Để vải thiều và các mặt hàng nông sản của Hải Dương ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị Hải Dương cần tập trung chủ động ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong hoạt động xúc tiến thương mại như giao thương trực tuyến, hội chợ và hội thảo trực tuyến; tăng cường hoạt động kết nối cung cầu giữa các địa phương nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, kết nối doanh nghiệp sản xuất với các nhà bán lẻ, kênh siêu thị và nhà xuất khẩu…

Thứ hai, bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh. Trong trường hợp xấu, hoạt động thu mua vải thiều và nông sản không thể tiến hành trực tiếp giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân do hạn chế về nhập cảnh, đi lại của các doanh nghiệp nước ngoài và quy định của nước nhập khẩu, Hải Dương cần sớm chủ động, thực hiện song hành kết nối doanh nghiệp với các nhà thu mua trong nước, các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Hải Dương cần chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kịp thời thông báo đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường tiêu thụ, nhất là các loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc để có hướng giải quyết phù hợp, kịp thời...

Đẩy mạnh khâu chế biến, nhất là đối với sản phẩm vải quả để hạn chế thiệt hại. Về lâu dài, tập trung hình thành sản xuất, chế biến, xuất khẩu theo chuỗi ngành hàng để sẵn sàng đối mặt với mọi rủi ro có thể xảy ra. Không ngừng tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới nhằm chủ động hơn trong việc tiêu thụ nông sản.

Toàn tỉnh Hải Dương hiện có hơn 8.900 ha vải thiều. Trong đó huyện Thanh Hà có 3.273 ha, Chí Linh có 3.434 ha, còn lại ở các địa phương khác. Năm 2022, Hải Dương tiếp tục duy trì 41 vùng vải tiêu chuẩn VietGAP với diện tích là 500 ha và 11 vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 110 ha.

Ngoài ra có gần 6.000 ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và GAP cơ bản. Vải Thanh Hà đã đạt nhiều chứng nhận, danh hiệu, giải thưởng như "Chỉ dẫn địa lý", "Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng", "Thương hiệu vàng", “Tinh hoa đặc sản 3 miền”...

PV
Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ Hải Dương tiêu thụ vải thiều tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Vải thiều Việt Nam nỗ lực chinh phục thị trường Mỹ
Sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang năm 2022 dự kiến đạt trên 160.000 tấn; trong đó có 18 mã vùng trồng dự kiến xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Australia, EU với diện tích là 218 ha, sản lượng đạt 1.600 tấn.