Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giải pháp ứng phó dịch Covid-19

14/02/2020, 10:22

TCDN - Ưu tiên các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch; ổn định đời sống nhân dân; hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng sau khi kiểm soát, dập dịch thành công... là những giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất để ứng phó ứng phó dịch Covid-19.

unnamed

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, diễn biến tình hình dịch viêm phổi cấp Covid-19 diễn ra nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường và chưa dự báo được đỉnh dịch, thời điểm kết thúc, quy mô và phạm vi tác động. Dịch đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta; ảnh hưởng tới tâm lý người dân trong xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động, gây thiếu hụt lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ.

Trong trường hợp khống chế được dịch trong Quý I/2020 thì tăng trưởng của Việt Nam dự báo là 6,25% giảm 0,55 điểm % so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó quý I tăng 4,52%; quý II tăng 6,08%; quý III tăng 6,92% và quý IV tăng 6,81%.

Trường hợp dịch được khống chế trong Quý II/2020 thì tăng trưởng dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm % so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong Quý I/2020, trong đó quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,70% và quý IV tăng 6,81%.

Trên cơ sở đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhóm giải pháp cụ thể cần quyết liệt làm ngay trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, tập trung ưu tiên các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch. Theo đó, các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch Covid-19. Chú trọng công tác truyền thông, tổ chức thông tin, tuyên truyền kịp thời và hiệu quả; đấu tranh quyết liệt với những thông tin thất thiệt, thiếu chính xác, nhất là trên môi trường mạng để củng cố niềm tin, giảm thiểu sự hoang mang, ổn định tâm lý của người dân và các nhà đầu tư, tạo đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp, chung sức, đồng lòng, tham gia phòng, chống, kiểm soát thành công dịch.

Thứ hai, hỗ trợ, ổn định đời sống nhân dân, tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn ra. Cụ thể: Giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch, như: hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay...; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2 năm 2020.

Giao Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02/2020: (i) Đánh giá tình hình thu, chi ngân sách nhà nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và kiến nghị các giải pháp bảo đảm cân đối thu chi trong năm 2020; (ii) Nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch.

Thứ ba, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng sau khi kiểm soát, dập dịch thành công. Dựa trên kết quả rà soát các thiệt hại về kinh tế - xã hội do dịch gây ra, các bộ, ngành và địa phương đề xuất, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách vĩ mô; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phù hợp chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. 

Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương đánh giá việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế thời gian qua, từ đó đề ra giải pháp cụ thể, thiết thực để đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và trong từng ngành, lĩnh vực theo hướng ít phụ thuộc hơn, tăng cường khả năng chống chọi và thích ứng với các biến động tốt hơn; khơi dậy nội lực trong nước, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với các biến động bên ngoài.

Riêng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nhanh chóng cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản.

Xem toàn văn báo cáo tại đây.

Phương Linh
Bạn đang đọc bài viết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giải pháp ứng phó dịch Covid-19 tại chuyên mục Thư viện của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Dịch Covid-19 khiến 9.000 người Việt mất việc làm
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo tổng hợp sơ bộ tại 22/63 tỉnh thành về ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó có khoảng 9.000 lao động Việt Nam bị ảnh hưởng, mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp hoặc tạm dừng hoạt động trong bối cảnh dịch virus Covid-19.